Thứ Năm, 29 tháng 7, 2010

Việt Nam và hội chứng 'sức phẻ không bình thường'

Đọc báo thấy bài này đáng chú ý, xin chép lại để mai mốt đọc lại kỹ hơn.

"7 tháng, 7 người bị công an đánh/bắn chết

Tư Ngộ/Người Việt


Thêm một vụ vừa được bật mí cho thấy, từ đầu năm đến nay, ít nhất đã có 7 người chết vì tay “Công an Nhân dân.”

Hàng loạt cái chết mà nạn nhân đều “đột tử” tại cơ quan Công an. Lý giải điều này, Công an đều có câu trả lời chung rằng nạn nhân chết bất ngờ, với 1,000 lý do rất chi là “tự nhiên” như: do cảm mạo, số thuốc, chết khô, tự tử, thần kinh, chạy lung tung tự đập đầu vào vách tường v.v...

Dấu vết để lại trên xác các nạn nhân nói ngược lại từ vỡ sọ, vỡ bọng đái, gãy sườn, mặt mày chân tay thâm tím, khi tẩm liệm vào quan tài thì máu mồm, máu mũi, lỗ tai vẫn ra máu ròng ròng.

Bị bắn chết thì báo chí của chế độ đổ tội cho là dân cướp súng, cướp cò. Một đặc điểm chung: thân nhân bị ép buộc đem chôn xác nạn nhân thật nhanh, nhiều khi không có cả khám nghiệm tử thi. Nếu có khám nghiệm, biên bản pháp y cũng làm theo kiểu che giấu tội lỗi giết người cho Công an. Chẳng phải phi tang thì là gì?


Báo Pháp Luật Việt Nam (Bộ Tư Pháp) ngày 26 tháng 7, 2010 cho hay: chị Vũ Thị Hường (34 tuổi, ở thôn Bình Xuân, xã Bình Thuận, huyện Ðại Từ, tỉnh Thái Nguyên) kêu oan về cái chết bất thường của chồng chị là anh Vũ Văn Hiền (40 tuổi) sau khi anh này rời khỏi trụ sở Công an huyện Ðại Từ (Thái Nguyên).

“Hai ngày sau khi bị tạm giữ tại Công an huyện Ðại Từ, một công dân đã được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch đến tính mạng, rồi tử vong sau đó. Theo lời Công an nói với bác sĩ, nạn nhân phải đi cấp cứu do tự lao đầu vào tường. Người giám sát việc mổ tử thi cho hay, nạn nhân bị đa chấn thương rất nặng: Ðỉnh đầu có hai vết tụ máu, vỡ xương hàm trái, thái dương trái bị rạn xương sọ, phổi tụ máu, gãy 4 chiếc xương sườn, gẫy cẳng xương tay trái.”

Ngược trở về trước từ cuối năm ngoái đến nay, tóm tắt lại các vụ việc đã xảy ra tại nhiều tỉnh thị, kể cả thủ đô Hà Nội.

Báo điện tử VnExpress cho hay, ngày 22 tháng 12, 2009, Công an xã Bom Bo (huyên Bù Ðăng, Bình Phước) bắt anh Nguyễn Văn Long (40 tuổi) về trụ sở Công an xã để “điều tra việc bị tố cáo có hành vi hiếp dâm trẻ em.” Sau một đêm bị đưa về trụ sở Công an xã, anh Nguyễn Văn Long đã chết. Vụ việc đến nay rơi vào im lặng, không nghe cơ quan chức năng công bố nguyên nhân tử vong của anh Nguyễn Văn Long.

Kế tiếp, cũng tờ VnExpress (15 tháng 3, 2010) đưa tin: anh Nguyễn Mạnh Hùng, 33 tuổi, tử vong tại trụ sở Công an huyện Hà Ðông (Hà Nội) trong tình trạng “trở thành cái xác khô, 10 đầu ngón tay bị sưng, tím đen; hai chân thâm tím...” sau 11 ngày bị giam giữ.

Ông Kiều Xuân Quyền - Ðại úy, đội phó cảnh sát hình sự, đại diện Công an Hà Ðông quả quyết: sáng hôm xảy ra sự việc (21 tháng 11, 2009), Hùng vẫn sinh hoạt bình thường. Khoảng 11h, anh ta có biểu hiện khó thở, tức ngực nên được công an đưa cấp cứu. “Lúc này, Hùng vẫn còn tỉnh táo.”

Ngược lại, ông Ðỗ Như Chinh - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, đại diện bệnh viện Ða khoa Hà Ðông khẳng định với báo chí: “Hùng chết trước khi nhập viện nên các bác sĩ đã lập ‘biên bản tử vong ngoại viện’ lập lúc 12h20' cùng ngày, có chữ ký xác nhận của một cán bộ công an quận Hà Ðông có mặt lúc đó.” 5 tháng qua, ông Nguyễn Xuân Bình - người cha đau khổ của nạn nhân đã gởi đơn kêu oan nhiều nơi nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Ngày 11 tháng 5, 2010 báo Thanh Niên tiếp tục có bài tường thuật về việc anh Võ Văn Khánh sinh năm 1981, trú xã Ðại An, huyện Ðại Lộc, thành phố Ðà Nẵng đã chết tại Công an huyện Ðiện Bàn khi anh Khánh đến “làm việc” tại đây. Theo Thanh Niên, Công an và pháp y tỉnh Quảng Nam đã tiến hành khám nghiệm tử thi và kết luận nguyên nhân Võ Văn Khánh tử vong là do... tự tử.

Sau đó, gia đình chuyển thi thể về nhà khâm liệm và phát hiện có nhiều dấu vết đáng ngờ. Cụ thể phần ngực xuống hai bên sườn có vết dấu giày in đậm và tím bầm nhiều chỗ. Lần khám nghiệm thứ 2 cho thấy có tụ máu ở ngực và vai.

Báo Lao Ðộng ngày 12 tháng 5, 2010 tiếp tục thông tin: “Anh Phạm Tuấn Hưng (SN 1973, ngụ thôn 3, xã Bình Trung, Châu Ðức, Bà Rịa-Vũng Tàu) đi làm công cho gia đình ông Hoàng Văn Thông (ngụ thôn 5, xã Bình Trung). Ngày hôm đó, ông Thông mất trộm điện thoại, có nghi cho anh Hưng.

Chiều cùng ngày, hai công an xã tới nhà chở anh Hưng lên UBND xã để điều tra làm rõ về việc ông Thông bị mất điện thoại. 24h giờ đêm, anh Hưng được thả về nhà trong tình trạng hoảng loạn, mê sảng, trên người bầm giập, hai cổ tay tứa máu. 5 ngày sau, máu từ mũi và miệng anh Hưng vẫn chảy nên gia đình phải đưa đi chữa trị tại bệnh viện Ða khoa Bà Rịa.” May quá, anh Hưng chỉ mới “ngáp ngáp” “tự nhiên” chớ chưa chết.

Ngày 4 tháng 5, 2010, các báo “lề phải” đồng loạt đăng lại bản tin của TTXVN khẳng định: “Anh Nguyễn Thành Năm (SN 1967, trú tại tổ 23, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Ðà Nẵng) được gia đình phát hiện chết tại nhà lúc 13 giờ 30 phút ngày 3 tháng 7.

Sau khi anh Năm qua đời, gia đình có báo chính quyền địa phương và nói rõ anh Năm chết do đột quỵ. Ðược biết, gia đình anh Năm có tiền sử về bệnh đột quỵ.” Anh Nguyễn Thành Năm tức Tô-ma Nguyễn Năm, một giáo dân khỏe mạnh và nhiệt tình trong đội trợ tang của Giáo xứ Cồn Dầu, nơi đang bị nhà cầm quyền Ðà Nẵng giải tỏa đất đai để làm khu du lịch sinh thái và bị giáo dân phản đối quyết liệt. Có 8 giáo dân Cồn Dầu đã bị bắt giam.

Ðầu năm mới (21 tháng 1, 2010), anh Nguyễn Quốc Bảo đang đi xe máy ngoài đường thì bị “mời” về cơ quan Công an với lý do “có phơi đề” và “có dao nhỏ” trong cốp xe máy. Sáng hôm sau, gia đình cũng được Công an quận Ðống Ða (Hà Nội) báo tin rằng Nguyễn Quốc Bảo đã “đột tử.” Nhưng gia đình nạn nhân không đồng tình với kết quả khám nghiệm của cơ quan Pháp Y Công An, gởi đơn khiếu nại khắp nơi đòi khám nghiệm tử thi lần thứ 3 thì Viện Pháp Y Quân Ðội kết luận nguyên nhân tử vong do bị nhục hình.

Mới đây nhất, sau cuộc biểu tình của hàng ngàn người dân tỉnh Bắc Giang về cái chết khuất tất của anh Nguyễn Văn Khương ngày 23 tháng 7, 2010, ông Bùi Văn Hải - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang nói: “Trước đó, theo báo cáo từ các cơ quan chức năng, sự việc bắt nguồn từ chiều 23 tháng 7 khi Ðội CSGT Công an huyện Tân Yên (Bắc Giang) kiểm tra môtô do Nguyễn Văn Khương (21 tuổi, quê ở xã Hồng Thái, Việt Yên, Bắc Giang) điều khiển chở chị Phạm Thị Ngoãn có hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Ðội đã đưa người và phương tiện về Công an huyện Tân Yên để lập biên bản vi phạm. Ðến hơn 19g cùng ngày, thấy anh Khương có biểu hiện sức khỏe không bình thường, Công an huyện Tân Yên đưa anh Khương đi cấp cứu tại bệnh viện Ða khoa huyện Tân Yên nhưng anh Khương đã tử vong.” (Tuổi Trẻ ngày 27 tháng 7, 2010).

Blogger tienhuy nhận xét: “Bệnh mới xuất hiện tại Việt Nam. Ðó là ‘triệu chứng đột tử (chết đột ngột) vì trúng gió hay bị cảm sau khi được mời về đồn Công an,’ các bạn bloggers VN coi chừng bị bệnh nhé.”

Blogger Quán Vỉa Hè dí dỏm: “Sau đó, các đối tượng kích động đã vu cáo công an ta, kéo đến biểu tình. Chúng còn trương ra các biểu ngữ có nội dung kích động như sau: ‘Công an Bắc Giang hay công an Bắc Cọp,’ ‘công ăn bắt cướp hay công an bóp con... ’ ’ ‘Lên Hà Giang mà Bắc Cọp,’ thậm chí chúng còn bảo ‘Công an Bắc cọp trốn ở đâu?’ đây hoàn toàn là luận điệu vu cáo trắng trợn của các thế lực thù địch, vì tỉnh ta còn cọp nữa đâu mà bắt. Tôi cho rằng chúng cố tình gây hoang mang với cán bộ ta, nhiều đ/c vì lo sợ đã phải mang giấu bình rượu cao hổ cốt của mình, v.v...”

Túm lại thì tất cả những trường hợp nạn nhân “đột tử” tại cơ quan Công an thì Công an đều có chung một kết luận rằng nạn nhân chết bất ngờ, với 1.000 lý do rất mơ hồ như: do cảm mạo, sốc thuốc, chết khô, tự tử, thần kinh, v.v...

Rút kinh nghiệm thực tế, để tránh trường hợp “lúc đi vào cơ quan Công an bằng chân của mình, lúc trở ra đi bằng chân của người khác,” thiết nghĩ thành phần “dân ngu khu đen” không phải “phe Công an” trước khi vào đồn Công an phải tổ chức “họp báo” (lề trái), mời nhân chứng đến chứng kiến tình trạng “sức phẻ” của mình đang trong tình trạng hết sức “sung túc.”

Kẹt quá, nếu bị “hốt” đi bất ngờ không “họp báo” được thì nhất định phải kêu gào to tiếng gây sự chú ý cho hàng xóm, người đi đường bu lại xem và làm chứng mình đang mạnh như Hercule (mới có sức gào lớn như thế) thì mới “đủ đô” “đề kháng” lại hội chứng “sức phẻ không bình thường” đe dọa sự an nguy của bản thân."


( Nguoi Viet, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=116629&z=157 )

Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/14740022

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến