Thứ Tư, 28 tháng 7, 2010

Hoa Kỳ tham gia giải quyết tranh chấp Biển Ðông là thông điệp hết sức tích cực

Đọc báo thấy bài này đáng chú ý, xin chép lại để mai mốt đọc lại kỹ hơn.

"Phỏng vấn Tiến Sĩ Nguyễn Quang A ở Hà Nội

QUẬN CAM (NV) - Tiến Sĩ Nguyễn Quang A, 64 tuổi, nguyên viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển Việt Nam IDS. Ông đạt học vị tiến sĩ khoa học năm 1982 (Hungary) về ngành điện tử viễn thông và được coi là một trong những người có công nhất, ảnh hưởng nhiều nhất đến sự phát triển của Internet tại Việt Nam những năm đầu.

Năm 2007 ông và một số trí thức nổi tiếng trong nước thành lập IDS, một viện nghiên cứu độc lập đầu tiên tại Việt Nam. Tuy nhiên, ngày 14 tháng 9, 2009, 16 thành viên của IDS đã ra bản tuyên bố tự giải thể với lý do nhà cầm quyền Trung Ương Hà Nội ra quyết định 97/2009/QÐ/TTg cấm các tổ chức nghiên cứu công bố công khai các kết quả, công trình nghiên cứu, bài viết phản biện của họ. Bản tuyên bố dài 6 trang giấy lên án quyết định đó là “phản tiến bộ, phản dân chủ,” phản Hiến Pháp và luật pháp hiện hành của Việt Nam.

Nhân những lời tuyên bố của bà ngoại trưởng Hoa Kỳ liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển Ðông khi bà dự Diễn Ðàn An Ninh Khu Vực ASEAN ở Hà Nội ngày 23 tháng 7, 2010, nhật báo Người Việt đã phỏng vấn một số người trong và ngoài nước, trong đó có Tiến Sĩ Nguyễn Quang A. Dưới đây là phần phỏng vấn của nhật báo Người Việt với ông Nguyễn Quang A.

Người Việt (NV): Thưa ông, cách đây ít ngày vào tuần trước, bà Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton tham dự cuộc họp Diễn Ðàn An Ninh Khu Vực ASEAN ở Hà Nội, chắc ông có theo dõi tin tức hội nghị. Trong hội nghị đó bà Clinton có cho hay rằng là Hoa Kỳ sẵn sàng đứng ra dàn xếp cho một cơ chế để các nước trong khu vực thảo luận và giải quyết bằng đường lối ngoại giao cuộc tranh chấp về biển Ðông, ông thấy thế nào?

TS Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ vấn đề biển Ðông rất quan trọng đối với Việt Nam và đối với cả khu vực này. Việc tham gia của Hoa Kỳ trong việc dàn xếp, giải quyết những vấn đề biển Ðông tôi nghĩ là một thông điệp hết sức tích cực từ phía chính phủ Hoa Kỳ và rất quan trọng đối với tình hình an ninh khu vực Ðông Nam Á.

NV: Thưa ông, bà ấy nói như vậy không biết có phải là vì ít lâu nay, thời gian vừa qua, phía Việt Nam đã từng vận động để quốc tế hóa vấn đề nhưng dường như kết quả không được như phía Việt Nam mong muốn tức là đạt được một sự đồng thuận ở ASEAN, theo ông có phải vì vấn đề như vậy không mà Hoa Kỳ đã tích cực hơn?

TS Nguyễn Quang A: Thực sự ở đây vấn đề phức tạp hơn như vậy nhiều. Thứ nhất là vùng biển Ðông là đụng đến vấn đề tự do hàng hải, một con đường rất là huyết mạch đối với nhiều nước từ Nhật Bản đến Hàn Quốc, Nga, Mỹ cho đến các nước ở Ðông Nam Á này, đấy là một chuyện. Chuyện thứ hai là tranh chấp đảo, lãnh thổ và thực sự là tranh chấp tài nguyên của một số nước trong khu vực. Hai chuyện này dính với nhau.

Chuyện thứ nhất là tự do hàng hải hầu như tương đối dễ thống nhất mà theo luật biển quốc tế phải đảm bảo tự do hàng hải như thế này, thế kia; nhưng mà chuyện đó nó lại dính vào việc tranh chấp chủ quyền biển Ðông.

Tranh chấp chủ quyền biển Ðông như thế có thể cản trở đến chuyện tự do hàng hải. Trong tranh chấp chủ quyền này chủ yếu xảy ra là giữa Trung Quốc, Ðài Loan, Phillipines, Malaysia, Việt Nam, Brunei và một phần không phải toàn bộ 10 nước trong hiệp hội ASEAN cho nên việc có một tiếng nói chung ở trong ASEAN về chuyện này không phải là dễ.

Một mặt là Trung Quốc họ cương quyết không giải quyết vấn đề này trên bình diện quốc tế đa phương mà chỉ giải quyết đơn phương từng cặp nước một mà trụ cột là họ, tức là Trung Quốc cứ song phương với Việt Nam, song phương với Phillipines, v.v... Tức là chiến thuật của Trung Quốc tách bó đũa ra từng chiếc đũa một. Ðó là kế đàm phán của họ luôn luôn mạnh mẽ với sức mạnh quân sự của họ nữa.

Không những sức mạnh quân sự với số tiền bạc mà họ có thể dùng lấy danh nghĩa viện trợ đầu tư thì họ có thể có ảnh hưởng đến nhiều nước khác. Nếu một nước họ dùng chiến thuật riêng để làm sao tách riêng các quốc gia này ra để không có tiếng nói chung, đấy là chiến thuật của Trung Quốc. Cho nên là quốc tế hóa, đa phương hóa việc giải quyết vấn đề biển Ðông mà Việt Nam muốn làm thì không phải dễ.

Chừng nào không có những tiếng nói dứt khoát từ những cường quốc thí dụ như Hoa Kỳ, không có tiếng nói mạnh như Hoa Kỳ thì lúc đó Nhật Bản cũng e ngại, Hàn Quốc cũng e ngại, các nước khác cũng e ngại, khi bà Clinton nêu chính kiến của Hoa Kỳ một cách rất dứt khoát thì đã có một sự biến chuyển rất tốt về vấn đề này, tức nhiên là Trung Quốc họ cực lực phản đối.

NV: Ngày hôm Thứ Hai, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc họ đã lên tiếng phản ứng một cách chính thức qua một bài viết trên website của họ nói rằng họ không chấp nhận quan điểm của chính phủ Hoa Kỳ đồng thời họ chỉ muốn giải quyết song phương với từng nước một mà thôi.

Chúng ta nhìn rõ quan điểm của họ như ông đã nói: họ muốn chia bó đũa ra từng đôi một, từng chiếc một để họ bẻ cho dễ nhưng có một tín hiệu có vẻ làm cho nhiều người khó hiểu là trong rất nhiều dịp khác nhau, các lãnh tụ Việt Nam và Trung Quốc khi gặp nhau thì đều luôn luôn nói đến chuyện thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước lên tầm cao mới, cho nên không biết đó chỉ là những lời tuyên truyền bề ngoài và bên trong có che giấu một điều gì khác không khi nhìn vào thực tế những gì đã xảy ra trong thời gian qua trên biển Ðông, hai cái đó nó không có đi đôi với nhau?


TS Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam ở trong một tình thế rất khó xử và rất tế nhị và tôi đồng cảm với những khó khăn của họ.

Thứ nhất, Trung Quốc là một láng giềng lớn của Việt Nam và đối với một láng giềng lớn thì Việt Nam phải có quan hệ tốt với láng giềng đó, không thể đổi láng giềng được. Ðấy là một điều kiện mà trời đã bắt chúng ta như vậy thì chúng ta phải có một cách ứng xử tốt nhất làm sao cho sự tồn tại và phát triển của đất nước cho nên điểm thứ nhất là không bao giờ và không nên chống Trung Quốc, đấy là một điều mà tôi nghĩ là rất quan trọng. Phải cố làm sao cho quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc càng lành mạnh bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.

Một mặt Việt Nam là một nước độc lập, Việt Nam không thể vì lệ thuộc hay là làm tay sai cho bất kỳ một nước nào và luôn luôn có một sự giằng co trong mối quan hệ, một mặt phải giữ quan hệ tốt về mặt kinh tế, về mặt quân sự, v.v... đủ các thứ khác để giữ cái hòa bình ổn định, mặt khác phải giữ độc lập của mình và sự phát triển chung của mình.

Trong một mối quan hệ như thế thì không đơn giản, còn đối với các nhà chính trị thì tôi không dám nhận xét họ nói thế này họ hành động thế kia, có lẽ đấy cũng gắn đến nghề làm chính trị hay chăng, tôi không rõ nhưng thực sự cần phải rất là uyển chuyển, mềm dẻo và những lúc cần thiết thì phải rất là cương quyết, cứng rắn.

NV: Chúng tôi hiểu là ông và một số vị sĩ phu trí thức Việt Nam luôn luôn bận tâm về tương lai của đất nước thì theo ông, ông nghĩ rằng trong hoàn cảnh của nước Việt Nam hiện thời thì chúng ta làm được gì và phải làm gì để bảo toàn lãnh thổ cũng như là để phát triển kinh tế xã hội một cách hài hòa và thật sự công bằng cho tất cả mọi người?

TS Nguyễn Quang A: Có lẽ cách tốt nhất là phải cởi mở với tất cả các nước, nhà nước Việt Nam nói là muốn làm bạn với tất cả các nước.

Nhưng tôi nghĩ tôi không phải chỉ “làm bạn” mà phải gọi là cởi mở tức là lợi ích của các nước được đảm bảo và những vùng lân cận của Việt Nam và chỉ trong một mạng lưới rất là phức tạp ấy đó nó đan chéo lẫn nhau, nó kềm chế lẫn nhau và cũng có khi nó thúc đẩy lẫn nhau. Một nước với diện tích nhỏ như Việt Nam nhưng dân số cũng không đến nỗi nhỏ lắm. Một nước đang còn nghèo nhưng có một cơ hội để phát triển để trở thành một nước vừa phải trong khu vực tôi nghĩ đấy là chính sách cởi mở đối với quốc tế.

Muốn cởi mở với quốc tế thì phải theo những giá trị những chuẩn mực của quốc tế mà thực sự những giá trị và những chuẩn mực ấy người Việt Nam từ xa xưa đến nay đều coi trọng cả chứ không phải là gì xa lạ. Ðó là tự do, đó là dân chủ, v.v... đó là vấn đề về quyền con người nếu mà Việt Nam làm được như thế thì Việt Nam sẽ mạnh từ bên trong, nước sẽ thực sự mạnh, nhân dân sẽ thực sự giàu lên, có hiểu biết thêm, có mối quan hệ tốt với những nước lớn, với tất cả những nước xung quanh, mà muốn làm được như thế tôi nghĩ việc giữ được độc lập, tự chủ, tạo điều kiện cho việc phát triển không phải là điều khó khăn cho lắm.

NV: Cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn. "


( Nguoi Viet, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=116575&z=1 )

Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/14691662

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến