"Văn Lang/Người Việt
Sài Gòn đã bước vào mùa mưa với nhiều cây mưa tương đối lớn đủ sức biến những con đường thành dòng sông nước đen, nhưng chuyện điện đóm thì vẫn chập chờn. Dù cuối tháng 6, ông nhà đèn đã mạnh miệng tuyên bố, từ ngày 1 tháng 7 sẽ chấm dứt việc cắt điện luân phiên, mà cao điểm là tháng 6 vừa qua, nội thành tuần cúp 2 ngày, ngoại thành 3 ngày, cúp từ sáng tới tối, không kể ngoài việc cúp theo lịch đôi khi bị “sự cố” thì bên ngành điện cứ vô tư... cúp thêm.
Khi điện lực Việt Nam (EVN) tuyên bố ngưng cắt điện luân phiên tại các địa phương nhiều người thở phào nhẹ nhõm vì áp lực suốt tháng 5 và đặc biệt là tháng 6 coi như đã được “giải tỏa.”
Nhưng cũng nhân mệnh lệnh trên của điện lực Việt Nam có người đặt câu hỏi: Tình trạng cúp điện liên miên vừa qua, nhất là trong giai đoạn nắng nóng khủng khiếp nhất là do ngành điện thiếu điện cung ứng hay là do thái độ cửa quyền của ngành điện, muốn cho thì cho, muốn cúp thì cúp, hay cả hai?!
Nhiều tờ báo ở Việt Nam đã không tin vào sự mạnh miệng tuyên bố của EVN nên đã tới phỏng vấn cấp thẩm quyền cao nhất của ngành điện lực Việt Nam, và đã nhận được câu trả lời (sau một hồi quanh co lý giải), thì vị quan điện lực này đã thú nhận là có cắt điện nữa hay không là còn do ý... Trời. Vì nếu mưa có ngập mấy thành phố như Sài Gòn hay Hà Nội mà phía thượng nguồn mưa không đủ về các đập thủy điện - vượt mức nước chết thì cúp điện vẫn là chuyện... không tránh khỏi!
Dân Sài Gòn lâu nay đã quá quen với điệp khúc - Nắng cúp điện mà mưa cũng... điện cúp! Vì mấy ông nhà đèn giải thích, nắng không có nước chạy thủy điện, còn mưa thì... sự cố đường dây.
Sau tuyên bố mạnh miệng sau ngày 1 tháng 7 ngưng cắt điện luân phiên, kết quả là ngày 2 tháng 7 nhiều khu vực tại quận 5 của Sài Gòn mất điện nguyên ngày. Trong cái nóng thiêu đốt, tiếng máy phát điện mini nổ đinh tai nhức óc dọc các tuyến đường cúp điện để duy trì kinh doanh, sản xuất và... hơi thở. Ðêm ngày 7 rạng ngày 8 tháng 7 sụt giảm điện áp mất điện toàn bộ tuyến miền Trung (từ Quảng Bình vào tới Quảng Ngãi), ảnh hưởng liên kế tới điện Phú Mỹ, Cà Mau...
Một trang báo điện tử lớn nhất ở VN có được hai cái hay, phù hợp với tình trạng Việt Nam. Thứ nhất, vô trang Web của báo này, dù bạn ở đâu trên lãnh thổ VN khi truy cập vào trang Web này sẽ có ngay địa chỉ của máy ATM gần nhất tùy theo ngân hàng mà bạn chọn.
Cái hay thứ hai là mục tin tức hàng ngày của báo này luôn có thông báo lịch cúp điện trên toàn quốc, được cập nhật hàng ngày và thông báo lịch trọn tuần. Vô trang báo này sẽ thấy Sài Gòn dầy đặc lịch cúp điện từ ngày 1 tháng 7 tới ngày... 13 tháng 7 (là ngày mà chúng tôi đang viết bài này). Lý do cúp điện thì vẫn là sửa chữa đường dây, duy tu trạm phát, thay thế phụ kiện... Có điều, trước kia cúp nguyên ngày thì bây giờ chỉ còn khoảng... nửa ngày. Tuy vậy, đời sống người dân vẫn cứ chập chờn... theo điện.
Câu chuyện điện đóm ở Việt Nam, (mà trước kia còn thêm cả cúp nước nữa) là câu chuyện dài nhiều tập vẫn chưa có hồi kết. Nên ngày xưa dân Sài Gòn ưa nói tiếu lâm là: “Cộng sản Việt Nam ra thế giới lãnh được hai chiếc cúp đó là cúp nước và cúp điện!”
Nay thì chuyện cúp nước tạm yên nhưng cúp điện vẫn là chuyện thường ngày ở huyện và cả ở phố nữa. Nếu ngày xưa dân miền Bắc xã hội chủ nghĩa hay nhại theo ý mấy nhà thơ là - Quê ta năm nay mất mùa lúa nhưng được mùa nghị quyết. Thì nay dân Sài Gòn cũng có thể nói là năm nay nắng nóng tuy mất điện hơi nhiều nhưng lại rất được mùa... tình thương, mến thương!
-A! Vì vừa cúp điện một cái, mọi cánh cửa đều mở bung, mấy cái đầu thò ra một lúc, hàng xóm hỏi lẫn nhau để xác định lại: Cúp điện hả? Nếu cúp điện nguyên ngày mà lại nhằm ngày nghỉ cuối tuần thì mọi người phải tùy nghi di tản đi trốn nóng, lúc đó mới biết Sài Gòn tuy rộng mà không nhiều điểm để đi, lòng vòng một hồi rối cũng gặp nhau. Rồi bạn cũ, rồi tình xưa, rồi hàn huyên, rồi tâm sự để thấy tình người... vui dễ sợ! Mười năm không gặp tưởng tình đã mất, ai dè nhờ cúp điện đi hóng gió nơi công viên mới biết, tình vẫn quanh đây, tình vẫn quanh ta, em vẫn ở nhà và vẫn... “chửa”chồng.
Cuối tuần, điện thoại thi nhau reo vang, bạn cũ bạn mới tới tấp gọi cho nhau đề nghị đến nhà chơi, vui vì tưởng bạn thương mình tới thăm, sau mới biết là bên nhà bạn cúp điện, nóng quá muốn di tản qua nhà mình trốn nóng, xui một cái là bên đây cũng... cúp điện. Thế là, kẻ quận 3 người quận 8, người Phú Mỹ Hưng, người Gò Vấp, quận 5, Bình Thạnh, Phú Nhuận... đành phải hẹn nhau ra công viên hóng mát, trưa cùng nhau đi cơm bụi rồi ra ngoại thành hoặc bờ sông, ráng cho tới 5 giờ chiều mát thì “lết”về nhà, ngày nghỉ nhiều khi đi trốn nóng còn cực hơn đi làm.
Nhiều khi xui rủi, chiều về nhà sự cố điện lại tiếp tục, mười giờ đêm chưa có cơm ăn (vì ráng chờ điện) bực mình chửi um lên. Lúc đó mới thấy thương dân nghèo miền quê, những người thấp cổ, bé họng lại được nhà nước “ưu tiên” cúp điện nhiều hơn dân thành phố.
Quá chán cái cảnh “ăn thì tắt, mà... lắc thì... mở!” tức là ngày thì cúp điện, đêm khuya người ta đã chui vô mùng ngủ thì ông nhà đèn lại đột ngột mở điện sáng choang, thêm cái cảnh nhà dân thì tối nhà quan thì sáng.
Cho nên dân huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đã hè nhau cắt đường dây điện dẫn vô nhà quan huyện, đồng thời đem nhân viên điện lực nhốt vô phòng tối, rồi đem phơi nắng cho họ hiểu được nỗi cay cực của người dân bị cúp điện thường xuyên.
Sau khi “sự cố” điện ở Thái Bình giải quyết xong, một người dân Thái Bình đã lên tiếng với báo chí: “Chúng tôi chỉ muốn công bằng, nếu sau sự việc này mà chúng tôi được cấp điện nhiều hơn nơi khác thì chúng tôi cũng không vui, vì như thế là ăn vào phần của đồng loại!” Một người dân Sài Gòn, ở quận 9, cũng bức xúc lên tiếng với báo chí: “Chúng tôi rất xấu hổ khi biết là dân thành phố được ưu tiên sử dụng nhiều điện hơn dân quê, cây lúa đang gặp hạn miền quê cần nhiều điện hơn cho việc chống hạn, cần luân phiên cúp điện công bằng để chia sẻ gánh nặng khó nhọc trên vai người nông dân, những người làm ra hạt gạo nuôi sống cả nước!”
Công bằng bao giờ cũng tốt, đặc quyền đặc lợi của một vùng miền hay giai cấp sẽ gây chia rẽ sâu sắc trong cộng đồng của một quốc gia. Nhưng cốt lõi của vấn đề là làm sao Việt Nam đủ điện để dùng cho công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, sinh hoạt trong mọi hoàn cảnh dù nắng hay mưa. Vì nếu cứ tiếp tục thiếu điện trầm trọng như hiện nay thì hạnh phúc chẳng khác nào là mảnh chăn hẹp, kẻ này ấm thì người kia lạnh.
Cúp điện, kẹt xe và thành phố ngập nước khi mưa lớn có lẽ là ba vấn nạn lớn nhất và thường trực nhất tại Việt Nam. Nếu như “phép thử” của ông Trời khi mưa lớn trưa - chiều ngày 1 tháng 7 làm ngập lụt đường phố Sài Gòn thì chiều hôm qua 13 tháng 7 cơn mưa lớn đã làm cho toàn bộ Hà Nội biến thành... dòng sông, nhiều nơi nước ngập cao hơn cả mét trên diện rộng.
Vậy mà trớ trêu, điện tại Sài Gòn vẫn cúp, trước khi gởi bài này đi, sáng nay 14 tháng 7, chúng tôi ngồi uống cà-phê tại khu vực chợ Xóm Củi, phường 12, quận 8 vẫn phải chứng kiến cảnh máy phát điện mini đặt trên đường phố bị cúp điện nổ đinh tai, nhức óc...
Muốn giải quyết vấn nạn cúp điện luân phiên, ngoài việc phá thế độc quyền của EVN, còn cần cúp điện công bằng nhà quan cũng như nhà dân, khu vực chính phủ hay xóm nghèo cũng... như nhau.
Có vậy may ra mấy ông “đầy tớ dân” mới chịu “động não,” cũng cần dẹp luôn chuyện mấy ông “đầy tớ dân” đi đâu cũng có xe cảnh sát mở đường, nghênh ngang, hụ còi dẹp đường... có bị kẹt xe thì đám đầy tớ dân may ra mới chịu xuống đường xem xét sự tình, giảm bớt bệnh chính quyền quan liêu chỉ quen ngồi mát ăn bát vàng, chỉ tay năm ngón, nói thánh, nói tướng.
Dân chủ là chìa khóa của bài toán nan giải - cúp điện, kẹt xe, ngập nước. Nhưng một vị linh mục đã từng đi học ngành giáo hội học tai Roma đã nói với chúng tôi: “Những quyền lực tuyệt đối (Absolute -Power), không có đối trọng, không có những tư tưởng khác biệt như giáo hội hoặc cộng sản thì không có khả năng dân chủ hóa trong giáo hội, cũng như trong xã hội!”
Sài Gòn, ngày 14 tháng 7 năm 2010.
Văn Lang."
( Nguoi Viet, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=116067&z=1 )
Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/14126722
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét