Thứ Ba, 27 tháng 7, 2010

Có lẽ Việt Nam đang mừng thầm

Đọc báo thấy bài này đáng chú ý, xin chép lại để mai mốt đọc lại kỹ hơn.

"Phỏng vấn GS Carl Thayer về lời tuyên bố của NT Clinton về biển Ðông

Hà Giang/Người Việt


Khi Ngoại Trưởng Hillary R. Clinton tuyên bố sẽ không đứng ngoài tranh chấp chủ quyền biển đảo trên biển Ðông, lời tuyên bố này gây xôn xao dư luận và được nhiều giới phân tích rất chú ý.

Bắc Kinh lập tức lên án lời tuyên bố này và tỏ thái độ thách thức. Phóng viên Hà Giang báo Người Việt phỏng vấn Giáo Sư Carl Thayer để tìm hiểu nhận định của ông về việc này. Ông Carl Thayer hiện là giáo sư khoa Nhân Văn và Xã Hội Học tại Ðại Học New South Wales, Úc Châu. Ông là chuyên gia nghiên cứu quân sự, kiêm giám đốc diễn đàn Nghiên Cứu Quốc Phòng, là tác giả của gần 400 bài viết nghiên cứu tình hình các quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương.


Hà Giang (NV): Nhiều người ngạc nhiên trước lời tuyên bố vừa rồi của Ngoại Trưởng Hillary Clinton tại 'Diễn Ðàn Khu Vực ASEAN ở Hà Nội. Bà nói là “Hoa Kỳ hậu thuẫn cho tiến trình giải quyết bằng ngoại giao của tất cả các nước tranh chấp lãnh thổ tại Biển Ðông, và chống việc dùng võ lực hay đe dọa võ lực của bất cứ nước nào.” Ông nghĩ gì về sự kiện này?

GS Carl Thayer: Theo tôi thì điều này không có gì mâu thuẫn với chính sách của Hoa Kỳ cả. Hoa Kỳ không đứng về quốc gia nào trong việc tranh chấp lãnh thổ, nhưng lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ bao gồm tự do hàng hải, về sự an toàn và an ninh khi di chuyển trên vùng Biển Ðông, và luật lệ quốc tế, theo quan điểm của Hoa Kỳ được tôn trọng.

Vì thế Trung Quốc không thể đưa những gì mà họ cho là lịch sử để xem Biển Ðông là của mình, mà phải tính theo biên giới Quốc Gia, và ranh giới biển. Hoa Kỳ sẽ bảo vệ quyền lợi thương mại của Hoa Kỳ tại Biển Ðông, hiện đang bị Trung Quốc đe dọa. Tóm lại, Hoa Kỳ không nói rằng hòn đảo nào thuộc về Việt Nam, nhưng khẳng định rằng sẽ bảo vệ quyền lợi của quốc gia mình.

NV: Nhưng việc bà ngọai trưởng tuyên bố điều này một cách rất thẳng thừng tại một bàn hội nghị tại Việt Nam, một quốc gia hiện đang tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc tại Biển Ðông, và tuyên bố ngay trước mặt ngoại trưởng Trung Quốc là Yang Jiechi (Dương Khiết Trì), khiến người ta cho rằng đã có một thay đổi rõ ràng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ liên quan đến Biển Ðông, ông nghĩ sao?

GS Carl Thayer: Tôi nghĩ là sự thay đổi thái độ này đến từ Trung Quốc, và Hoa Kỳ chỉ đang trả đũa việc Trung Quốc nâng quyền lợi Biển Ðông lên thành “quyền lợi thiết yếu” của họ, việc Trung Quốc nói với dân Mỹ du lịch ở Trung Hoa là họ sẽ dùng vũ lực để bảo vệ quyền lợi đó, việc Trung Quốc có những thái độ đe dọa nhắm vào Hoa Kỳ, cũng như việc không hợp tác trong vấn đề Bắc Hàn.

Sự thay đổi thái độ của Hoa Kỳ về Biển Ðông không phải bây giờ mới có. Cách đây vài tuần, ba chiếc tầu ngầm lớn của Mỹ là USS Ohio, Michigan và Florida, đã xuất hiện cùng một lúc tại ba căn cứ quân sự quan trọng tại Á Châu là Subic Bay-Philippines, Busan-Nam Hàn, và Diego Garcia-một đảo nhỏ ở Ấn Ðộ Dương. Và cả ba tầu ngầm này đều chuyên chở 154 loại hỏa tiễn “Tomahawk.” Ðây là những hỏa tiễn có thể bắn một cách rất chính xác vào bất cứ mục tiêu nào trong vòng 1,000 dặm, dùng những đầu đạn không nguyên tử (hạt nhân).

NV: Theo giáo sư thì Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao trước sự kiện này?

GS Carl Thayer: Biển Ðông thật ra chỉ là một trong những vấn đề. Ðiều hiện đang làm cho Trung Quốc rất bực tức bây giờ là việc Hoa Kỳ tập trận chung với Nam Hàn tại biển Nhật Bản và Hoàng Hải.

Trung Quốc không muốn điều này xẩy ra, nhưng họ không thể ngăn cản được, cho nên họ sẽ bị bực bội một thời gian, nhưng dần rồi cũng phải chấp nhận thôi, vì họ không có sức mạnh quân sự để đối đầu với Hoa Kỳ. Tôi cho rằng dần dà Trung Quốc sẽ phải có thái độ hợp tác hơn trong những vấn đề liên quan đến Bắc Hàn.

NV: Dư luận thế giới rất e ngại về sự bành trướng quân sự của Bắc Kinh, nhất là những đầu tư của họ cho hải quân. Giáo sư đánh giá thế nào về sức mạnh Hải Quân của Hoa Kỳ và Trung Quốc trong thời điểm hiện tại?

GS Carl Thayer: Còn cả vài thập niên nữa Trung Quốc mới có thể sánh được với sự vượt trội của Hải Quân Hoa Kỳ. Họ có thể dọa nạt Ðài Loan, và đã công bố là có 2,000 đầu hỏa tiễn hiện đang nhắm vào Ðài Loan. Ðây là điều đe dọa lớn nhất mà Trung Quốc có thể đem ra để làm Hoa Kỳ e ngại, vì Trung Quốc có thể tiêu diệt Ðài Loan, nếu họ muốn.

Trong trường hợp đó, Hoa Kỳ chỉ có thể trả đũa Trung Quốc, chứ không thể ngăn cản được việc này xẩy ra. Tuy nhiên, theo tường thuật của tờ Quadrennial Defense Review, thì Ngũ Giác Ðài cho biết Trung Quốc cố gắng đầu tư vào những căn cứ hải quân của họ để tìm cách đe dọa Hải Quân Hoa Kỳ, và chính phủ Hoa Kỳ đã ra lệnh cho hải quân của mình đi trước trong việc phát triển những vũ khí tối tân hơn.

Khi tôi nhắc đến sự xuất hiện của ba chiếc tàu ngầm lớn của Hoa Kỳ chở đầy hỏa tiễn Tomahawk, là tôi muốn nói đến sự giật mình của Bắc Kinh. Từ trước đến giờ Trung Quốc cứ tưởng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục lệ thuộc vào vũ khí nguyên tử. Nhưng không, bằng cách chuyển qua hỏa tiễn đạn đạo, Hoa Kỳ đã làm suy yếu chiến lược của Trung Quốc. Có thể nói là Trung Quốc đang dần đà làm giảm sự áp đảo của quân đội Hoa Kỳ, nhưng sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ mạnh đến độ có thể đánh bại Trung Quốc trong bất cứ trận chiến nào trong vòng vài thập niên nữa, và Bắc Kinh biết điều đó.

NV: Giáo sư có cho rằng những lời tuyên bố của Ngoại Trưởng Hillary Clinton trong hội nghị Asean vừa qua khiến cho nhà cầm quyền Việt Nam mạnh dạn hơn trong việc đối diện với tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc tại Biển Ðông ?

GS Carl Thayer: (Cười) Tôi thấy rằng, Việt Nam thích nói nhỏ cho Hoa Kỳ nghe quyền lợi của họ là gì, và đang đứng sau lưng Hoa Kỳ, thầm mong là Hoa Kỳ hãy đá Trung Quốc đi. Có lẽ giờ đây Việt Nam đang mừng thầm là Hoa Kỳ tỏ thái độ rõ ràng với Trung Quốc.

Từ trước đến giờ, sự tranh chấp ở Biển Ðông chỉ là giữa Việt Nam và Trung Quốc, và Việt Nam thì lại không được sự hậu thuẫn đúng mức của các nước Á Châu, vì Trung Quốc có tầm ảnh hưởng quan trọng lên những quốc gia này.

Giờ đây, tại hội nghị diễn đàn khu vực Asean, bộ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton đã nói rằng tất cả 12 nước đã nêu lên vấn đề an ninh tại Biển Ðông. Ðây là một diễn biến vô cùng quan trọng. Tôi cho ra rằng Trung Quốc khó có thể tiếp tục chính sách đàm phán song phương trong việc giải quyết những tranh chấp lãnh thổ của họ từ trước đến nay.

Tiện đây, cũng kể thêm một chuyện vui là Trung Quốc bảo rằng họ cảm thấy bị đánh lén, và họ thấy là Hoa Kỳ đã không công bình khi chỉ trích họ tại hội nghị."


( Nguoi Viet, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=116529&z=1 )

Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/14642632

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến