Thứ Sáu, 16 tháng 7, 2010

Ngân Hàng Thế Giới chỉ trích Việt Nam chậm giải ngân vốn ODA


Đọc báo thấy bài này đáng chú ý, xin chép lại để mai mốt đọc lại kỹ hơn.

"Ngân Hàng Thế Giới (WB) chỉ trích “phải mất trung bình 8.6 năm để hoàn tất giải ngân cho một dự án sử dụng vốn vay ưu đãi là một thiệt thòi rất lớn đối với Việt Nam,” theo một bản tin của VNExpress hôm Thứ Năm.

VNExpress dẫn số liệu của WB nói, tính đến cuối năm 2008, tổng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) chưa được giải ngân đạt khoảng 11 tỷ USD. Con số này thậm chí có thể lớn hơn vào thời điểm hiện tại.

Mấy năm gần đây, Ngân Hàng Thế Giới, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu, chính phủ Nhật bản, Liên Âu đã cam kết tài trợ để Việt Nam thoát đói nghèo bằng những khoản tín dụng rất lớn. Không năm nào Việt Nam giải ngân được quá phân nửa số tín dụng được cấp phát.

Theo bản tin VNExpress: “Tính trung bình, một dự án ODA tại Việt Nam mất đến 8.6 năm để hoàn tất giải ngân. Trong đó, chênh lệch thời điểm dự án được thông qua và thời điểm chính thức khởi động dự án thường ở mức một năm rưỡi đến 2 năm.”

Bà Victoria Kwakwa, giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam khuyến cáo việc chậm giải ngân như vậy sẽ khiến Việt Nam chịu nhiều tổn thất khi tỷ lệ lạm phát tiếp tục ở mức cao.

“Ðại diện Ngân Hàng Thế Giới cho rằng có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là khâu chuẩn bị dự án chưa tốt, năng lực triển khai của các ban, ngành cũng như năng lực tư vấn dự án trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.” VNExpress viết.

Vẫn theo nguồn tin này, trong vòng 3 năm 2011-2013, WB sẽ tài trợ khoảng $6 tỷ USD cho 44 chương trình và dự án tại Việt Nam (trong đó có $3.2 tỷ USD tỷ USD là vốn ưu đãi, còn lại là vốn vay thương mại).

Nhằm giúp Việt Nam tiến hành giải ngân nhanh hơn các dự án đã được cấp khoản, trong ngày 15 tháng 7, 2010, WB và Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam đã ký kết một khoản tín dụng trị giá 100 triệu USD, tài trợ cho “Quỹ chuẩn bị dự án.”

Quỹ này là một dự án của Bộ Kế Hoạch và Ðầu Tư với mục tiêu nâng cao năng lực của các cơ quan chính phủ Việt Nam trong việc lập kế hoạch và chuẩn bị cho các dự án sử dụng vốn vay ODA, giúp đẩy nhanh tốc độ giải ngân tại từng dự án cụ thể.

Với hạn mức 100 triệu USD của dự án này, tổng giá trị danh mục đầu tư của WB tại Việt Nam đã đạt khoảng $5 tỷ USD. Theo thỏa thuận giữa 2 bên, dự án sẽ được thực hiện trong vòng 5 năm. Vốn đối ứng của Việt Nam được trích từ ngân sách với giá trị khoảng $3 triệu USD.

Nạn tham nhũng, luật lệ tròng tréo và phức tạp là các nguyên nhân gây nhiều trở ngại cho cấp viện cũng như sử dụng các nguồn tín dụng ở Việt Nam. Mỗi cuộc họp cấp viện hàng năm đều đem các vấn đề đó ra mổ xẻ, hối thúc chế độ Hà Nội cải thiện nhưng kết quả vẫn rất ỳ ạch.

Vụ án quan chức dự án Ðại Lộ Ðông Tây và Môi trường Nước ở Sài Gòn ăn tiền hối lộ của nhà thầu Nhật hiện nay vẫn tiến hành rất chậm chạp. Kẻ bị nêu đích danh, Huỳnh Ngọc Sỹ, hiện vẫn đang bị ở tù với một tội danh nhỏ hơn, tức biển thủ tiền cho thuê văn phòng cơ quan chứ không phải tội ăn hối lộ của nhà thầu Nhật.

Bùi Tiến Dũng, người cầm đầu Ban Quản Các Lý Dự Án (cầu đường) PMU 18 của Bộ Giao Thông Vận Tải cũng bị tù về tội cờ bạc và đưa hối lộ chứ không phải tội đích thực liên quan đến ăn hối lộ hay tham nhũng trong các dự án cầu đường."


( Nguoi Viet, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=116070&z=157 )

Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/14119122

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến