"Nguyễn Ðạt
Trước 30 tháng 4, 1975, người ta thường gọi quận 4 là Khánh Hội. Và nói tới Khánh Hội là nói tới bến cảng Nhà Rồng, nhà thờ Xóm Chiếu cùng bà con xứ đạo miền Bắc di cư, những kênh rạch bến đò, đặc biệt là giới lao động nghèo “tay làm hàm nhai” cơ cực vất vả, hãng sản xuất thuốc lá Bastos lâu đời...
Chúng tôi có một thời tuổi trẻ cư ngụ ở Khánh Hội, để bây giờ, những dịp qua quận 4, lòng dạt dào thương cảm một vùng “cố quận.” Bến cảng Nhà Rồng được lập nên từ khoảng giữa thế kỷ 19, thời Pháp thuộc, do một công ty vận tải đường biển của Pháp xây dựng. Nằm bên sông Sài Gòn, tại khu vực cầu Khánh Hội - thời trước có lúc mang tên là cầu Trình Minh Thế, bến cảng Nhà Rồng lúc đó là thương cảng lớn của Sài Gòn.
Gọi là Nhà Rồng, tòa nhà có nơi ở của Tổng quản lý công ty và chỗ bán vé tàu, vì trên nóc tòa nhà này có gắn hai con rồng bằng đất nung tráng men xanh ở hai bên. Giữa nóc nhà là hình phù hiệu của công ty: đầu ngựa và chiếc mỏ neo.
Có người cho rằng, Nhà Rồng có nghĩa là Gia Long, người Pháp đặt như vậy cho tòa nhà trụ sở bến cảng, để nhớ tới quan hệ của vua Gia Long với nước Pháp. Nhà Rồng, sau biến cố 30 tháng 4, 1975 hiển nhiên bị tiếm đoạt để trở thành “Bảo tàng Hồ Chí Minh,” còn gọi là “Nhà lưu niệm bác Hồ,” do cái tiểu sử hư cấu “bác Hồ” từ nơi này lên tàu ra đi tìm đường cứu nước. Như vậy Nhà Rồng mặc nhiên đã tách khỏi bến cảng 35 năm nay, trụ sở cảng Nhà Rồng hiện nay đặt ở khu nhà khác của bến cảng, lấy tên là “Cảng Sài Gòn/Cảng Nhà Rồng Khánh Hội.”
Cảng Sài Gòn - Cảng Nhà Rồng Khánh Hội trải dài theo nhánh sông, song song với con đường Trình Minh Thế cũ, nay là đường Nguyễn Tất Thành. Cuối đường Nguyễn Tất Thành, bên này cầu Tân Thuận bắc sang Tân Thuận-Nhà Bè, phía bên phải, đường Tôn Thất Thuyết, cuối cùng của vùng đất Khánh Hội, là một con đường dài dặc, chạy song song một nhánh sông Sài Gòn, với những kho bãi thuở trước còn lưu giữ nhiều dấu vết xưa.
Ði trên đường Nguyễn Tất Thành dọc bến cảng, bùi ngùi nhìn ngó cơ sở của công ty Ðường Khánh Hội, tòa nhà cũ kỹ, xuống cấp, có vẻ bỏ hoang, chúng tôi không biết hiện nay còn hoạt động hay đã chuyển tới chỗ nào khác.
Hãng thuốc lá Bastos lập nên từ thời Pháp thuộc, trên đường Bến Vân Ðồn, con đường địa đầu của Khánh Hội, đã di dời nơi khác từ vài năm nay, cơ sở cũ vẫn bỏ không. Rẽ phía bên phải, vào đường Xóm Chiếu. Góc đường Xóm Chiếu-Nguyễn Tất Thành là ngôi trường Nguyễn Trãi, một trong những trường trung học công lập danh tiếng của Sài Gòn thuở trước. Chợt nhớ những vị giáo sư khả kính của trường Nguyễn Trãi ngày ấy, nay người thì mất, người ở phương xa tít mù.
Người bạn đi cùng, hỏi tôi: “Bạn có còn nhớ, nhà văn Tạ Quang Khôi từng dạy Việt Văn ở đây?” Tôi gật đầu, bùi ngùi, biết ông định cư ở Mỹ, hiện ông sống như thế nào thì tôi chẳng biết. Chắc hẳn có lúc, cơn gió xứ người cũng hiu hắt se lòng, ông và các thầy dạy khác ngùi nhớ nơi chốn mình hàng ngày đứng trên bục giảng, trước những mái đầu xanh cặm cụi...
Nhà thờ Xóm Chiếu tọa lạc vững bền từ năm 1826, trong khuôn viên có diện tích 3 héc-ta, ngôi nhà thờ nhìn ra con đường Xóm Chiếu nhỏ hẹp. Người bạn đi cùng vốn là kiến trúc sư, cho tôi biết ngôi nhà thờ có đỉnh cao 30 mét, diện tích xây dựng 500 m2 này được xây dựng rất đặc biệt, là sự kết hợp giữa hai phong cách kiến trúc Pháp và Nhật Bản. Năm ghi trên tấm biển trước nhà thờ: 1856, là năm thành lập Giáo Xứ Xóm Chiếu, sau khi ngôi nhà thờ đã xây dựng được 30 năm.
Chúng tôi đi thăm chợ Xóm Chiếu, một ngôi chợ lâu đời của Khánh Hội, không khỏi buồn lòng vì hiện nay ngôi chợ bị khuất lấp. Ði trên đường Hoàng Diệu, đường phố chính của Khánh Hội, không thể nhìn ra, ngỡ ngôi chợ đã mất tích. Chợ Xóm Chiếu vẫn ở chỗ cũ, ngôi chợ mở ra chung quanh nay bị bó rọ trong tòa nhà lồng chợ, bưng bít như nhà tù.
Phía trước mặt chợ Xóm Chiếu là đường Hoàng Diệu, đường phố duy nhất lớn rộng của Khánh Hội xưa, nay tòa cao ốc to cao ngất trời, trụ sở của Ngân Hàng Ðầu Tư Phát Triển Việt Nam, che khuất hoàn toàn.
Chúng tôi có nhiều kỷ niệm ở con phố này, những lần rủ bạn đi đóng giày “à la mode” đúng điệu ở tiệm giày Gia - Hoàng Diệu, những tối nói chuyện say sưa về văn chương và nghệ thuật thứ 7 với “chàng đạo diễn điện ảnh tương lai” Ðặng Trần Thức, trước thời gian anh du học ngành điện ảnh ở nước ngoài... Tiệm giày Gia ở Khánh Hội, tiệm Trinh' shoes ở Tân Ðịnh, là hai địa chỉ tin cậy, uy tín hàng đầu của giới thanh niên sành điệu Sài Gòn. Sau 30 tháng 4, 1975, hai tiệm giày lừng danh Sài Gòn biến mất. Sau này ở đường Hoàng Diệu có tiệm giày Khánh Hội, cũng là an ủi nỗi niềm hoài xưa.
Như nói ở trên, đường Hoàng Diệu là con đường rộng rãi duy nhất thuở trước, nay thì quận 4 có thêm con đường mang tên Khánh Hội, khang trang lớn rộng không kém đường Hoàng Diệu. Thay đổi lớn nhất của Khánh Hội, như câu thơ Tú Xương “Sông kia rày đã lên đồng,” nhiều khu vực sình lầy, ao vũng, kênh rạch,... đã được san lấp để xây dựng nhà cửa đường sá, như khu vực đường Nguyễn Khoái hoang vu xưa, nay trở thành đường phố chỉnh tề.
Ðường Ðỗ Thành Nhân, sau này đổi tên là đường Ðoàn Văn Bơ, do bị trận hỏa hoạn lớn, thiêu rụi trọn khu nhà ổ chuột, nay đỡ nhếch nhác với những dãy nhà chung cư cao tầng. Ðường Tôn Ðản, cũng chật chội nhỏ hẹp như đường Ðoàn Văn Bơ, nhưng là một con đường dài dặc, vắt ngang giữa lòng Khánh Hội, nhắc nhở chúng tôi nhiều kỷ niệm.
Cũng như ngày trước, sự nhộn nhịp của sinh hoạt dân cư ở đường Tôn Ðản toát lên sức sống mạnh mẽ của người dân lao động. Ðặc biệt thuở trước, đường Tôn Ðản là nơi sản xuất những khung sườn (chassis) để căng “toile” vẽ tranh, chúng tôi thường rủ những người bạn họa sĩ sang đây đặt làm. Bất cứ thanh niên nào ở đâu tới, không phải là dân quận 4 - Khánh Hội, có bộ dạng đặc biệt, bảnh chọe, luôn bị các chàng du đãng Tôn Ðản “hỏi thăm sức khỏe,” thách thức đập lộn tay đôi.
Chúng tôi quen thân với Ðiềm Khắc Kim, cư ngụ ở đường Tôn Ðản, một “tướng cướp cô đơn” rất gan dạ, chuyên cướp ngân hàng, ngụy tạo một băng nhóm nhưng sự thật chỉ có một mình Ðiềm Khắc Kim. Cũng vì quen thân Ðiềm Khắc Kim, những người bạn họa sĩ (với bộ dạng nghệ sĩ rất “bắt mắt” các chàng du đãng Tôn Ðản) đi cùng chúng tôi sang Khánh Hội đóng “chassis” không bị “hỏi thăm sức khỏe.”
Sau này, trong chế độ cộng sản, du đãng Tôn Ðản không thể xuất hiện và tồn tại, vì Việt Cộng không cho phép thanh thiếu niên, những “con cháu bác Hồ,” mơ làm người hùng miền Viễn Tây Hoa Kỳ, hảo hán Lương Sơn Bạc Trung Quốc... Chỉ xuất hiện và tồn tại những băng nhóm xã hội đen như Năm Cam, chính Năm Cam và gia đình anh ta cũng cư ngụ ở đường Tôn Ðản.
Khánh Hội còn nổi tiếng với nước mắm Liên Thành, hãng sản xuất nước mắm lâu đời nhất tại Sài Gòn, với thứ nước chấm có hương vị thơm ngon đặc sắc, không thua kém nước mắm Phan Thiết hoặc nước mắm Phú Quốc, nay vẫn được đông đảo khách hàng chiếu cố.
Lần nào cũng vậy, có việc hoặc sang chơi bên quận 4, chúng tôi không ngăn được nỗi niềm hoài cảm, thương nhớ một thời Khánh Hội. Với chúng tôi, là giấc mơ điện ảnh của người bạn đạo diễn phim “Hè Muộn” đã hình thành tại đây, là bài thơ thuở ban đầu, “Căn nhà miệt Khánh Hội,” cảm nhận từ đây: “...Mái nhà thì đen buồn, tiếng động thì da diết/Con kênh thì nước dâng, ếch nhái kêu la...” Nỗi buồn, nỗi thảng thốt như Tú Xương: “Ðêm nghe tiếng ếch bên tai/Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.”"
( Nguoi Viet, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=116429&z=1 )
Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/14588752
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét