"Tạ Phong Tần
Báo Dân Trí cho hay, sáng ngày 1 tháng 7 năm 2010 các trường mẫu giáo ở Hà Nội mới nhận hồ sơ tuyển sinh nhưng từ 19 giờ ngày 30 tháng 6, phụ huynh đã chen chúc nhau ngồi chật cổng trường, trên tay cầm sẵn sổ hộ khẩu và bản sao khai sinh photo công chứng kỹ càng.
Tại trường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân), “hàng trăm phụ huynh đã phải mang ghế nhựa, quạt nan đứng ngồi chầu chực ngoài cổng trường xếp hàng giành chỗ. Ông xếp hàng cho cháu, bố vì con mà bó gối ngồi đập muỗi với tập giấy tờ trên tay. Một đứa cháu đi học, cả nhà được huy động đến trường mầm non xếp hàng, ông bà đến sớm, cha mẹ đến muộn hơn thay phiên cho các cụ về nhà ngủ”.
Người trẻ mang theo máy nghe nhạc để giết thời gian. Các bà lớn tuổi phe phẩy quạt nan cho đỡ bức bối. Những ông bố ngồi túm tụm tán gẫu mong trời mau sáng. Họ mệt mỏi rơi vào những giấc ngủ tạm bợ. Người ngủ lơ mơ trên xe máy, người mang sẵn võng mắc ngay cổng trường để ngả lưng, người vạ vật nằm lăn luôn ra đất, người thức trắng đêm trên những chiếc ghế nhựa (không đai dựa).
Tại trường Bình Minh (quận Tây Hồ), phụ huynh cũng “bất chấp cơn mưa tầm tã” chầu chực từ 12 giờ đêm 2 tháng 7 đến sáng sớm hôm sau “để đăng ký học mẫu giáo cho con”. Báo điện tử VNExpress viết, “để có thể trụ được tới sáng, nhiều người đã mang theo ghế nhựa, áo mưa, nước, bánh mì, sữa... Thậm chí, có người còn mang theo cả máy tính để tranh thủ làm việc”.
Theo thống kê, “Hà Nội hiện có gần 800 trường mầm non, trong đó hơn 650 trường công lập ở 29 quận, huyện, thị xã nhưng số trường lớp vẫn thiếu và chưa đáp ứng được nhu cầu. Thậm chí, còn 6 phường ở nội thành chưa có trường mầm non công lập. Với số trẻ ra lớp hiện nay, cấp học mầm non Hà Nội vẫn thiếu khoảng 700,000 m2 đất. Tình trạng quá tải này đã khiến ở nhiều nơi, 65-70 trẻ phải học chung một lớp, trong khi theo quy định chỉ là 35 cháu”.
Một phụ huynh giấu tên lên mạng “xả”: “Giờ đây chúng tôi có con hộ khẩu ở Thanh Xuân Bắc mà cũng không được đi học, thế bây giờ học ở đâu? Lại tư thục hay chạy trái tuyến để mất thêm tiền? Chúng tôi là những công nhân viên chức lấy đâu ra tiền để chạy hay mỗi tháng gần 2 triệu để học tư thục?”
Phụ huynh quận Ðống Ða, quận Hoàng Mai đều than phiền xin vào trường ở địa bàn họ sinh sống (tức học đúng tuyến) mà vẫn không vào học được. Một phụ huynh khác lên mạng bực dọc: “Tôi ở Mai Ðộng, quận Hoàng Mai, và cũng gần trường mầm non Mai Ðộng. Cũng tình trạng ngồi la liệt từ chiều hôm trước, theo thông báo có 40 chỉ tiêu, nhưng một số người ‘đi cửa’ kêu có hơn chục suất rồi, còn lại là gần 30 suất. Nhưng số người ngồi kia lớn hơn nhiều 28 suất, vậy thử hỏi số còn lại sau gần 28 suất đi đâu, chúng ta luôn luôn lớn tiếng nói phổ cập giáo dục tiểu học vậy tại sao mà mầm non còn phải khổ sở xếp hàng để được suất gửi trẻ?”
Ở Việt Nam, đi đâu cũng thấy băng-rôn, khẩu hiệu “Trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước”, trẻ em có “quyền được phát triển”, trẻ em có “quyền được học hành”, trẻ em có quyền được v.v... và v.v... được trích ra từ hiến pháp, luật giáo dục, công ước bảo vệ quyền trẻ em... và giương lên cao một cách “hoành tráng”, nhưng nhìn lại cảnh phụ huynh chen chúc đông nghịt cả đêm không ngủ chỉ để có một chỗ học mẫu giáo cho con thì không khỏi thương cho các bậc phụ huynh và các cháu nhỏ quá chừng.
Nhờ Internet và các trang mạng xã hội mà chúng ta mới biết người dân thủ đô nghĩ gì về thủ đô và lãnh đạo thủ đô của mình. Bạn Lê Tuấn Anh viết: “Tôi thấy các lãnh đạo thủ đô chỉ biết lo việc ‘lớn’ như cổng chào, làm đẹp mặt tiền tuyến phố, lát vỉa hè bằng loại đá đắt tiền... mà quên việc ‘nhỏ’ của cuộc sống người dân: điện, nước, bệnh viện, trường học...”
Một bạn có nick donjan nhận xét: “Một thành phố, khu đô thị khi phát triển phải có sự cân đối hài hòa: Về mật độ dân số; về các tiện ích đi kèm: điện nước, điện thoại, công viên cây xanh... An sinh xã hội: trường học, bệnh viện, giao thông... Hiện nay khi những dự án được duyệt quy hoạch, những người duyệt dự án có thể vì ‘một lý do nào đó’ đã cố tình quên đi những vấn đề đi kèm để phục vụ cho lượng dân cư”.
Bạn Ðàm Quang Thái mai mỉa: “Nhân dân thì cần trường học, bệnh viện; lãnh đạo thì cần kỷ niệm 1,000 năm”. Bạn Nguyễn Hồng Quân đặt câu hỏi: “Ðể nâng cấp vẻ đẹp bề ngoài, thành phố cho xây cổng chào, cậy vỉa hè còn tốt thay bằng cái mới (chưa chắc tốt hơn) với số lượng tiền đầu tư quá lớn, quá lãng phí.
Tại sao không dùng số tiền đó để cải tạo, xây mới bệnh viện, trường học, các công trình phúc lợi xã hội để dân được nhờ?” Bạn Tri Tinh Nguyen bực tức: “Có thể các vị đứng đầu ngành giáo dục không nghĩ đến vấn đề này bởi vì con em họ luôn luôn có một chỗ rất tốt khi họ cần”. Báo Dân Trí nhận định chua chát: “Thế kỷ 21, Hà Nội hướng tới 1000 Thăng Long với bao dự định và hoài bão, nhưng cảnh ‘xếp hàng tem phiếu’ của hơn 30 năm trước vẫn có dịp tái hiện, chân thực và tàn nhẫn”.
Trả lời phỏng vấn báo chí, họa sĩ-nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân cho rằng việc Hà Nội dùng 50 tỉ đồng để xây dựng cổng chào là “cách làm này vừa gây ô nhiễm môi trường thẩm mỹ, vừa giúp doanh nghiệp chiếm dụng không gian công cộng”.
Ông còn nhận xét một cách khôi hài: “Tôi cho đây là biểu hiện của hai hiện tượng buồn cười ở xứ ta. Thứ nhất là tư duy “ăn nhanh” của con nhà nghèo. Thứ hai là tâm lý thích sự to lớn, phô phang, kỷ lục của một người mới giàu lên. Ai cũng muốn đánh dấu giai đoạn lãnh đạo của mình bằng công trình gì đấy. Dù chỉ là dựng tạm nhưng nó gây ô nhiễm môi trường thẩm mỹ lâu dài mà không làm cách nào xóa đi được”.
Họa sĩ nhấn mạnh: “doanh nghiệp bỏ tiền ra làm nên gọi là xã hội hóa. Nhưng phải thấy, đó cũng là tiền của nhân dân, của xã hội. Công trình này rõ ràng không phục vụ dân sinh... Hơn nữa, điều này rất nguy hiểm, bởi bằng cách đó người ta có thể chiếm dụng, tham nhũng các không gian công cộng để quảng cáo cho họ”.
Blogger Hiệu Minh hài hước: “Tôi có dịp đi một số bang ở bên Mỹ và rất thích cổng chào của họ. Ðó là một bảng tôn sơn xanh, đôi khi là tấm gỗ đơn sơ treo lủng lẳng trên cành cây. Dân Mỹ không biết hình thức là gì. Cổng chào gì mà như cái biển quán cơm tù. So sánh với Hà Nội đang đầu tư 50 tỷ đồng (gần 3 triệu đô la) để làm 5 cổng chào nhân đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội thì thấy ta hơn hẳn Mỹ về đoạn làm... cổng”.
Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, hình ảnh bề ngoài Hà Nội có thể đỡ nhem nhuốc hơn, nhưng các bậc tiền nhân sẽ rất đau lòng thấy con cháu mình kiếm chỗ đi học khổ sở đến như vậy. Nếu có thể nói được thì tôi chắc các cụ sẽ nói rằng: Nên lấy tiền làm những việc “phô phang” kiểu “thùng rỗng kêu to” ấy mà xây thêm trường học, bệnh viện cho dân đỡ khổ. Ðó mới là hành động do dân, vì dân đích thực.
Trong khi người ta đang hớn hở, nhộn nhịp đổ tiền tỉ tỉ cho “Ðại lễ 1000 năm Thăng Thong”, thì người dân Hà Nội khổ sở chẳng biết “bao giờ cho hết xếp hàng” cả đêm để xin một chỗ học cho con?
( Nguoi Viet, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=115511&z=2 )
Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/13640242
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét