Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2009

Đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch ĐBSCL – Hiện trạng và giải pháp

Ngày 17/11/2009 tại khách sạn Cửu Long, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ. Hiệp Hội Du Lịch Việt Nam phối hợp với Dự án ADB đã tổ chức hội thảo “Thực trạng và giải pháp Xúc Tiến, Quảng Bá du lịch khu vực tiểu vùng sông MêKông (Đồng Bằng Sông Cửu Long)”. Tại hội thảo có 5 bài tham luận được trình bày và nhiều ý kiến phát biểu. Sau đây là bài tham luận của Ông Trường Giang – Tổng thư ký Hiệp hội Du Lịch ĐBSCL (MDTA).



hoithao2



Nói đến du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trước nhất phải nhìn nhận sự quan tâm của Đảng, của Nhà nước và sự mong muốn phát triển du lịch của người dân ĐBSCL. Ngày 20 tháng 01 năm 2003, Bộ chính trị ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về “phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng ĐBSCL thời kỳ 2001-2010”, trong đó xác định tầm quan trọng phải đẩy mạnh phát triển ngành dịch vụ du lịch ĐBSCL. Về mặt Nhà nước mới đây ngày 16 tháng 4 năm 2009 Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 492/QĐ-TTg V/v phê duyệt đề án thành lập vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL, trong các mục tiêu cụ thể có nêu: “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp- dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp, đến năm 2010 khu vực nông, lâm, thủy, hải sản chiếm 29,4% và giảm xuống 15% năm 2020; khu vực công nghiệp- xây dựng chiếm 28,7% năm 2010 và tăng lên 40% năm 2020; khu vực dịch vụ chiếm 41,9% năm 2010 và tăng lên 45% năm 2020”.


Tuy nhiên ngành du lịch ĐBSCL hiện nay vẫn là vùng trũng so với cả nước, vì sao? Có lẽ đây là câu hỏi trước tiên những người làm du lịch phải trả lời. Ta nhìn lại những yếu tố cơ bản để làm cơ sở đề ra giải pháp xúc tiến quảng bá du lịch, góp phần phát triển du lịch ĐBSCL.


ĐBSCL có diện tích 39.842km2 , dân số trên 17 triệu người. ĐBSCL có vị trí quan trọng là vùng trọng điểm phát triển nông nghiệp cả nước và là đồng bằng phì nhiêu nhất nước ta, đồng thời cũng là một trong những vùng đồng bằng châu thổ rộng, phì nhiêu ở Đông Nam Á và thế giới. Đặc biệt nhất là vựa lúa, trái cây, tôm cá lớn, là nơi cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp, chế biến hàng nông sản thực phẩm xuất khẩu của cả nước; thương mại và dịch vụ du lịch miệt vườn đang có xu hướng phát triển trong các năm qua, hệ thống giao thông thủy bộ đang được xây dựng, cải tạo nâng cấp nối liền giữa các tỉnh đồng bằng với nhau, với Tp.HCM, trong cả nước và nước bạn Campuchia, đây là thế mạnh để giao lưu, phát triển kinh tế xã hội của vùng.


Về hiện trạng cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch ĐBSCL:


- Cơ sở lưu trú: Các cơ sở lưu trú phân bố không đồng đều, chỉ tập trung một số địa phương như: Kiên Giang có 439 cơ sở, Cần Thơ có 294 cơ sở. Riêng khách sạn chỉ tập trung một số địa phương như: Tp. Cần Thơ có 173 khách sạn, Kiên Giang có 130 khách sạn, Tiền Giang có 85 khách sạn, các địa phương khác không đáng kể. Số khách sạn được xếp hạng 3-4 sao chỉ chiếm khoảng 2% cơ sở lưu trú, 5% số phòng và 6% số giường so với tổng số. Nhìn chung quy mô nhỏ dịch vụ chất lượng chưa cao, chưa phong phú.


- Các cơ sở ăn uống: Đa dạng, phong phú, có nhà hàng Âu, Á riêng biệt, Café- shop, bar, tổ chức tiệc cưới, hội thảo, hội nghị… Tuy nhiên cần quan tâm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.


- Các tiện nghi thể thao, vui chơi, giải trí: Còn hạn chế, hầu như chỉ có hoạt động Karaoke, massage, bơi lội và tennis.


- Các khu, điểm du lịch: Đang được các nhà đầu tư chú ý tiêu biểu như khu du lịch sinh thái Đất Mũi (Cà Mau), khu du lịch Biển Ba Động (Trà Vinh), khu du lịch Gáo Giồng (Đồng Tháp), khu du lịch văn hóa sinh thái Bảy Núi (An Giang), khu du lịch Mũi Nai, đảo Phú Quốc (Kiên Giang), cụm du lịch sinh thái Thới Sơn (Tiền Giang), khu du lịch sinh thái Cồn Phụng (Bến Tre) và làng du lịch Mỹ Khánh (Cần Thơ).


- Về tình hình khách du lịch: Các doanh nghiệp lữ hành hiện nay chủ yếu nối tour cho các doanh nghiệp lữ hành của Tp.HCM, Hà Nội. ĐBSCL mới có 18/629 doanh nghiệp lữ hành quốc tế của cả nước, chiếm khoảng 2,8%, lượng khách quốc tế chiếm khoảng 15% so cả nước, lượng khách quốc tế có xu hướng tăng nhưng ngày nghỉ còn ngắn, ngày lưu trú trung bình khoảng 1,5 ngày. Khách nội địa chỉ tập trung đến các trung tâm du lịch như: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau.


Ngoài ra ĐBSCL còn các tiềm năng du lịch như:


- Tiềm năng du lịch thiên nhiên:  Nằm ở vị trí hạ lưu sông Mekong, có hệ thống sông rạch chằng chịt, vườn cây ăn trái quanh năm, chợ nổi trên sông…Đảo Phú Quốc (Kiên Giang) với nhiều bãi biển đẹp, đang phát triển thành khu du lịch tầm cở khu vực và quốc tế.


- Các di tích văn hóa- lịch sử:  Là nơi hội tụ, giao thoa của bốn dòng văn hóa của 4 dân tộc Việt- Hoa- Khmer- Chăm…


- Tiềm năng du lịch làng nghề: Những làng nghề gắn với nét văn hóa, cư dân ĐBSCL như: Rượu đế Gò đen (Long An), Xuân Thạnh (Trà Vinh), làng gốm đỏ, nhãn khô (Vĩnh Long), bánh phồng tôm Sa Đéc, nem Lai vung, làng hoa Tân Quy Đông, làng chiếu Định Ngân (Đồng Tháp), cá Ba sa Châu Đốc, đường Thốt nốt Tịnh Biên (An Giang), bánh pía, lạp xưởng (Sóc Trăng), làng nghề mỹ nghệ từ gáo dừa, võ dừa (Bến Tre)…


Để khơi dậy tiềm năng du lịch ĐBSCL trở thành hiện thực, căn cứ vào quan điểm chung của Nhà nước quy hoạch là:


- Phát triển du lịch vùng ĐBSCL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo trên cơ sở khai thác có hiệu quả những lợi thế vị trí tài nguyên của vùng. Đặc biệt du lịch sinh thái, du lịch biển, du lịch sông nước, miệt vườn…


-   Phối hợp chặt giữa các địa phương trong vùng, tạo sự thống nhất trong  hoạt động du lịch trên địa bàn.


-  Gắn kết chặt chẽ với các tỉnh Đông Nam bộ, Tp.HCM – đóng vai trò điểm nối khách lớn nhất khu vực  phía nam.


-  Đẩy mạnh hội nhập phát triển du lịch trong tiểu vùng sông MeKong mở rộng,  tuyến du lịch xuyên Á, các tour du lịch giữa Việt Nam với CampuChia, ThaiLan…


Về giải pháp phát triển du lịch ĐBSCL,  tại nhiều cuộc hội thảo, các nhà khoa học, các nhà kinh tế, các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, các doanh nghiệp du lịch đã đề cập khá nhiều các giải pháp như: Quy hoạch tổng thể, đầu tư về cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch, nguồn vốn đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực du lịch,…Tại cuộc hội thảo hôm nay với chủ đề: “Thực trạng và giải pháp xúc tiến, quảng bá du lịch khu vực tiểu vùng sông MeKong (Đồng bằng sông Cửu Long)” do Hiệp Hội Du Lịch Việt Nam phối hợp với dự án ADB tổ chức. Với tư cách là người hoạt động trong Hiệp Hội Du Lịch  ĐBSCl, xin tham gia mấy suy nghĩ về giải pháp xúc tiến, quảng bá du lịch khu vực ĐBSCL như sau:


- Yêu cầu xúc tiến, quảng bá. Đưa thông tin về thực trạng, về sản phẩm du lịch, về tiềm năng thiên nhiên, đời sống văn hóa phong phú của cư dân ĐBSCL, về cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch chung của cả nước và ĐBSCL đến với du khách và nhà đầu tư trong, ngoài nước, nhằm tạo cho du khách, nhà đầu tư có được ấn tượng tốt đẹp với du lịch ĐBSCL.


- Nội dung xúc tiến, quảng bá. Cần xây dựng chương  trình rõ ràng có trọng điểm, chia thành hai nội dung: Một là hệ thống các sản phẩm du lịch đặc thù của ĐBSCl: du lịch Mice tập trung ở các trung tâm như Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang; du lịch sông nước, miệt vườn, chợ nổi trên sông của Tiền Giang, Cần Thơ, Hậu Giang; du lịch sinh thái rừng ngập mặn, khu dự trữ sinh quyển thế giới của Cà Mau, Kiên Giang. Du lịch biển đảo của Hà tiên, Phú Quốc, Kiên Giang, biển Ba động Trà Vinh và di tích lịch sử, văn hóa miền Tây nam bộ… Hai là giới thiệu về hệ thống chính sách, cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư du lịch của Nhà nước đối với du lịch ĐBSCL. Nội dung này rất cần thiết cho khu vực trong giai đoạn đang phát triển.


- Hình thức phương pháp xúc tiến, quảng bá, tận dụng tốt nhất mọi hình thức như: trên mạng Internet, thiết kế trang web chính thức giới thiệu về du lịch ĐBSCL; trên phương tiện thông tin đại chúng, trên các kênh phát thanh, truyền hình, trên báo chí bằng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng nước ngoài, trên các ấn phẩm về du lịch, sổ tay hướng dẫn du lịch, bản đồ du lịch; tổ chức mời các đoàn Famtrip và Presstrip cho các hãng lữ hành và báo chí nước ngoài đến với ĐBSCL; tổ chức các sự kiện, các lễ hội du lịch, phát huy kết quả năm du lịch quốc gia Mekong-Cần Thơ 2008, tổ chức luân phiên tại các địa phương Festival du lịch ĐBSCL …


- Tổ chức thực hiện xúc tiến quảng bá, cần có sự phối hợp phân công giữa TW và địa phương, giữa cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp du lịch, các Hiệp hội du lịch.



hoithao1


Trước tiên Tổng cục Du lịch Việt Nam đóng vai trò quyết định chi phối, là cơ quan tham mưu đắc lực cho chính phủ, cho Bộ VH- TT & DL, trong chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch chung, kiến nghị Tổng cục Du lịch Việt Nam xây dựng một chương trình xúc tiến, quảng bá cho du lịch ĐBSCL nhằm thực hiện Quyết định số 492 của Thủ tướng chính phủ V/v phê duyệt đề án vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL.


Hiệp hội Du lịch Việt Nam là tổ chức đại diện cho các doanh nghiệp du lịch Việt Nam trong đối nội, đối ngoại, là tổ chức có điều kiện thuận lợi xúc tiến quảng bá du lịch đến với các tổ chức, các Hiệp hội du lịch các nước trên thế giới. Trong chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch của Hiệp hội du lịch Việt Nam quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch ĐBSCL tiếp cận với các tổ chức doanh nghiệp du lịch các nước trong việc hợp tác hoạt động du lịch.


Các doanh nghiệp du lịch ĐBSCL cần xác định công tác xúc tiến, quảng bá là hết sức quan trọng trong hoạt động, cần dành một khoảng kinh phí thỏa đáng cho công tác xúc tiến, quảng bá, xây dựng cho được các chương trình quảng bá phong phú, đa dạng, kịp thời. Từ tháng 5/2009 Các doanh nghiệp du lịch ĐBSCL đã xây dựng được một tổ chức đại diện của mình đó là Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (MDTA). Trong thời gian tuy ngắn, Hiệp hội đã có những hoạt động tích cực, tạo được cơ sở vật chất ban đầu để thực hiện vai trò đầu mối trong hoạt động chung và hoạt động xúc tiến, quảng bá cho các doanh nghiệp du lịch ĐBSCL .


Chúng tôi tin tưởng rằng với sự quan tâm của Bộ VH-TT & DL, Tổng cục Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, du lịch ĐBSCL sẽ cất cánh tương xứng với vị trí tiềm năng của mình.


Cần Thơ, ngày 17 tháng 11 năm 2009.



Trường Giang

Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch ĐBSCL (www.mdta.vn)


Ảnh: Lê Thanh Quý

Xem đầy đủ bài viết tại http://www.metinfo.vn/blog/?p=4675

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến