"Chuyện về người bán bắp nấu ở đầu cầu Cần Thơ
Bài và ảnh: Cát Tường/Người Việt
Người đàn bà đen đúa, mặt hằn “vết đời,” hàm răng sún mấy cây... trông thấy chẳng muốn nhìn. Nhưng khi nghe bà mở miệng mới thấy nó ngọt ngào còn hơn những trái bắp nấu bà bán ở đầu cầu Cần Thơ, phía bờ Bình Minh (Vĩnh Long). Ðó là bà Nguyễn Thị Mỹ Vân (54 tuổi ở tổ 8, khóm 5, thị trấn Cái Vồn, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long).
Vì cha mẹ
Sinh ra tại Cần Thơ nhưng cuộc sống của bà Vân “rày đây mai đó” theo bước chân của cha bà - một sĩ quan QLVNCH - hết Thủ Ðức, Dĩ An, Sài Gòn...
Khi ở Thủ Ðức, bà vừa đi học chữ vừa đi làm cơm sấy cung cấp cho quân đội. Con sĩ quan mà đi làm là do bà nghĩ phải tự lập phần nào để có kinh nghiệm sống khi có chồng con. Lãnh được bao nhiêu lương hầu như bà đưa hết cho mẹ để tiếp sức với đồng lương của cha nuôi các em ăn học.
Nhưng đến cái năm 1975, cuộc đời bà chuyển sang cung bậc đau khổ dài đến bây giờ. Ðó là lúc cha bà với cấp bậc trung úy truyền tin Bộ Chỉ Huy Ðặc Khu Rừng Sác phải đi “học tập.” Mẹ con bà dắt díu nhau về quê nội Năng Gù tá túc không xong lại lộn xuống quê ngoại Cần Thơ làm lụng cực nhọc, chắt bóp tiền bạc thăm nuôi chồng và cha của gia đình này.
Rồi cha bà mãn hạn tù trở về. Khi có chính sách di dân sang Mỹ theo diện HO, gia đình bà mừng lắm, cha bà hớn hở làm đơn. Nhung số phận chẳng mỉm cười, vì ông ở tù còn thiếu mấy ngày mới đủ 3 tháng tiêu chuẩn đề ra! Vậy là cả gia đình bà phải bươn chải cuộc mưu sinh nhiều cay đắng. Các anh chị em bà làm đủ mọi chuyện để có tiền lo cho gia đình. Riêng bà đi bán mướn. “Hồi đó tôi không biết ly nước ngọt là gì, chỉ biết giải khát bằng nước lu, còn điểm tâm là một chuyện cực kỳ xa xỉ,” bà tâm sự.
Ðến nay, cha bà đã 80 tuổi, ở Thủ Ðức với người chị bà là huấn luyện viên thể dục thẩm mỹ; còn mẹ bà ở Sài Gòn với người con út, nhẹ một gánh đời cho bà nhưng bà còn một gánh đời khác cũng không kém phần gian truân.
Vì chồng, vì con
Năm 1975 bà về ở “xóm bắp” và bắt đầu “sự nghiệp” bán bắp nấu ở Bến Bắc Cái Vồn. Hằng ngày bà mua bắp tươi của một người thanh niên siêng năng về luộc. Người mua chịu, người bán thiếu nhưng tình cảm của họ ngày càng gắn bó sâu đậm, đi đến thương yêu nhau. Và chàng trai bỏ bắp tên Chông quyết định lấy cô bán bắp tên Vân làm vợ, dù gia đình không đồng ý.
May mắn là vợ chồng bà được người cha chồng cho trú tạm trong căn chòi vịt. Một thời gian sau vợ chồng bà chuyển sang cái nhà sàn mục nát của người dì bà. Nhưng cũng không yên thân. Nhân lúc má bà đi tìm người chị thứ ba của bà bị thất lạc, người dì liệng hết đồ đạc gia đình bà, đuổi đi không thương xót, chỉ vì bà là con sĩ quan “chế độ cũ,” còn người dì là cán bộ trong bưng ra.
Vậy là vợ chồng con cái bà tùm đúm nhau trở về chòi vịt sống, đến nay nó là một căn nhà “ban ngày nhìn thấy mặt trời, ban đêm thấy cả trăng sao,” như lời tâm sự của bà.
Một điểm “độc đáo” nữa là căn nhà bà đang ở vào mùa nước nổi trở thành cù lao, bốn bên tràn ngập nước. Những lúc đó, không có tiền, bà ngồi trong nhà thả câu để có mấy con cá kho quẹt ăn độn chuối sống qua ngày. Ðường vô nhà cũng khó khăn. Khi vui thì người ta cho đi nhờ. Còn lúc họ buồn thì vợ chồng con cái bà lội nước ra đường lớn...
Ðược một điều là lúc đó bán bắp ở bến Bắc rất được, mỗi ngày bà bán từ 300 đến 400 bắp. Hết mùa bắp thì bà bán trái cây, theo thời vụ. Chồng bà cũng vậy, không chở bắp bỏ mối thì tìm mua trái cây bán lại cho “bạn hàng” ở bến Bắc này. Nhưng công việc đâu có trơn tru, vì bỏ mối cho bạn hàng cũng gặp nhiều phiền toái, bởi có khi người ta “đứt vốn” không có tiền trả, ông đành ngậm ngùi nuốt nỗi đau.
Nhưng, dù thế nào, vợ chồng bà cũng ra sức tần tảo nuôi con. Niềm hy vọng lớn nhất của bà là đứa con trai Lê Thanh Ðiền. Khi còn học phổ thông ở Bình Minh, năm nào Ðiền cũng được nhà trường khen tặng là học sinh giỏi. Thi đậu vào ngành Quản Trị Kinh Doanh Trường Ðại Học Cần Thơ nhưng Ðiền không hài lòng, chuyển sang ngành Kiến Trúc của Ðại Học Bách Khoa Sài Gòn. Ðáng tiếc và vô cùng đau xót là Ðiền đã qua đời vì bị xe đụng khi đi học trên đó.
Hiện nay, một số con bà đã lớn, đứa thứ ba và thứ tư ở Vũng Tàu, làm công cho một nhà hàng. Cả hai đều có gia đình nên chẳng thể nào giúp cha mẹ được. “Nó lo cho vợ con nó ôn ổn là tôi mừng,” bà thổ lộ. Cậu con trai Lê Hoàng Chiến (23 tuổi) vừa chạy xe ôm vừa “nối nghiệp” cha: tìm mua bắp và bỏ mối bắp cho bạn hàng. Hai đứa con trai nhỏ nhất vừa đi học vừa lo cơm nước cho cả nhà. Niềm vui và là niềm hy vọng lớn nhất của bà là cô con gái Lê Thủy Tiên đang là sinh viên năm thứ tư Ðại Học Cần Thơ khoa Quản Trị Kinh Doanh. Mấy năm trước cô vừa đi học vừa đi bán cửa hàng, nhưng hiện nay đang dồn sức cho năm cuối nên không đi làm nữa. Tương lai Thủy Tiên đã ửng hồng nhiều tia nắng ban mai, nên cả nhà bà dồn hết tiền bạc để cô chuyên tâm học hành.
Ðiều bà đang lo lớn lao nhất hiện nay là chồng bà. Ông Chông năm nay tuổi mới 60 đã già lại rất yếu. Mười năm nay ông bị bệnh tai biến nên làm quá sức là xỉu, buồn quá: xỉu, khổ quá: mệt!... Nhiều lúc “lên máu” cứng lưỡi bà sợ ông bị tai biến nằm một chỗ. Rất may cơn nguy kịch cũng vượt qua. Trước đây, bà đã nhiều lần khuyên ông đi bác sĩ chữa bệnh. Nhưng ông không đồng ý vì cần chắt chiu tiền bạc lo cho con. Khi nào bệnh tình nguy cấp mới chịu đi khám.
Hồi còn trai trẻ, chưa có xe chở bắp, ông phải đội bắp từ nơi mua về cung cấp cho bạn hàng. Ðội bắp riết, đến giờ, đầu ông sói sọi, tóc không thể nào mọc nổi. Cũng như bà, ông ra sức cần lao để chăm lo cho cuộc sống gia đình mình vượt qua cơn thắt ngặt, nhưng đói nghèo vẫn là “người bạn chí cốt” không chịu buông tha!
Ngày cầu Cần Thơ khánh thành, khai tử bến Bắc Cái Vồn, là niềm vui của hàng triệu triệu người qua lại con sông Hậu. Nhưng đó là nỗi buồn của những người buôn bán hai bên bến bắc này, trong đó có những người bán bắp nấu như bà.
Ðể tồn tại, họ túa ra “bám” vào hai bên đầu cầu Cần Thơ bán bắp nấu. Hiện nay, mỗi ngày bà bán bắp nấu dù không bằng thuở trước, nhưng cũng được 200 bắp. Sáng sớm, đứa con trai chở cây dù rách (người ta cho mượn) cùng một số vật dụng cần thiết và thúng bắp nấu ra đầu cầu cho bà bán đến tối.
Trưa, hết bắp, cậu con trai hoặc chồng bà chở bắp ra. Cơm nước cũng vậy. “Người ta cấm tụ tập buôn bán trên cầu. Cho nên bán ở đó thường bị bảo vệ đuổi bắt. Bán ở đầu cầu khá an toàn nhưng tôi cũng bị ‘hốt’ hết một lần. Ðó là lúc tôi đi vệ sinh, nếu có mặt, tôi xin họ cũng tha. Họ cũng là người nên có lương tâm, làm lơ để mình gom đồ chạy lánh,” bà bộc bạch.
Hỏi gia đình bà nghèo sao không được địa phương giúp đỡ theo chính sách. Bà âu sầu: “Tôi đã đóng 10,000 đồng bạc (mua được mấy lít gạo) cho họ nhưng chờ hoài chẳng thấy sổ hộ nghèo ra làm sao!”
Dù nghèo nhưng lòng thương người vẫn tràn ngập trong trái tim bà, gặp ai lỡ độ đường, đói bụng, bà sẵn sàng cho mấy trái bắp đỡ lòng. Ngoài bắp nấu, bà còn bán áo mưa du lịch, nên thấy ai “khổ khổ” ướt mưa bà cũng cho luôn. Có lẽ nhờ tấm lòng nhân hậu ấy mà bà có một vài mối. Ðó là những người làm từ thiện trên đường đi làm việc nghĩa thường ghé mua bắp của bà, ngoài thấy thương hoàn cảnh còn nhờ cái miệng sún răng nhưng nói năng ngọt còn hơn bắp nấu của bà, nét đẹp của con nhà gia giáo."
( Nguoi Viet, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=115727&z=1 )
Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/13807542
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét