Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2009

Giải mã một số địa danh ở Thành phố Hồ Chí Minh

Sương Nguyệt Anh hay Sương Nguyệt Ánh?
Thật ra, đề Sương Nguyệt Anh là đúng. Nguyên ban đầu chỉ có hai chữ Nguyệt Anh (con gái thứ 5 của cụ Nguyễn Đình Chiểu có sắc đẹp và tài làm thơ) đến sau ngày chồng qua đời bà thêm chữ Sương tức "người đàn bà góa chồng" đứng trước để thành biệt hiệu Sương Nguyệt Anh. Bà làm chủ bút tờ báo phụ nữ đầu tiên xuất bản ở Sài Gòn năm 1918 là tờ Nữ giới chung (tiếng chuông của giới nữ). Cũng có bạn viện lẽ lâu nay người dân quen gọi rồi thì Anh với Ánh cũng không sao. Nói thế chưa ổn, vì tên cha mẹ đặt cho, hoặc bút hiệu của chính các tác giả chọn lấy, người sau cần phải tôn trọng không được sửa đổi tùy ý, dầu là theo "thói quen" lâu ngày.
Một số trường hợp viết sai như trên cũng được các nhà văn, nhà nghiên cứu như Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Nguyễn Đình Đầu, Lê Trung Hoa đề cập đến, hoặc đã được nêu lên trong những công trình biên soạn về Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh mấy chục năm qua.
Gần đây nhất, trong bộ sách nhiều tác giả: Hỏi đáp về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh do NXB Trẻ in quý II/2006 gồm 6 tập, TS Quách Thu Nguyệt chủ biên, có nêu rõ một số tên đường bị viết sai: Kha Vạn Cân (Thủ Đức), Trần Khắc Chân (Phú Nhuận), Trương Quốc Dung (Phú Nhuận), Hồ Huấn Nghiệp (Q.1) và cho rằng: "viết đúng phải là: Kha Vạng Cân, Trần Khát Chân, Trương Quốc Dụng, Hồ Huân Nghiệp".

Hàng Xanh hay Hàng Sanh?
Bây giờ đến các địa danh như ngã ba Hàng Xanh, chợ Hàng Xanh, gốc tích tên gọi này từ đâu có? Nhiều người giải thích do ngày trước dân cư chưa đông đúc, nhà cửa đường sá chưa mọc lên dày đặc, vùng này vốn trồng nhiều cây xanh sát nhau, lên xanh um kéo dài từ nút giao thông Hàng Xanh hiện nay đến tận chợ Bà Chiểu nên được gọi nôm na là "hàng xanh", sau thành địa danh chính thức.
Nhưng theo các nhà nghiên cứu địa danh học và sách đã dẫn trên phải viết Hàng Sanh mới đúng. Là vì, ngày trước vùng này trồng rất nhiều cây có tên Sanh, mà Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của cho biết Sanh là "một loại cây da, lá nhỏ" trồng dọc hai bên đường ở khu vực trên nên gọi Hàng Sanh.

Gò Vấp hay Gò Vắp?
Còn Gò Vấp thật ra là Gò Vắp nguyên là vùng đất cao có trồng nhiều cây vắp. Loại cây này thân gỗ rất cứng thuộc họ măng cụt, hiện vẫn trồng nhiều nơi tại TP.HCM như khuôn viên vườn Tao Đàn, khu vực đường Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương gần đó.

Rạch Ông hay Rạch Ong?
Rạch Ông (Q.8) với tên gọi Rạch Ông lớn và Rạch Ông nhỏ, thật ra là Rạch Ong (rạch có nhiều ong đến làm tổ). Địa danh này trong các cuốn sách cổ như Gia Định thành thông chí và Đại nam nhất thống chí đều dịch sang chữ Hán là Đại Phong Giang và Tiểu Phong Giang (phong nghĩa là con ong).

Chí Hòa?
Chí Hòa được người Pháp viết là Kihoa, đến khi người Việt xem tài liệu của người Pháp lại đọc thành... Kỳ Hòa!

Cát Lái hay Các Lái?
Hiện có một số nơi gắn liền với tên gọi Cát Lái như: ngã ba Cát Lái, bến phà Cát Lái, phường Cát Lái (Q.2) hoặc sông Cát Lái, rạch Cát Lái lớn, rạch Cát Lái bé (Cần Giờ).
Theo các nhà nghiên cứu viết như thế là vô nghĩa. Nguyên các vùng kể trên ngày xưa các lái buôn tụ về buôn bán nên dân gian gọi là vùng của các lái. Vì vậy đúng ra viết Các Lái mới có nghĩa.

Rạch Chiếc hay Rạch Chiết?
Qua khỏi cầu Sài Gòn có Rạch Chiếc, sách đã dẫn cho viết như thế không đúng, mà phải viết là Chiết (t thay vì c), vì xưa rạch này có nhiều cây chiết là "thứ cây mọc hoang, thấp nhỏ, lá lớn, hay mọc hai bên mé sông, thường ra lá non, mùi chát chát có thể ăn như rau". Trường hợp viết và đọc sai về Rạch Chiếc cũng tương tự như địa danh Cát Lái trên.

Một số địa danh khác...
Hóc Môn:
Theo PGS.TS Lê Trung Hoa, trong địa danh Hóc Môn, chữ hóc là âm cổ của hói, chỉ dòng nước nhỏ, môn là cây môn nước, hàm nghĩa là dòng nước nhỏ có nhiều cây môn mọc quanh.

Văn Thánh:
Địa danh Văn Thánh (Bình Thạnh) là do khu ấy Tổng trấn Gia Định thành là Lê Văn Duyệt cho xây miếu Văn Thánh (là miếu thờ ông Thánh về văn hóa tức Khổng Tử) để khuyến khích việc học hành.

Ký Thủ Ôn:
Địa danh Ký Thủ Ôn (Q.8) lấy tên một người Hoa thường gọi: Ký Thông. Ông tham gia kháng chiến, hoạt động bí mật trong chính quyền Sài Gòn, giả vờ hợp tác với Ngô Đình Diệm và tử trận trong khi giao chiến với quân Bình Xuyên.

Bến Dược:
Địa danh Bến Dược có hai giả thuyết. Thuyết thứ nhất cho rằng xuất phát từ cái bến của quân giải phóng dùng vượt qua sông Sài Gòn thời chống Mỹ. Thuyết thứ hai cho là vùng này chuyên trồng cây thuốc Nam nên dùng từ dược để gọi. Sau này người ta tìm được địa danh xóm Bà Dược. Dược là tên một người phụ nữ, nên cái bến tại xóm này chắc ban đầu mang tên bến Bà Dược, sau rút gọn: Bến Dược, và thành tên vùng Bến Dược.
(Nguồn báo Thanh Niên)

Xem đầy đủ bài viết tại http://hoilhtnq2dukhao.blogspot.com/2009/11/giai-ma-mot-so-ia-danh-o-thanh-pho-ho.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến