Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2009

Đình Bình Khánh - Phường Bình Khánh, quận 2

1. Vị trí, Lịch sử
Từ khi Thống suất Chưởng cơ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng mệnh Hiếu Minh hoàng đế ( Chúa Minh Nguyễn Phước Chu) lập xứ Sài Gòn mùa xuân năm Mậu Dần 1698, dụng dinh Phiên trấn, đặt chức Lưu thủ, Cai bạ, Ký lục để quản trị từ hữu ngạn sông Sài Gòn đến sông Vàm Cỏ, đất Quận 2 (vùng Thủ Thiêm xưa) nghiễm nhiên trở thành… ngoại ô.
Cái tên Bình Khánh, có lẽ xuất hiện trong khoảng năm 1757- 1862, khi đó vùng đất này thuộc tổng Bình An, huyện Phước Long, dinh Trấn Biên rồi huyện Bình An, tổng An Bình với 7 xã thôn. Cùng với đình An Khánh, đình Bình Khánh có lẽ cũng được hình thành rất sớm (theo Ban Quý tế Hội Đình Bình Khánh thì đình được tạo dựng trước năm 1850) cách nay đã hơn 150 năm, trải qua khoảng 7, 8 thế hệ, chứng kiến nhiều thăng trầm của vùng đất mới phía Nam.
Năm 1947, đình bị quân Pháp đốt phá. Những lính người Việt trong lực lượng bố ráp của Tây khiêng long ngai, khám thờ, bàn thờ, liễn đối… bỏ ra ngoài sân rồi mới đốt đình. Sắc thần cũng bị thất lạc trong thời gian này. Đến năm 1955, sau hiệp định Genève, người dân địa phương trở về làng cũ mới góp sức dựng lại đình. Đợt trùng tu mới đây nhất là vào giữa năm Quý Mùi 2003.
Trong đợt tổng điều tra di tích năm 1999 của Sở Văn hoá Thông tin TP. Hồ Chí Minh, đình Bình Khánh đã được xếp vào Danh mục cần được bảo vệ.

2. Hiện trạng đình
Đình hiện tại chiếm một diện tích không lớn trên thửa đất ngày xưa. Hiện nơi đình toạ lạc là Ap Bình Khánh, xã Bình Khánh, nằm trên đường Lương Định Của, cách ngã tư Lương Định Của- Trần Não, đi về hướng ngã ba Giồng, khoảng 200 mét. Cổng Tam quan dựng ngay mặt đường, xây năm Đinh Sửu (3-1997), đắp hai câu liễn bằng chữ Quốc ngữ. Theo Tam quan đi chừng 20 mét là tới đình.
Sau năm 2003, đình được trùng tu khang trang, đẹp đẽ và vẫn giữ được dáng vẻ xưa. Ngoài Cổng đình còn hai câu liễn: Bình an, thạnh vượng, do tâm nguyện; Khánh sinh lễ nghĩa, gia đình thạnh. Trong cổng cũng có hai câu: Phú quý, vinh hoa, tài lộc tiến; Đình kiến nhân dân chúng hiệp công (chữ công viết thành chữ lực hay thực sự trước đây người khắc muốn viết lực?).
Võ ca mới nằm đối diện với chánh điện. Bên ngoài chánh điện nhìn uy nghi với mái ngói có những đầu đao hình rồng. Trên mái là lưỡng long tranh châu hoặc lưỡng long chầu nguyệt . Các bao lam nội điện cũng sử dụng cách trang hoàng này.
Ngoài cửa còn 4 bức liễn, hai chạm khắc tinh xảo, hai có đề: Sử nghệ thư lâm lược đắc Thánh hiền tinh sự nghiệp; Thiên niên âm chất đô do Tổ đức tích nhân cơ . Gian trước thờ Quan thánh Đế quân (Quan Công) rồi đến hai hàng Lỗ bộ, mã, hạc và rùa. Bên hữu (từ ngoài nhìn vào) thờ Tiền hiền Hậu hiền, bên tả thờ Bạch mã Thái giám, nhị vị Công tử. Nội điện kiến trúc noi theo lối cũ, kiểu Tứ trụ với bốn cột tròn, đắp nổi hình rồng, đà đều giả gỗ, tạo nét rêu phong, phân làm ba và đều có bao lam tinh tế. Hai bên thờ Tả ban và Hữu ban (nhưng không hiểu sao lại bố trí Hữu ban ở Thanh long, Tả ban ở Bạch hổ?). Giữa là Bàn thờ Thần, Long ngai được tôn lên cao, chạm trỗ tinh xảo.
Đình còn có thêm một gian bên thờ Tiên sư. Mới tạo lại sau này. Hiện nay, cứ từ 16- 18 tháng Ba âm lịch đình thiết Đại lễ Kỳ yên. Đây là dịp người địa phương, khách thập phương, các Ban Quý tế ở nhiều nơi về viếng đình Bình Khánh.
Nhìn chung, đình Bình Khánh là một điểm tham quan du lịch có cái để du khách thưởng ngoạn khi đến với Quận 2 TP. Hồ Chí Minh.
(Nguồn UBND Q.2)

Xem đầy đủ bài viết tại http://hoilhtnq2dukhao.blogspot.com/2009/11/inh-binh-khanh-phuong-binh-khanh-quan-2.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến