Thứ Năm, 3 tháng 6, 2010

Nhà văn Việt - Mỹ tìm lại nhau qua văn học

Đọc báo thấy bài này đáng chú ý, xin chép lại để mai mốt đọc lại kỹ hơn.



"Phát biểu tại Hội thảo Văn học Việt - Mỹ, nhà nghiên cứu Nguyên Ngọc chia sẻ, chiến tranh đã xóa nhòa đi gương mặt người ở cả hai bên chiến tuyến. Nhưng văn học và những cuộc giao lưu văn hóa sẽ khôi phục lại những khuôn mặt thực sự, những giá trị nhân văn vĩnh viễn.



Chương trình giao lưu giữa các nhà văn Mỹ và Việt Nam do khoa Sáng tác - Lý luận - Phê bình văn học (Đại học Văn hóa Hà Nội) và Trung tâm William Joiner (Đại học Massachusetts, Mỹ) tổ chức, diễn ra từ 28/5 đến 3/6 với ngày hội thảo chính vào 2/6. Với hàng chục tham luận, nhà thơ và học giả hai nước đã ôn lại những ký ức chiến tranh, bày tỏ hy vọng về một tương lai cảm thông, chia sẻ hơn giữa hai dân tộc.



Đến với hội thảo là những con người từng suýt nã đạn vào nhau trong chiến tranh. Đạo diễn phim tài liệu Trần Văn Thủy chia sẻ về câu chuyện của ông và Wayne Karlin - cựu binh Mỹ, nay là nhà văn, học giả tại Đại học Southern Maryland.



Trong chiến tranh, Trần Văn Thủy thường ôm máy quay chạy bộ dưới đất hoặc núp vào các lùm cây để tác nghiệp. Còn Karlin ngồi trên trực thăng, xả súng đại liên xuống đất. Khi đạo diễn người Việt hỏi: "Từ trên trực thăng, khi anh bắn, anh thấy cái gì?", nhà văn Mỹ đã trả lời: "Thường thì không rõ lắm, có khi chỉ thấy các lùm cây động đậy".



Khi nói đến sự khốc liệt của chiến tranh, nhà nghiên cứu Nguyên Ngọc nhận định: "Chiến tranh biến con người thành kẻ khác, khiến họ không mang bộ mặt thật của mình và cũng không nhìn thấy gương mặt của người khác". Chính vì thế, những cuộc giao lưu, hàn gắn trở nên không thể thiếu để những con người từng ở hai bên chiến tuyến tìm lại gương mặt thật của nhau.



Trung tâm William Joiner (WJC) - tổ chức phi chính Nghiên cứu hậu quả xã hội và chiến tranh - là nơi đầu tiên ở Mỹ khởi phát hành trình xây lại nhịp cầu hữu nghị Việt - Mỹ trên lĩnh vực văn hóa, bằng những cuộc gặp gỡ, giao lưu giữa nhà văn, nghệ sĩ hai nước.



Chặng đường đầu tiên là những chuyến đến Mỹ của các nhà văn Việt, được nhà thơ Tô Nhuận Vỹ kể lại là trải qua rất nhiều khó khăn. Không có khả năng tài chính rộng rãi, các cây bút Việt Nam thường được bố trí ngủ nghỉ ngay tại gia đình của các nhà văn Mỹ. "Để hai phe cùng ngủ, cùng ngáy, cùng uống trà buổi sáng, cùng cụng rượu nửa đêm, cùng rỉ rả tâm sự đến cùng đập bàn tranh luận… để rồi cùng ôm nhau mày tao ứa nước mắt thân thiết…", Tô Nhuận Vỹ nói. Không những thế, WJC và những sứ giả hòa bình từ Việt Nam còn phải đối diện với những lời đe dọa chết người, những hành động chống phá của các lực lượng đối địch. Ký ức về những ngày tháng kinh hoàng này được các nhà văn Lê Lựu, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Duy, Kevin Bowen, Bruce Weigl kể lại trong hội thảo. Tác giả "Thời xa vắng" thậm chí còn úp mặt khóc nức lên khi nhớ lại những lời châm chọc xé lòng khi ông là nhà văn đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ sau chiến tranh.



Ôn lại để vượt qua quá khứ, các nhà văn Mỹ cho rằng, chiến tranh đã khiến cho con người nhầm lẫn về nhau, nay họ sẽ tìm hiểu lại nhau bằng văn học, văn hóa.



Tuy chưa có nhiều giải pháp được đưa ra nhưng một số tham luận tại hội thảo đã đề cập đến con đường đưa văn học Việt Nam đến Mỹ và ngược lại. Hàng chục năm qua, bằng những nỗ lực không mệt mỏi, nhiều sáng tác của các nhà văn Việt như Lê Lựu, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Duy, Lâm Thị Mỹ Dạ… đã đến được với độc giả Mỹ. Nhưng theo nhà văn Nguyễn Quang Sáng, con số này vẫn còn rất ít ỏi. Ông chia sẻ: "Khi sang Pháp, tôi rất ngạc nhiên khi biết, ở Pháp, người Trung Quốc có một nhà xuất bản riêng. Đó là con đường để những tác phẩm kinh điển hay những sáng tác đương đại xuất sắc của họ dễ dàng đến được với người Pháp. Còn ở nước ngoài, người Việt chỉ có một vài tờ báo, không đủ để thế giới hiểu về Việt Nam".



Ngay cả những nhà văn, nhà thơ cựu binh từng sang Việt Nam như Fred Marchant, Kevin Bowen cũng thú nhận, họ không hiểu gì về Việt Nam, nếu không nói là còn hiểu sai trong những ngày tháng ấy. Marchant tâm sự: "Ký ức về Việt Nam của tôi chỉ là những địa danh như: Củ Chi, Tây Ninh, Núi Bà Đen… Nhưng khi trở lại Việt Nam, tôi đã nhìn thấy những điều hoàn toàn khác". Nhà thơ Martha Collins bày tỏ, bà hiểu Việt Nam hơn qua những vần thơ của Nguyễn Quang Thiều, Lâm Thị Mỹ Dạ. Nó trở thành động lực thúc đẩy bà học tiếng Việt để có thể hiểu và dịch nhiều hơn nữa thơ ca Việt Nam sang tiếng Anh.



Hà Linh"




( VnExpress http://vnexpress.net/GL/Van-hoa/2010/06/3BA1C910/ )





Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/12173022

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến