Thứ Ba, 19 tháng 1, 2010

Nhà xây không phép và Thánh Giá Ðồng Chiêm

Đọc báo thấy tin này đáng chú ý, liên hệ tới Việt Nam quê hương một thời của tôi, xin chép lại để mai mốt đọc lại kỹ hơn.

" Nhà cầm quyền Việt Nam dùng cả báo viết, báo điện tử, hãng thông tấn, đài truyền hình, một mặt chối không có đàn áp tôn giáo, một mặt vu cáo cho linh mục, giáo dân ở Ðồng Chiêm là xây dựng “trái pháp luật.”

Những gì đã xảy ra được một số nguồn tin Công Giáo phổ biến nhanh chóng qua Internet, từ hình ảnh đến video các bằng chứng hiển nhiên như thế nhưng chế độ vẫn ngang nhiên nói ngược lại.

“Việc chính quyền xã An Phú, huyện Mỹ Ðức (Hà Nội) ngày 6 Tháng Giêng tổ chức tháo dỡ công trình xây dựng trái phép (cây Thánh giá) trên đỉnh núi Chẽ theo đúng trình tự quy định của pháp luật được dư luận rộng rãi đồng tình.” Báo Hà Nội Mới, cơ quan tuyên truyền một chiều của nhà cầm quyền thành phố Hà Nội viết ngày 16 Tháng Giêng, 2010.

Không những cáo buộc giáo dân và linh mục quản nhiệm Nguyễn Văn Hữu vi phạm đủ thứ, từ vi phạm luật xây dựng, vi phạm luật bảo vệ rừng đến vi phạm pháp lệnh tôn giáo tín ngưỡng, bài báo tuyên truyền nói trên còn vu cho giáo xứ Ðồng Chiêm nói riêng và Tổng giáo phận Hà Nội nói chung là “chính họ đang xúc phạm biểu tượng tôn giáo thiêng liêng.”

Các đây 8 ngày, tức 2 ngày sau khi đã gài chất nổ phá sập Thánh Giá trên Núi Thờ, báo Hà Nội Mới đã viết một bài dài cảnh cáo rằng Linh Mục Nguyễn Văn Hữu “cần tỉnh ngộ, rút ra bài học nghiêm khắc, tránh trượt sâu vào con đường sai lầm.”

Nhà cầm quyền cáo buộc giáo xứ Ðồng Chiêm (70 cây số phía Nam Hà Nội, thuộc huyện Mỹ Ðức) là “xây dựng trái phép” Thánh Giá trên núi Chẽ, giáo dân gọi là núi Thờ. Tháng Ba năm ngoái, giáo dân đã đúc bê tông cốt sắt một Thánh Giá lớn dựng trên núi nhìn xuống nghĩa trang dưới chân núi. Trong nghĩa trang này có chôn cất các bào thai bị phá bỏ cũng như các người chết vô thừa nhận.

Thánh Giá xây dựng ở trên núi không cản trở sự đi lại của bất cứ ai, cũng không tạo ra nguy hiểm gì cho ai. Nó chỉ có ý nghĩa đối với giáo dân và cũng chẳng đụng chạm tới ai ngoài sự “ngứa mắt” của nhà cầm quyền.

Câu hỏi được rất nhiều người đặt ra là, một Thánh Giá ở trên một ngọn núi như thế, xa xôi hẻo lánh như thế, tại sao lại trở thành vấn đề lớn đến độ huyện ủy huyện Mỹ Ðức, giữa năm ngoái, phải tổ chức phiên họp và ra chỉ thị cho nhà cầm quyền xã An Phú (trong đó có thôn Ðồng Chiêm) phải phá bỏ?

Hãy rời bỏ cái thôn Ðồng Chiêm nghèo nàn này, đi trở lại các thành phố, nhất là Hà Nội, qua các công trình xây dựng “trái phép” hay “không phép” chình ình ra đó lại được nhà nước lờ đi.

Không phải một căn nhà nhỏ. Hàng ngàn ngôi nhà cao tầng, kể cả nhà chọc trời cao nhất Hà Nội cũng xây dựng “không phép.” Những ngôi nhà xây dựng bất hợp pháp trên những con đê chống lụt chỉ thấy có những lời kêu ca mà không thấy chúng bị ai đến bắt phá bỏ, hoặc tệ hại hơn bị hàng trăm hàng ngàn cảnh sát cơ động tới đàn áp.

Ðê vỡ, nguy cơ mất nhà, chết người cho hàng triệu người lại được lờ đi, còn cây Thánh Giá ở trên núi heo hút kia thì lại là vấn đề lớn, cần phá bỏ.

Bài viết ngày 16 Tháng Giêng, 2010, của tờ Hà Nội Mới lập lại câu nói quen thuộc của phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam, “Sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước đối với các hoạt động tự do tín ngưỡng được đông đảo đồng bào Công Giáo và dư luận quốc tế đánh giá cao.”

Ðể chứng minh cho thấy cái nghịch lý trong vụ triệt hạ Thánh Giá trên núi Thờ ở Ðồng Chiêm, chỉ cần đọc một số nhỏ trong số các bản tin của hệ thống báo tuyên truyền của nhà nước Việt Nam.

Báo điện tử VNExpress ngày 24 Tháng Tư, 2009 viết, “Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Khắc Thọ, phó giám đốc Sở Xây Dựng Hà Nội cho biết, đến hết năm 2009, việc thực hiện phân cấp cấp phép, quản lý trật tự xây dựng mới được thực hiện ở các địa phương mới sáp nhập. Còn hiện tại, việc xây nhà của người dân gần như tự phát, không cần có phép. Theo ông Thọ, đây là nguyên nhân ‘lịch sử để lại’ nên buộc phải chấp nhận. Nhiều huyện như Chương Mỹ, Mỹ Ðức... cho tới nay chưa từng cấp được một giấy phép nào,” ông Thọ cho biết.

Không những vậy, ông Thọ còn nhìn nhận có tình trạng “làm luật” trong lĩnh vực này ở các địa phương. “Tôi khẳng định chỉ cần một xe cát đi qua thôi là chính quyền phường, xã biết liền, vấn đề là họ có xử lý hay không,” ông Thọ nói.

Cái ông huyện ủy huyện Mỹ Ðức có đọc bản tin này không, khi ra lệnh phá Thánh Giá trên núi Thờ?

Mới ngày 22 Tháng Mười Hai, 2009, báo Lao Ðộng có bài viết về trường hợp “Xây nhà không phép dưới hành lang an toàn lưới điện” ở phường Ðức Giang, quận Long Biên, Hà Nội. Chủ nhà là ông Nguyễn Ngọc Dụ “mặc dù không có giấy phép xây dựng, nằm dưới hành lang an toàn lưới điện, vẫn ngang nhiên xây dựng, đến nay chuẩn bị đi vào sử dụng nhưng không hề bị cơ quan chức năng xử lý.”

Ngày 26 Tháng Năm, 2009, báo Công An Nhân Dân của Bộ Công An, có bài viết “xây nhà không phép chờ dự án Sông Hồng” với những đoạn như sau, “Toàn phường Tứ Liên có 350ha đất thì 300ha nằm ngoài đê, theo quy định, phần lớn diện tích trên nằm trong vùng thoát lũ và an toàn đê điều nên việc xin phép xây dựng phải tuân theo những quy định chặt chẽ. Cho đến nay, dù chưa có quy hoạch nhưng phần lớn diện tích đất cả thổ cư lẫn đất nông nghiệp nơi đây đã được xây nhà ở cao tầng.

Khi tìm hiểu vì sao người dân lại có thể xây nhà không phép như vậy, ông phó chủ tịch phường một lần nữa thừa nhận, “Hầu hết người dân xây nhà không có giấy phép xây dựng vì thủ tục quá rườm rà, muốn xin cũng vướng. Số hộ xây dựng không phép lên đến trên 1,000 trường hợp, thuộc nhiều tổ dân phố. Ðến nay mới có duy nhất một trường hợp xin được thỏa thuận của các cơ quan chức năng để lấy giấy phép xây dựng.”

Cả ngàn nhà xây dựng không phép ở địa điểm nếu đê vỡ, có phải ảnh hưởng tới cả 4 triệu dân thành phố Hà Nội hay không? Và họ được để yên.

Người ta còn nhớ, năm 2007, rộ lên một loạt bài viết trên nhiều báo về tình trạng xây những tòa nhà cao tầng kiên cố làm chung cư, khách sạn ở Hà Nội hoặc không có giấy phép hoặc giấy phép ít nhưng xây dựng thêm 7, 8 tầng. Nhà cầm quyền các cấp đổ tội lẫn cho nhau khi tin tức bị xì ra.

Ngày 31 Tháng Giêng, 2007, Phạm Quang Nghị, bí thư Thành Ủy Hà Nội, mạnh miệng nói với báo Tuổi Trẻ rằng, “xây trái phép, chủ công trình thách thức chính quyền.” Nhưng hơn một tháng sau đó, ngày 9 Tháng Ba, 2007, báo Tiền phong cho hay, “Sau khi dư luận lên tiếng về những công trình xây dựng sai phép, không phép, chủ đầu tư tòa nhà 31 tầng tại số 91 Nguyễn Chí Thanh mới vội vã làm thủ tục xin cấp phép.”

Mà chủ đầu tư của tòa nhà chọc trời này là ai? Tờ Tiền Phong nói, “Dự án trị giá 330 tỷ đồng này có chủ đầu tư là một đơn vị thuộc Ban Tài Chính Quản Trị Thành Ủy. Tòa nhà M5 Nguyễn Chí Thanh là dự án xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ cao cấp của chủ đầu tư là Công ty Ðầu Tư Xây Lắp và Phát Triển Nhà (một đơn vị thuộc Ban Tài Chính Quản Trị Thành Ủy Hà Nội).”

Ðây là tòa nhà được mô tả là “rất ăn khách” và nằm ở “con đường đẹp nhất Việt Nam.” “Dù phải đóng trước một khoản tiền lớn và sau 18-24 tháng nữa mới bàn giao nhà, nhưng hiện các căn hộ tại đây đã bán gần hết. Giá thấp nhất của một căn hộ trên 2 tỷ đồng.” Ai chen vào mua những căn hộ ở đây ngoài các cán bộ đảng viên có chức có quyền? Và ai dám xây “không phép” ở ngay giữa Hà Nội?

Báo Thanh Niên ngày 25 Tháng Tám, 2003 viết về tình trạng xây nhà ở Hà Nội là “nhà không phép mọc nhanh như nấm.” Chỉ trong 7 tháng đầu năm, hơn 3,200 vụ xây nhà không phép và 180 vụ nhà xây sai phép. Tờ Thanh Niên nói, “Việc xử lý không phải dễ là bởi vì hồ sơ sai phạm khi lên đến Sở Xây Dựng thì ‘gạo đã thành cơm.’”

Ngày 18 Tháng Giêng, 2009, báo Dân Trí cho biết theo báo cáo của Bộ Xây Dựng, năm 2008, số chủ đầu tư xin giấy phép xây dựng đã gia tăng nhưng “tỉ lệ xây dựng không phép vẫn còn cao, chiếm gần 15%.”

Báo Hà Nội Mới ngày 7 Tháng Giêng, 2010 viết bài, “Tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên đỉnh núi Chẽ (huyện Mỹ Ðức): Không ai được phép coi thường kỷ cương.”

Thánh Giá trên núi không liên quan đến an nguy của ai thì đụng chạm đến “kỷ cương” bị đặt chất nổ phá hủy, còn hàng ngàn nhà trên đê xây dựng không phép, tòa nhà của Thành Ủy Hà Nội xây bán kiếm tiền thì không đụng “kỷ cương”?

Có đến 13 triệu vụ việc liên quan đến “nhà không phép” ở Việt Nam mà bất cứ ai vào mạng 'google' tìm kiếm có thể mở ra để đọc. Thí dụ 1,200 căn nhà xây không phép trên đê ở gần Qui Nhơn; 11,000 nhà không phép ở Sài Gòn; hàng trăm căn nhà không phép xây trên đê ở Bắc Ninh; và nhiều địa phương khác nữa."


(Nguoi Viet, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=107065&z=1)


Mời đọc thêm:

Xô xát vì thánh giá ở Đồng Chiêm
http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/6191051

Cảnh sát Việt Nam ngăn chặn ký giả tới Giáo xứ Ðồng Chiêm http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/6216621

Vụ giáo xứ Ðồng Chiêm: Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội lên tiếng
http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/6217191

Đồng Chiêm: chuyến đi không thành
http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/6472691

Quân đội và công an phong tỏa Giáo xứ Đồng Chiêm
http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/6473071

Nhà xây không phép và Thánh Giá Ðồng Chiêm
http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/6676641

Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/6676641

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến