Thứ Bảy, 3 tháng 7, 2010

World Cup xóm nghèo, quán bình dân đắt khách

Đọc báo thấy bài này đáng chú ý, xin chép lại để mai mốt đọc lại kỹ hơn.

"Phóng sự của Văn Lang/Người Việt

Mùa World Cup năm 2010 tại các xóm nghèo Sài Gòn, theo như một bác lớn tuổi nhận xét là, “Ðỡ đinh tai, nhức đầu mất ngủ hơn các mùa Uôn-Cấp trước!”

Nguyên nhân thì có thể có nhiếu lý do, như, “Bây giờ người ta đã bão hòa vì coi bóng đá truyền trực tiếp mấy giải quốc tế nhiều quá, hay như kinh tế khó khăn dân nghèo lo kiếm sống hơn là thức trắng đêm vì những trận cầu bên Phi, bên Mỹ, cũng có thể là dân coi bóng đá khuya tập trung về có nơi, có điểm chứ không coi tại nhà, hay “gầy sòng” tràn lan trong xóm như trước kia”.

Dù nói gì, coi bóng đá “Uôn-Cấp” nơi xóm nghèo vẫn có những thú vui mà không mấy nơi nào sánh được.

Ðầu tiên là phải nói tới giá cả, bình thường mấy quán cà-phê xóm nghèo khu Gò Vấp bán 4 ngàn đồng một ly cà-phê sữa nóng có kèm thêm một bình trà nóng. Ðêm chiếu World Cup thì nâng giá lên 6 ngàn đồng, số tiền “phụ thu” này chấp nhận được vì quán sắm thêm TV mới 42 inch màn hình LCD đàng hoàng, thức đêm phục vụ rồi tiền điện...

Ðó là quán của những người bình dân của một khu xóm nhất định, như dãy quán trước hãng thuốc lá Caravelle (nay hãng đã dời đi) nhưng khu dãy quán thì vẫn còn. Khu trước bến xe quận 8, có quán ngày đêm, đá banh không đá banh gì cũng lấy y chang 6 hoặc 7 ngàn một ly cà-phê tùy là nóng hay đá. Nhưng chỉ bước lộn qua một quán khác, cũng chẳng hơn gì thì giá đã là 15 ngàn đồng 1 ly. Muốn biết quán có thực sự bình dân hay không thì hãy chú ý, quán nào có mấy bác lớn tuổi ngồi thì cứ yên tâm bước vô, vì thanh niên có thể lầm chứ mấy ông già sức mấy mà lầm, trừ khi là quý vị bô lão cố tình lầm!

Vừa nhậu vỉa hè, vừa xem “Uôn-Cấp”. (Hình: Văn Lang/Người Việt)





Về giá bia thì xóm bình dân dù World Cup vẫn y chang như ngày cũ. Bia Sài Gòn đỏ ướp lạnh vẫn giá là 8 ngàn đồng một chai, trong khi nhà hàng Hàn Quốc, bia Heineken ở đây có giá là 25 ngàn VND một chai. Khu Tây ba-lô chai bia sài Gòn xanh có giá là 10 ngàn đồng một chai, lưu ý là khu bình dân ít nơi bán Sài Gòn xanh vì dân chê lạt. Trong khi khu bình dân dĩa mì xào bò ngon lành, ăn no giá chỉ 15 ngàn đồng, khu Tây ba-lô dĩa mì xào bò giá là 25 ngàn đồng nhưng lấy đèn pin mà soi thật kỹ may ra thấy miếng thịt bò cỡ... phân nửa nắp chai bia.

Tóm lại, xóm nghèo không có vụ lên giá “bất tử” vì lý do World Cup. Và có một số nơi công an (không có văn bản chính thức) cho phép mấy quán bình dân bán sáng đêm phục vụ World Cup. Nhưng theo chị Tư H. một chủ quán bia vỉa hè cho biết là quán bán... ế. Lý do là khách vô quán chỉ uống cầm chừng để còn coi đá banh, hơn nữa mê coi banh nên dân nhậu cũng ít ăn mồi, coi bộ dân nhậu khoái “đưa cay” bằng trái banh uôn-cấp hơn. Ðành phải theo họ thức đêm, thức hôm coi như lấy công làm lời! Chị Tư H. phân bua với chúng tôi về tình trạng quán xá vỉa hè mùa World Cup.

Trái với quán nhậu vỉa hè, cà-phê bình dân bán nửa vỉa hè nửa trong nhà lại đắt như tôm tươi, nhất là với những quán vẫn duy trì giá bình dân từ trước tới giờ, lại được trang bị thêm TV màn hình LCD loại từ 32 inch trở lên. Vào giai đoạn đầu World Cup một đêm tường thuật ba trận, theo giờ Việt Nam là các trận 6 giờ 30 tối, 9 giờ 30 tối, và trận 1 giờ 30 sáng, một quán cà phê bình dân tổ chức tốt có thể bán trên 500 ly cà-phê là bình thường, đơn giản vì dân ta rất lịch sự, hết trận lại về có trận mới lại ra, không uống cà-phê thì cũng nước ngọt.

Ðêm thì ngoài nước, còn có bán bánh mì, mì ăn liền thêm chút rau, giá “giội” nước sôi phỏng lưỡi vô là dùng tốt. Vì vậy, thấy đắt hàng quá nên chị Thanh bán cà-phê bình dân trên đường Phạm Thế Hiển quận 8, là một quán nghèo, mái lá đơn sơ thường chị chỉ bán ban ngày với giá 6 ngàn đồng ly cà-phê, nay chị cũng ráng kiếm cái TV 32 inch để bán luôn ban đêm. Gặp chúng tôi tới uống, chị khoe cũng là “quảng cáo” luôn: - Quán tôi buổi tối bán đắt lắm, mấy ông xe Honda ôm trong xóm ra coi bắt độ vui lắm!

Có đêm, khi chúng tôi ghé dãy quán trước khu bến xe quận 8, khu này khá thoáng mát, bán sáng đêm với nhiều hàng quán tuy không ồn ào nhưng khá vui. Vừa coi, chúng tôi vừa bắt chuyện với anh chàng coi xe da đen nhẻm, nói tiếng Việt hơi “cứng” giọng. Hỏi thăm mới biết anh chàng là dân gốc Khơ-me quê ở Trà Vinh, lên Sài Gòn trú ngụ tại quận 8 đã mấy năm nay.

Sáng nào cũng vậy, cứ khoảng 4 giờ 30 là anh ta chạy xe Honda xuống Ðức Hòa-Ðức Huệ (Long An) để kịp sáng sớm đi đào rễ cỏ tranh bán cho mấy người nấu nước mát, sâm lạnh, ngày anh ta đào được hơn hai chục ký rễ cỏ tranh và bán được khoảng hơn hai trăm ngàn. Theo anh cho biết thì quận 8 này có khoảng 40 người làm nghề như anh ta. Họ chia làm mấy nhóm, mỗi nhóm khoảng 5 tới 7 người, chia nhau quần thảo khắp các khu đồng cỏ thuộc tỉnh Long An. Anh cho biết ngày thì đi đào rễ cỏ tranh, đêm về giúp coi xe cho người chị bán quán cà-phê “quơ cấp”, không dám bỏ buổi nào vì ham tiền lại ham coi đá banh, anh ta than, hết mùa banh này chắc phải mất chừng từ năm tới bảy ký thịt.

Cũng ngồi coi chung với chúng tôi tại quán trên, chúng tôi bắt chuyện với một anh chàng chạy xe taxi của hãng Vina Sun, anh chàng cho biết đêm nào chạy xe cũng thức coi đá banh, nhiều khi quên cả đi khách, vì bộ đàm bỏ trong xe, anh ta thì ngồi bên quán mê mải với mấy chân sút, tổng đài taxi gọi có khách anh ta cũng không nghe. Tôi hỏi anh ta có cá độ không? Anh ta cho biết đêm nào cũng chơi. Khi được hỏi tỉ số cá độ đêm đó anh ta cho biết nếu muốn cá trận sau (1 giờ 30 sáng) thì để trễ chút anh ta gọi cho “lò” sẽ có kèo chính xác, giờ này (chưa tan trận 9 giờ đêm) còn sớm quá. Khi chúng tôi hỏi về việc ăn-thua cá độ, anh chàng tài xế cho biết, trận nào thắng đem tiền về cho vợ nói là tiền taxi, thua thì báo là kỳ này... ế khách.

Trong khi huấn luyện viên của các đội mạnh căng đầu căng óc tính toán chiến thuật, dưỡng giò dưỡng cẳng những chân sút “bửu bối” để tiến xa hoặc giành ngôi vô địch thì dân lao động cũng như mấy khán giả thuộc hàng “siêu” lão tướng cũng phải vừa coi vừa dưỡng sức lo kiếm cơm hoặc còn thức được trong đêm chung kết nếu may mắn có thể nhìn thấy đội bóng mình hâm mộ lên ngôi vô địch.

Long một thầu xây dựng nhỏ của xóm nghèo cho biết, chỉ coi duy nhất các trận cầu lúc 9 giờ tối. Riêng lúc trước chiều Thứ Bảy cho thợ nghỉ sớm, rủ mấy anh em lại nhà lai rai món gỏi vịt với cháo vịt bà xã nấu, vừa lai rai vừa coi trận cầu lúc 6 giờ 30 tối, vừa khỏe vừa vui lại ít tốn kém.

Theo Long, nghề xây dựng là nghề nặng nhọc, mà cứ hễ ráo mồ hôi là ráo tiền, do vậy phải dưỡng sức cho mình và cho thợ nữa, nhất là lúc này công việc đang chạy.

Coi “quơ cấp” nơi xóm nghèo còn có mấy vị siêu lão tướng, như ông Tám và ông Mười, một người 83 tuổi, còn người kia 84, vậy mà vẫn coi tốt. Hai ông cho biết, chủ yếu coi ở nhà, khỏe thì ngồi, mệt thì nằm, mệt hơn thì... ngủ. Nhưng hễ bình luận viên trong TV hét lên: “Vzzzôôô...!!!” thì choàng tỉnh dậy, coi chiếu chậm lại, vậy cũng đã đời rồi, đâu cần phải coi hết trận. Ngoài việc coi đá banh kiểu lão tướng ở nhà, các ông lại rất thích ra quán cà-phê buổi sáng để tham gia bình luận.

Như ông Tám, người rất có tinh thần dân tộc... Á Châu, ông mê đội Nhật Bản vì cho rằng họ da vàng, mũi tẹt giống mình, lại đá hay. Ông Tám nói: Ở đâu không biết, ở Việt Nam mình xe Honda là nhứt hạng, mà cầu thủ số 18 Honda của Nhật cũng là... hạng nhứt !”

Ông Mười thì có sáng vừa đưa cho mọi người coi tờ báo bóng đá, vừa nói: Mọi người coi, báo đăng sau vòng loại hàng loạt huấn luyện viên đệ đơn xin từ chức vì đã không đem lại chiến thắng cho đội tuyển xứ họ. Vậy sao xứ ta, sao mấy cha nhà đèn lo cúp điện hoài, mấy cha coi cống thoát nước để nước ngập đường, ngập phố hoài không noi gương xứ người ta mà đệ đơn từ chức cho bà con mình nhờ vậy cà?!”

Trái bóng World Cup tiếp tục lăn, đã tới vòng tứ kết thì các trận cầu càng hấp dẫn, càng nảy lửa hơn. Nhưng nơi xóm nghèo Sài Gòn, ai lặng lẽ cuộc mưu sinh cứ khép cửa đi ngủ sớm, ai thích coi bóng đá và bình luận thế sự thì cứ tiếp tục buồn vui cùng trái bóng."


( Nguoi Viet, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=115465&z=2 )

Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/13548112

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến