" Từ Sài Gòn, Hà Nội đến các thành phố khác, rất nhiều người hào hứng ngắm nhật thực xảy ra ở Việt Nam, một hiện tượng xảy ra ít thấy nhưng lần này lại kéo dài hơn những lần trước đây.
Nhật thực là hiện tượng mặt trời, mặt trăng, trái đất quay tới một vị trí thẳng hàng với nhau. Tùy theo độ thẳng hàng nhiều hay ít khiến cho mặt trăng che bao nhiêu phần mặt trời. Nếu mặt trời bị mặt trăng che toàn bộ thì gọi là nhật thực toàn phần. Vì bề mặt trái đất rộng lớn nên khi xảy ra nhật thực chỉ cư dân những nơi ánh sáng không tới được mới thấy nhật thực.
Cách đây chừng mười năm đã xảy ra nhật thực toàn phần rất hoàn hảo và Phan Thiết là nơi quan sát hoàn hảo nhất nên các nhà thiên văn học lẫn du khách về đây rất đông.
Trong ngày xảy ra nhật thực, buổi chiều 15 Tháng Giêng, 2010, dân chúng khu vực Hà Nội đã được thấy nhật thực với độ che phủ khoảng 71%. Người dân Ðà Nẵng cũng được ngắm hiện tượng nhật thực với độ che phủ gần 50%. Còn ở Sài Gòn, mặt trời chỉ bị che mất khoảng 38%. Càng về phía Nam, độ nhật thực càng giảm.
Muốn nhìn hiện tượng nhật thực không bị chói mắt, người ta phải đeo kính màu đen, hoặc nhìn gián tiếp qua một tấm kính hoặc hình phản chiếu của một chậu nước.
Những người có khả năng hơn thì nhìn qua một kính thiên văn tài tử cỡ nhỏ.
Ngày 22 Tháng Bảy, 2009 cũng đã xảy ra hiện tượng nhật thực và Việt Nam cũng chỉ thấy nhật thực một phần.
Theo một bản tin của báo Dân Trí mô tả cảnh xem nhật thực ở Hà Nội của một nhóm thiên văn: “14h17 phút, hiện tượng nhật thực bắt đầu. Những đám mây to tướng, dày đặc liên tục che khuất mặt trời khiến chúng tôi không thể quan sát đầy đủ quá trình mặt trời bị che khuất. Rất may vào thời điểm 15h36 là lúc mặt trời bị che phủ lớn nhất, lên tới 71% thì mọi người đều có thể nhìn thấy. Theo tính toán, đến 17h05 thì nhật thực mới kết thúc, nhưng chúng tôi chỉ quan sát đến hơn 16h thì buộc phải bỏ dở vì trời tối dần và mây kéo đến dày đặc, không thể quan sát được nữa. Dù vậy kết quả có được đã là mỹ mãn!”
Theo tờ Dân Trí, ở một số cao ốc lớn và khu vực thoáng đãng của Hà Nội, nhiều nhóm bạn trẻ cũng tụ họp để cùng nhau xem nhật thực.
“Tại bãi biển Ðà Nẵng, hơn 20 người thuộc CLB Thiên văn bách khoa - PAC cũng háo hức ngắm nhật thực. Anh Phan Thanh Hiền, chủ nhiệm CLB cho biết, ngoài một số kính tự chế có quét lớp hóa chất chống tia cực tím phát cho mọi người, CLB chuẩn bị cả kính thợ hàn chuyên nghiệp nên ai cũng có thể quan sát nhật thực.” Anh Hiền kể lại, “15h40 độ che phủ của mặt trời ở Ðà Nẵng đạt mức lớn nhất gần 50%. Sau đó, trời tối khá nhanh nên chúng tôi cũng không thể kéo dài quá trình quan sát được nữa.”
Theo nguồn tin, dù được thông báo, hiện tượng nhật thực tại Sài Gòn chỉ đạt trên 30%, “nhưng chỉ riêng Nhà Thiếu Nhi Quận 5 đã tập trung hơn 300 người đến quan sát. 70 chiếc kính tự chế mà CLB thiên văn nghiệp dư Sài Gòn chuẩn bị trong chốc lát đã hết veo. 2 kính thiên văn chuyên dụng dùng để quan sát nhật thực liên tục bị vây kín, ai cũng muốn xem nhật thực rõ nhất, đẹp nhất.”
“Vào 15h40, mặt trời tại Sài Gòn đạt độ che phủ lớn nhất gần 38%,” anh Tuấn Anh, chủ nhiệm CLB thiên văn nghiệp dư sài Gòn cho biết.
Thời gian xuất hiện nhật thực năm nay được kể là dài nhất trong cả ngàn năm qua mà người ở Việt Nam có thể thấy. Nhật thực bắt đầu vào khoảng 14 giờ 15 phút ngày 15 Tháng Giêng và hết lúc hơn 16 giờ.
( Nguoi Viet, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=106944&z=1)
Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/6578981
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét