"Ngọc Lan/Người Việt
WESTMINSTER (NV) - “Bây giờ hỏi tôi vẽ theo đường lối nào, tôi đâu có đường lối nào đâu. Khi mình vẽ thì mình cứ vẽ thôi, mình đâu có nghĩ trước trong đầu là mình vẽ theo trường phái trừu tượng hay là gì gì đâu. Vẽ là cứ vẽ, cứ tạo thành một tác phẩm cho mình.”
Họa sĩ Nguyên Khai, người nghệ sĩ cầm cọ không ngừng nghỉ trong suốt 50 năm qua, nói như thế về phong cách sáng tác của chính ông.
Luôn tìm tòi sáng tạo
Nói “vẽ là cứ vẽ” nhưng để có thể vẽ một cách bền bỉ, vẽ một cách mê say, “người họa sĩ phải luôn biết khám phá, tìm kiếm chất liệu sáng tạo mới để không bị nhàm chán.”
Nửa thế kỷ cầm cọ, là nửa thế kỷ xuyên suốt Nguyên Khai luôn học hỏi, mày mò, để thể nghiệm những điều mới mẻ vào trong sáng tác của mình.
Một họa sĩ ở miền Bắc California cho rằng, “Tranh Nguyên Khai vừa thể hiện sự chuyên nghiệp, điêu luyện, vừa đẹp, đa dạng, nhiều thể loại và không chú tâm vào một đề tài nhất định nào.”
Từng theo họa sĩ bậc thầy Lê Văn Ðệ học vẽ lụa, thế nhưng sau khi ra trường, Nguyên Khai lại nhận ra rằng lụa không cho ông cảm giác phóng túng tung màu trên giá vẽ. Ðể thoát ra khỏi sự gò bó trên những vuông lụa, họa sĩ Nguyên Khai chuyển sang vẽ bằng sơn dầu.
C.H, một họa sĩ trẻ tốt nghiệp ngành hội họa tại Mỹ, nhận xét, “Cách dùng màu sơn dầu của Nguyên Khai rất trong. Ðây là điều nhiều họa sĩ muốn mà không làm được.” Nguyên Khai đã thực sự thành công ở chất liệu này.
Ba chị em. (Sơn dầu, 2006) - Tranh Nguyên Khai.
Sau sơn dầu, người họa sĩ ấy bỏ ra gần hai năm nghiên cứu tranh sơn mài trên đất Mỹ, và nhận ra rằng sơn xe hơi chính là một loại sơn mài lacker rất thích hợp cho tranh. Ông mê say thể hiện một loạt tranh sơn mài bằng chất liệu sơn xe hơi.
Ðể tìm nguồn cảm hứng mới, Nguyên Khai lại học từ người bạn cách thực hiện tranh theo phương pháp “monoprint,” một thể loại tranh độc bản. Ðó là sự kết hợp kỹ thuật khắc gỗ, khắc bản kẽm, khắc film, rồi in bằng máy quay tay trên giấy.
Không dừng lại ở đó, Nguyên Khai tiếp tục mang hơi thở sức sống của thời “high-tech” vào trong một series tranh mới khác của mình, mang tên “mixed media.” Ðây cũng là một loại tranh thực hiện bằng nhiều chất liệu pha trộn lại như những sợi và mảnh kim loại, đinh kẽm, sơn dầu, vải bố, acrylic, đặc biệt là những con chip điện tử lấy từ các máy tính hư cũ.
Hiện tại, người họa sĩ bước vào tuổi 70 này đang thực hiện loạt tranh 3D - tranh 3 chiều, với đề tài về “nước.” Bởi, “nước có thể diễn tả khổ đau. Nước có thể biểu tượng cho niềm vui sướng, hòa hợp. Nước là nhu cầu cần thiết của con người.”
Luôn tìm tòi, luôn khám phá, họa sĩ Nguyên Khai cho rằng, “Với tôi, không có giai đoạn nào nổi bật lên trong quá trình sáng tác, mà luôn phải là sự khám phá tìm kiếm chất liệu sáng tạo mới để không bị nhàm chán. Người họa sĩ phải sáng tạo, luôn luôn sáng tạo, và tìm tòi một cái gì đó mới mẻ hơn.”
“Phải tập cho mình biết thưởng thức nghệ thuật”
“Ông Marc Planton, một nhà phê bình nghệ thuật người Pháp, từng nhận xét, ‘Tranh Nguyên Khai là hội họa? hay là thơ được vẽ thành màu sắc?’ Vậy, theo ông, cảm nhận tranh và thơ, cái nào khó hơn?”
Họa sĩ hơi ngập ngừng trước câu hỏi: “Khó nói.”
Sau một thoáng suy tư, ông trả lời:
“Một bên là màu sắc, một bên là con chữ. Chữ mình có thể đọc ra, hiểu phần nào, còn tranh là cảm nhận. Người họa sĩ thành công là người có thể khiến người xem có thể cảm nhận được, rung động được và thấy thích.”
Vườn Xuân (Acrylic trên đá) - Tranh Nguyên Khai.
Họa sĩ Nguyên Khai cho rằng qua mỗi bức tranh, người họa sĩ đều muốn gửi gắm một điều gì đó. Người xem, dù có thể không cảm nhận đúng điều người họa sĩ muốn gửi bày, nhưng nhìn bức tranh, một rung động, một kỷ niệm nào đó tự dưng được đánh lên, dấy lên trong lòng mình một âm vang của cái đẹp. “Ðó là một bức tranh thành công.”
Có điều, dù là tranh hay thơ, hay bất cứ loại hình nghệ thuật nào, con người không tự dưng mà biết thưởng thức. Do vậy, “phải tập cho mình biết thưởng thức nghệ thuật” nếu không cuộc đời sẽ nhàm chán và phí phạm biết bao nhiêu.
Một người xem tranh Nguyên Khai, cảm nhận, “Tranh ông rất 'professional'. Mấy tranh vẽ phụ nữ với hoa sen thì tất nhiên nhìn rất Việt Nam. Nhưng có một cái lạ là tranh Nguyên Khai vẽ hình cô gái với con ngựa. Những bức vậy nhìn sống động hơn những bức khác rất nhiều.”
Hoặc một người thưởng lãm khác đã cảm thấy có gì nặng trĩu trong lòng khi nhìn ngắm bức tranh “mixed media” có hình hoa sen với giọt nước mắt, bởi sao nó trông giống một “bullet hole” đến lạ.
Tranh là màu sắc, nên màu sắc trước tiên cần độc đáo, như một viên ngọc để nâng cao bức tranh. Tranh vừa tạo hình, tạo màu, và tâm hồn người nghệ sĩ cũng phải say mê sáng tác, thành thật, không dối lòng, không bị ảnh hưởng này khác. Nếu cứ muốn vươn cao đến một điều mà chính mình không biết thì tranh sẽ chẳng bao giờ đẹp được.
Qua 5 thập niên gắn liền đời mình với giá vẽ, đến giờ, người họa sĩ của miền đất cố đô “vẫn còn vẽ đều nhưng không nhiều như ngày xưa, có phần vẽ chậm lại.”
Nhận xét về điều này, Nguyên Khai nói: “Có thể do mình đã đắn đo hơn, mình làm kỹ hơn, tinh lọc hơn. Không biết đó là tốt hay xấu. Bởi những lúc mình bồng bột, mình cũng có được những sáng tạo bất thần. Có thể khi mình chưa biết về kỹ thuật nhiều thì mình tự do sáng tác hơn. Khi mình biết nhiều thì mình lại cảm thấy bị gò bó chăng?”
“Mình không đánh giá được đó là hay, hay dở, chỉ có người xem thưởng thức và đánh giá. Bây giờ hỏi tôi vẽ thôi đường lối nào, tôi đâu có đường lối nào đâu. Người ta mang cho mình cái áo nào thì mình mặc cái áo đó. Còn khi mình vẽ thì mình cứ vẽ thôi, mình đâu có nghĩ trước trong đầu là mình vẽ theo trường phái trừu tượng hay là gì gì đâu. Vẽ là cứ vẽ, cứ tạo thành một tác phẩm cho mình.”"
( Nguoi Viet http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=113776&z=1 )
Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/12174412
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét