Gió mưa khúc ruột miền Trung
“Chỉ hai ngày nghỉ anh sẽ đi hết di sản miền Trung”. Đà Nẵng đón khách trong mưa. Cả dải miền Trung ngập tràn mưa trắng. Mưa hoài trên Phu Văn Lâu trầm mặc. Mưa phủ trùm đỉnh Lệ Ninh với núi Bà Nà cao trên 1470 mét so với mặt biển. Mưa giăng khắp bán đảo Sơn Trà. Mưa xối xả làm Ngự Bình thêm chập chùng mờ ảo; tiếng chuông Thiên Mụ như phong kín; cầu Trường Tiền mịt mù mưa bay và sông Hương nước dâng tràn lạnh.
“Mưa phùn ướt áo tứ thân
Mưa bao nhiêu hạt thương bầm bấy nhiêu”.
Bao bóng người chập choạng xấp ngửa gặt lúa chạy lũ trên nền cát trắng Lăng Cô và dằng dặc suốt dải miền Trung… Nón đẹp xứ Huế khó che tóc mẹ tóc em mùa này. Mưa buốt thân người khiến cuộc mưu sinh thêm vất vả, day dứt.
Bập bềnh thuyền rồng nghe ca Huế. Khoang rộng phía trước có cửa lớn và những hàng ghế đón khách phiêu lãng sông Hương núi Ngự. Ra đằng sau, ngồi mũi thuyền hít sâu hương vị của sóng nước, gió đất Thần kinh, nhẹ lòng lạ. Đèn trên cầu Trường Tiền uốn lượn theo nhịp, xa dần, nhấp nháy, đổi màu liên tục thật kỳ ảo nhưng hình như đêm về màu tím Huế nồng ấm sang trọng nhất. Cô chơi đàn tranh tên Ngọc là giảng viên Học viện Quốc gia âm nhạc Huế có nét đẹp thật sang trọng, giọng nói dịu dàng, ý tứ.
“Chiều nay mưa trên phố Huế…
Mà mưa sao vẫn rơi rơi hoài cho lòng nhớ ai…
Chiều mưa phố buồn. Chiều mưa phố xưa u hoài có ai mong đợi.
Một người biền biệt năm xưa để nhớ với thương một người… ”.
Giọng hát đò đưa thêm chơi vơi sâu lắng giữa ánh bạc lấp lánh sông Hương. Đêm mưa Huế gợi nhiều kỷ niệm nằm ngoài xứ Huế. Đêm đó, cô phụ trách nhóm ca Huế làm nên “một sự kiện” hiếm có, theo người tại chỗ, đồng ý “xuất gia”, đến một quán nhỏ bập bùng “Nam ai nam bình” tặng bạn bè đến tận khuya…
Đêm xa miền Trung. Bạn bè tiễn nhau trong mưa. Xe chạy loanh quanh gần hai tiếng đồng hồ trên những con đường chính của Đà Nẵng. Bầu trời trĩu nặng. Bay về phương Nam trong tiếng gió rít và ánh chớp giật sáng loè.
Mưa phương Nam chợt đến chợt đi. Mưa miền Trung thấm đất ngấm lòng. Nắng gắt nên mưa nhiều. Quy luật của Đất trời. Khúc giữa của dải đất “cong cong hình đòn gánh” này hình như được ông trời thử thách nặng nề nhất sự đỏng đảnh của mình. Người miền Trung tự trào về “đặc sản” xứ mình: gió Lào khô rát, nắng gắt mưa hoài và…nghĩa trang nhiều nhất nước. Cơn bão Xangsane (2006) “kéo Đà Nẵng lùi lại 10 năm”. Cơn bão số 9 lại tràn đến. Nghe nói con đường Nguyễn Tất Thành chạy ven biển đẹp nhất Đà Nẵng lại bị bão lật lên gần hết? Miền Trung luôn phải gồng mình chống đỡ sự hoang dã, bạo tàn của thiên nhiên. Bây chừ ngoài nớ mưa đã dứt?
Sau mưa trời lại sáng
Khách phương xa ấn tượng với biểu tượng Đại nội Huế trên khắp những bảng chỉ tên đường; bảng hiệu cửa hàng, quán ăn đến trụ sở công quyền tại phố cổ Hội An hầu như đều bằng gỗ nâu cổ kính…Và quan trọng hơn nhiều chính sách chủ trương của chính quyền đã xuống tận người dân và được họ đồng tình ủng hộ. Bà dì người bạn ở Đà Nẵng đang làm lễ tân gia ngôi nhà trên tỷ đồng kể vanh vách về giá đất, các công trình lớn cùng việc hỗ trợ giải tỏa, về chương trình “5 không”, “3 có”… Đà Nẵng đã sớm có sức mạnh lan tỏa của một đô thị loại I, động lực cả vùng. Chính phủ đã tập trung đầu tư xây dựng đường hầm Hải Vân, nâng cấp cảng Tiên Sa thành cảng biển nước sâu hiện đại và xây dựng gần đó dự án đóng tàu biển trọng tải lớn; đầu tư mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng; hệ thống bưu chính – viễn thông, ngân hàng – tài chính; tuyến hành lang kinh tế Đông Tây nối với nhiều quốc gia khác để phát triển kinh tế, mở rộng giao lưu văn hóa…
Trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh – PCI năm 2008 (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI), Đà Nẵng chiếm ngôi vị quán quân, vượt qua Bình Dương, địa phương liên tiếp đứng đầu cả nước trong 3 năm trước. Du lịch là một ví dụ khá điển hình cho sự nhanh nhẹn, năng động đó. Đêm hội pháo hoa trên sông Hàn sắp tới sẽ được đầu tư mạnh mẽ hơn. Khu vực khán đài được nâng từ 9 ngàn chỗ lên 30 ngàn để bán cho các tuor du lịch, 26 đơn vị lữ hành quốc tế, 150 nhà hàng (60 của Nhật bản) sẽ tham gia…
Công ty lữ hành Vitours (Đà Nẵng) cũng chứng tỏ nội lực và cách làm chuyên nghiệp của mình. Chủ động “bao” nguyên một chương trình Fam Trip, mở Hội thảo liên kết với khách mời là hàng chục công ty Du lịch đến từ hai đầu đất nước (đầu tháng 9/2009). “Độc” hơn, đang tích cực cùng Cần Thơ tác động chính quyền hai địa phương và hãng Hàng không quốc gia Viet Nam Airlines mở đường bay trực tiếp Đà Nẵng – Cần Thơ và ngược lại, trước mắt, tần xuất sẽ là 2 chuyến/tuần. Đó cũng là mong muốn và bức xúc không chỉ của các đơn vị làm Du lịch.
Ông Cao Trí Dũng, giám đốc lữ hành Vitours phân tích: hiện lượng khách có nhu cầu qua lại giữa hai vùng khá cao trong khi hầu hết chỉ di chuyển bằng đường bộ. “Trong bối cảnh suy thoái hiện nay, muốn phát triển phải liên kết. Miền Trung lợi thế với hàng loạt di sản Thế giới, miền Tây Nam bộ có cảnh quan sông nước hữu tình”. Tháng 10/2009 Hiệp hội Du lịch ĐBSCL sẽ có kiến nghị chính thức về vấn đề này và trong hai tháng cuối năm hai đoàn Fam Trip của miền Trung và miền Tây Nam bộ sẽ qua lại để khảo sát mở tuyến, thống nhất quyết tâm khai thác khách giữa hai vùng.
Vườn Quốc Gia Phong Nha Kẽ Bàng
Rõ ràng, người miền Trung đã biết cách đi xuyên qua thiên tai để tạo nên điều kỳ diệu. Quá khứ vẫn sống, phát triển trong lòng hiện tại. Bà cụ ngồi bán tò he bên hè phố cổ Hội An, “Con đường di sản miền Trung”, Đại nội Huế…luôn làm nao lòng khách.
Làng đá Non Nước trên 20 năm không còn được khai thác nguyên liệu tại chỗ nhưng vẫn xuất hàng mỗi năm, trở thành điểm du lịch không thể thiếu của miền Trung…
Làng đá Non Nước
Anh tài xế taxi trong đêm mưa chở khách qua cầu quay, niềm tự hào của người Đà Nẵng, nói sông Hàn đẹp hơn với bảy cây cầu đã và sẽ vắt mình qua nó.
Khu vực bên kia sông, bán đảo Sơn Trà, nơi chứng kiến những bước chân bạo nghịch đầu tiên của các thế lực ngoại xâm vốn là làng chài nay vụt thức giấc với hàng loạt các dự án lớn mang tầm cỡ quốc tế như khu du lịch khách sạn Hoàng Trà, Olalani Resort & Condotel, Sơn Trà Resort & Spa, khu du lịch Silver Shore Hoàng Đạt, các khu nghỉ dưỡng sang trọng như Furama Resort, Sandy Beach hướng mặt ra biển…
Biển Sơn Trà
Các nhà đầu tư nhắm vào Đà Nẵng không chỉ để phục vụ người tại chỗ mà cho cả những người có nhu cầu từ hai đầu đất nước?
Mịt mù bão mưa nhưng dưới con mắt các doanh nhân, đến năm 2015 Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những trung tâm du lịch, giải trí tầm cỡ quốc tế. “Sao anh không về chơi thôn Vỹ?” (Hàn Mặc Tử). Hết mưa rồi nắng hửng lên thôi!
Vũ Thống Nhất
Xem đầy đủ bài viết tại http://www.metinfo.vn/blog/?p=4513
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét