Thứ Năm, 14 tháng 1, 2010

Cầu Cần Thơ, định vị tầm cao mới


Bài và ảnh: Vũ Thống Nhất



Năm mới, Cầu Cần Thơ chính là nốt son khiến đường đi của đất đồng bằng thêm mới và “sáng” hơn.




Cận kề ngày hội lớn


Ngày 10/1/2010, trong đoàn cán bộ của Quận Cái Răng tham quan cầu Cần Thơ có hai người nguyên là Bí Thư Tỉnh uỷ Cần Thơ (ông Lư Văn Điền – Tám Thanh và ông Lê Nam Giới – Năm Giới); những người từng dự hàng chục cuộc họp liên quan đến sự hình thành cầu Cần Thơ hôm nay. Các ông đi phà sang Vĩnh Long rồi lên mặt cầu chính lội bộ ngược về hướng Cần Thơ. Hai ông từng có mặt trong hàng chục cuộc họp liên quan đến cây cầu này và trăn trở cùng nó. Đứng giữa nơi cao nhất trên mặt cầu Cần Thơ, hai ông phấn khởi nói với những người xung quanh: Cơ bản xong hết rồi. Mừng quá, mừng cho Cần Thơ và cả đồng bằng châu thổ. Bao năm trông đợi rồi. Cách đó không xa, ông Chín Khương, cán bộ lão thành cách mạng mắt cũng ngời sáng, tay nắm chặt người quen đọc nguyên bài thơ ông viết đầy cảm xúc và hy vọng về sự bật dậy cả vùng đất từ công trình thế kỷ, cầu Cần Thơ, điểm cầu trọng yếu cuối cùng suốt dải thiên lý Bắc Nam.



CauCanTho_OK


Cầu Cần Thơ vào những ngày đầu năm 2010


Đẹp, đẹp đến ngỡ ngàng. Nhìn xa, cầu Cần Thơ có những đoạn võng nhẹ nhàng. Đứng ngay dưới chân cầu chính, phải ngước lên mới thấy trụ và những dây văng màu cam đan như dệt trên nền trời xanh. Trụ có hình chữ Y ngược và hai chân khép vào để thu hẹp diện tích bệ trụ nên mang nét đẹp rất thanh thoát, không như hình chữ H xoạc cẳng, có biểu tượng như hai bàn tay chắp lại vái lên trời với tâm linh của người Á Đông. Khoảng cách hai bờ sông Hậu lớn hơn sông Tiền khiến cây cầu vừa “trải dài ” ra, vừa cao hơn làm cầu Cần Thơ kỳ vỹ hơn, đẹp hơn.


TAM CAO MOI - TN_tn

Tầm cao mới


Hôm nay là Chủ nhật nhưng những người thợ không nghỉ. Trên cầu, chiếc xe chuyên dụng chạy đi chạy lại liên tục; gần hai mươi công nhân Philippin đang siết chặt những con ốc lan can thành cầu. Mấy công nhân Việt Nam đang hoàn chỉnh những cống thoát nước dọc hai bên mặt cầu cười tươi cho biết các anh đã “bám” công trình này được 6 tháng, trước đó làm cho công trình Đại lộ Đông Tây trên TP. Hồ Chí Minh…


NHUNG NGUOI THO PHILIPPIN DANG RAP LAN CAN CAU - ANH TN_tn


Những người thợ Phi-lip-pin đang ráp lan can cầu


Lội xuống dưới chân cầu chính, nhảy lên xe đi ngược theo đường dẫn về tận điểm cuối cùng nối vào QLI (KV1 phường Ba Láng quận Cái Răng) chân “không chạm đất”. Toàn tuyến đường dẫn phía Cần Thơ dài hơn 7 cây số với 6 cây cầu qua kênh Cái Tắc, Cái Da, Ấp Mỹ, Cái Nai, sông Cái Răng và vượt QL 91B đã cơ bản thông xe. Hình hài trạm thu phí đã hiện rõ. Xe ủi, xe lăn…vẫn ầm ầm chuyển động cho những công việc cuối cùng. Giữa cái nắng tháng giêng, bốn năm công nhân ngồi hàng ngang trên mặt lộ dùng bàn chải sắt cọ từng mét đường, “ đã xong lớp 1, chải sạch thì đổ lớp thứ hai nhựa mới bám chặt”. Để đảm bảo chất lượng, họ phải làm như vậy đó. Bên phía Vĩnh Long, cầu chính đã hoàn thành, một đoạn tôn lớn chắn ngang đường lên. Công việc cho phần đường dẫn có phần “êm ả” hơn phía Cần Thơ. Mới cách đây hơn 2 tháng “Gói thầu thứ 3” (đường dẫn phía Cần Thơ) là nỗi lo nhất của toàn bộ công trình nhưng đến những ngày đầu năm dương lịch này đã đạt được trên 95%. Ngày hội lớn (cuối tháng 3/2010) sẽ đúng hẹn với bạn bè gần xa, cận kề lắm rồi!



PHUT GIAI LAO CUA NHUNG NGUOI THO CAU - TN_tn


Phút thư giãn của những người thợ cầu





Én nhạn đã hiệp đôi


Ngày hôm trước con gái lên thành phố phụng phịu điện về “ Phải đợi hơn 1 tiếng rưỡi mới qua được phà, con mệt lắm…”. Sáng ra cô phát thanh viên Đài PTTH Cần Thơ đọc bản tin phà Cần Thơ kẹt hàng trăm xe hai đầu hàng giờ liền, Giám đốc cụm phà Cần Thơ Phan Quang Dự giải thích do 2 chiếc phà bị hư, chỉ còn 7 chiếc phà 200T và 5 phà 100T phục vụ. “Nút cổ chai phà Cần Thơ”, nỗi ám ảnh người châu thổ không chỉ mỗi khi xuân về Tết đến.


TREN CAU CAN THO - TN_tn


Trên cầu Cần Thơ


Tôi tụt dép, thả bộ, áp từng bước chân trên mặt cầu Cần Thơ. Vây là chỉ còn mấy chục ngày nữa thôi qua sông không phải luỵ đò; là khát vọng cồn cào của Cần Thơ và đồng bằng sẽ thành hiện thực. Nhìn từ độ cao hơn 100m so mặt nước, Cần Thơ rộng dài, đẹp hơn rất nhiều. Cảng Cái Cui, nơi đón nhận và vận chuyển toàn bộ dầm hộp thép cho ngày hợp long vừa rồi nằm kề sông lớn, ngay trước mặt. Xóm Chài, cồn Ấu xanh rì cây trái, kênh rạch quấn quít len lỏi bên những cá vuông vức liền nhau dưới mặt cầu, ghe thuyền vẫn ngược xuôi nơi ngã ba sông…


Chầm chậm mà đi để cảm nhận những nỗ lực vượt bậc của những người thợ; tình cảm, quyết tâm của cả nước đối với Cần Thơ và cả vùng châu thổ ắp đầy phù sa nhưng vẫn còn nhiều trăn trở, thách thức này. “Cửa” đã mở toang cho tiểu vùng Tây sông Hậu (gồm 7 tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau), nơi sản xuất hàng hoá quan trọng của ĐBSCL, hàng năm sản xuất trên 11 triệu tấn lúa, chiếm 54,1% tổng sản lượng lúa và gần 1 triệu tấn thuỷ sản, chiếm 52,4 % sản lượng thuỷ sản cả vùng. Năm 2004, một thống kê cho thấy mỗi ngày bình quân có 3.500 lượt ôtô, 7.000 môtô, hơn 20.000 hành khách qua phà Cần Thơ. Theo ước tính của các chuyên gia, một chuyến vượt sông Hậu qua cầu Cần Thơ của mỗi ô tô sẽ tiết kiệm chi phí vận hành khoảng 20.400 đồng, giảm mất mát giá trị hàng hóa 12.394 đồng, rút ngắn thời gian so với đi phà khoảng 32 phút… Như vậy, nếu tính lượng khách và phương tiện qua phà tăng trung bình 15%/năm thì đến năm 2008 mỗi ngày tiết kiệm hàng trăm triệu đồng. Vào thời điểm hiện nay con số đó đã vượt xa rất nhiều: mỗi ngày phà Cần Thơ đưa đón khoảng 7.400 ôtô, 27.000 môtô, 45.000 người (ngày Tết: 10.000 ôtô/ngày; 40.000 đến 42.000 môtô/ngày; 70.000 đến 80.000 người/ngày).


Hôm nay, dưới chân cầu chính (Vĩnh Long), ngay xã Mỹ Hoà đầy nước mắt cùng những bước chạy sấp ngửa tìm chồng tìm con hơn ba năm trước có những đứa trẻ đang nô đùa và các cặp tình nhân hẹn nhau về chụp hình kỷ niệm. Người đàn ông nhỏ bé 72 tuổi tên Phan Thanh Dũng nhà ngay Thị trấn Cái Vồn nói hầu như ngày nào cũng lang thang ra đây để ngắm nhìn điều mình mơ ước từ hồi còn khói lửa cuộc chiến. Ông nguyên là Đại uý – Cố vấn cho Quận trưởng Bình Minh, chuyên vạch kế hoạch bảo vệ phà Cần Thơ và tuyến Quốc lộ 4 (QLI nay) chạy qua địa bàn. Ngày giải phóng, tuyến phà này được bàn giao cho lực lượng giải phóng không một tiếng súng ông cũng góp phần trong đó. Tài công Nguyễn Văn Kiếm (sanh 1922), chạy phà Cần Thơ suốt “Ba trào” Pháp, Mỹ và Cách mạng có lẽ là nhân chứng trực tiếp hiếm hoi còn sót lại trong số người cùng thời được chứng kiến “giấc mơ đồng bằng”, khánh thành cầu Cần Thơ. Nghỉ hưu rồi nhưng khi khoẻ ông vẫn lội ra bến cho đỡ nhớ. “ Cái thủa đốt đèn măng sông hai đầu bến, quay tời bàn xoay 4 cánh… như chưa xa. Chỉ có “đằng mình” mới làm được điều kỳ diệu này. Cầu xong nhưng cố gắng lo cho đám thuỷ thủ có chỗ ăn chỗ làm vì cả đời họ chỉ gắn bó với chiếc phà”.


TRAM THU PHI DANG VAO GIAI DOAN CUOI - TN_tn


Trạm thu phí cầu Cần Thơ đang vào giai đoạn cuối


Nhẫn, công tác ở Đài Truyền Thanh quận Cái Răng nói cây cầu sẽ làm nơi đây thay đổi nhanh lắm. “Cầu Cần Thơ, bên này, kể cả đường dẫn hầu như nằm trọn trong quận. Đã có hẳn Nghị quyết của cấp uỷ về những việc phải làm để thúc đẩy kinh tế-văn hoá-xã hội-du lịch sau khi có cầu Cần Thơ”. Giá đất hai bên bờ , khu dân cư Bình Minh và Nam Cần Thơ, ngay dưới chân cầu vụt tăng mạnh. Cây cầu dài nhất (15,85 km, kể cả đường dẫn), hiện đại nhất ĐBSCL, và cũng là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á này sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách trong ngoài nước. Chuẩn bị cho sự kiện khánh thành cầu Cần Thơ Công ty CP Du lịch Cần Thơ nhanh nhạy “trình làng” ba tour chuyên đề đi thuyền trên sông Hậu ngắm cầu khi bình minh lên và khi đêm xuống với hội hoa đăng, thưởng thức tiệc buffet, gặp gỡ khách thương hồ, hò, đờn ca tài tử… Một số cơ quan truyền thông văn hoá đã có những dự án về “cây cầu trăm năm”, một phần không thể thiếu của lịch sử đất Nam bộ…


Bên dòng Cửu Long, chiếc hài đã có đôi (cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ). Có người ví von “Én nhạn đã hiệp đôi” bởi cái tích rút từ bản “Dạ cổ hoài lang” của cụ Cao Văn Lầu mới đúng cái chất đồng bằng, mới lắng đọng tâm thức người châu thổ. Nhưng có điều chắc chắn là năm mới, đường đi cho đồng bằng cũng mới và “sáng” lắm. Cầu Cần Thơ đã định vị cho mảnh đất trung tâm châu thổ một vị thế mới, tầm cao mới, năng động, hiện đại, hoà nhập nhanh hơn với cả nước và bạn bè quốc tế./.


Xem đầy đủ bài viết tại http://www.metinfo.vn/blog/?p=5052

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến