" Muốn biết ở Việt Nam ăn uống có an toàn không, phải nghe ông Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải phán.
Ngày 13 Tháng Giêng, 2010, ông Hải cầm đầu phái đoàn công tác của nhà cầm quyền trung ương tới Ðà Nẵng “làm việc với lãnh đạo UBND” địa phương để “kiểm tra tình hình thực hiện chỉ thị 2008/CT/TTg về tăng cường và thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bình ổn thị trường và phục vụ Tết Nguyên Ðán Canh Dần 2010.”
Theo báo điện tử VietnamNet, sau khi nghe báo cáo của Phó Cục Trưởng Cục An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm (ATVSTP) Nguyễn Thanh Phong, ông Hải thốt lên, “Tôi phải ăn kiêng nên chủ yếu ăn rau. Nhưng về nhà vợ bảo rau toàn là thuốc trừ sâu. Rốt cuộc mình không biết ăn gì cho an toàn. Ðĩa rau sống mà phải ngâm thuốc tím cả giờ đồng hồ thì nát hết rồi, còn gì ngon lành nữa.”
Không mấy ngày, người ta không thấy báo chí ở Việt Nam phát hiện những vụ sản xuất hay buôn bán các loại thực phẩm được chế biến bằng hóa chất độc hại hay sản xuất trong những điều kiện mất vệ sinh hoàn toàn.
Trồng các loại rau đậu, người ta bón và giúp chúng tăng trưởng nhanh với những loại hóa chất gây bệnh ung thư. Chống sâu bọ, người ta cũng xịt các loại hóa chất độc hại bị cấm vì gây ưng thư.
Nuôi cá, người ta cũng cho chúng ăn với các loại thực phẩm trộn thuốc (chống bệnh cho cá) có chất gây ung thư.
Ngày 13 Tháng Giêng, 2010, báo Người Lao Ðộng nói công nhân của một nhà sản xuất hạt dưa ở huyện Cam Lâm tỉnh Khánh Hòa xác nhận họ trộn nhớt thải (xe hơi) vào hạt dưa để tăng độ bóng, cho đẹp.
Hồi tháng trước, báo chí ở Việt Nam ồn lên vì một số cửa hàng bán hạt dưa có chất rhodamine gây ung thư. Ða số hạt dưa người Việt Nam ăn trong các dịp lễ tết hoặc dung để sản xuất bánh trái đều đến từ Trung Quốc.
Tháng Mười Một và mấy tháng trước đó, báo điện tử VNExpress và một số nguồn tin khác đưa ký sự về những lò sản xuất bì lợn (heo) hay mỡ nước thật kinh hoàng.
Bì heo, mỡ tảng thu gom ở các buổi chợ bán ế đã thối rữa, được tập trung và ngâm trong hóa chất độc hại ở những môi trường sản xuất bẩn thỉu, đầy ruồi bọ. Sau công đoạn tẩy rửa và biến chế, chúng trở thành “đặc sản” bán cho người tiêu thụ. Sài gòn, Huế, Hải Phòng, nhiều nơi khác có các “đặc sản” này cung ứng.
Trong mấy ngày qua, dư luận ở Việt Nam đang xôn xao về một loại “trứng gà” Trung quốc chỉ giá khoảng 100 đồng trong khi giá trứng gà Việt Nam phải bán với giá trên dưới 2000 đồng một quả.
Thật ra, đây là một loại trứng gà “giả” sản xuất bằng nhiều loại bột và hóa chất theo một công thức mà nếu khéo tay và nhuần nhuyễn, khó phân biệt bằng mắt là trứng giả hay trứng thật.
Phần lớn các loại hàng giả, hàng nhái ở Việt Nam, từ vải vóc, đồ điện tử, đến thực phẩm đều xuất xứ từ Trung Quốc. Chúng được buôn lậu xuyên qua biên giới dài hơn ngàn cây số với Trung Quốc.
Thành phần của trứng gà giả Trung Quốc gồm nước, carbonat calci, tinh bột, nhựa, chất keo (gelatin) phèn, phẩm màu và một số hóa chất khác. Chúng ở dạng bột, cứ theo công thức được chỉ dẫn mà chế là thành quả trứng giả.
Trứng gà giả mà người Trung Quốc làm đã xuất hiện từ hơn chục năm nay. Ngay từ năm 2005, ở Việt Nam đã rộ lên những lời báo động là ăn trứng giả có thể ngộ độc chết người, hay ít nhất cũng làm cho hỏng bộ não, đặc biệt trẻ em. Vào năm này, người ta đã thấy trứng gà giả nhập lậu qua ngả Quảng Ninh để tiêu thụ ở Việt Nam.
Trước những báo động ở ngay Trung Quốc, nhà cầm quyền nhiều tỉnh đã tổ chức những đợt kiểm soát đặc biệt để truy tìm những kẻ làm trứng giả. Dù vậy, trên Internet, có hàng trăm websites quảng cáo bằng tiếng Hoa cho những lớp dạy làm trứng giả cũng như bán các loại bột để làm trứng giả với chỉ dẫn và dụng cụ cho những ai muốn tự học.
Ngày 16 Tháng Mười Hai, 2009, nhà cầm quyền thị trấn Tây Ninh (tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc) đã mở chiến dịch kiểm soát toàn thành phố để bắt kẻ bán cũng như sản xuất trứng giả. Nhưng họ không bắt được ai.
Nhà cầm quyền tỉnh Hồ Nam loan báo thưởng 1,000 nhân dân tệ cho ai đem đến cho chính phủ một quả trứng gà giả. Nhưng không ai tới.
Theo một bài báo trên netease.com, trứng gà giả rất phổ biến ở Trung Quốc. Một người khéo tay có thể sản xuất từ 1,500 đến 2,000 quả trứng giả mỗi ngày, kiếm lời khoảng 70 nhân dân tệ. Một người nông dân nghèo khổ, nếu kiếm được số tiền này, là khá lớn.
Năm 2004, Cục Công Thương thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) bắt giữ một nhà sản xuất trứng gà giả với 10 ngàn quả trứng.
Hồi Tháng Năm, 2009, tờ báo Nông Thôn ở Việt Nam báo động, sau khi một số người mua nhằm trứng gà giả, những hàng quán bán trứng gà thật ở các chợ Cần Thơ đã ế hàng, bán lỗ vốn, gây thiệt hại kinh tế.
Theo một bài viết trên tờ Tuổi Trẻ (dùng tài liệu của Cảnh Báo và Baidu.com của Trung Quốc) có 7 cách để phân biệt trứng gà thật giả như sau:
1. Trứng gà giả nặng gấp đôi trứng gà thật.
2. Màu của vỏ trứng giả sậm hơn.
3. Vỏ trứng giả thô ráp và sần sùi hơn.
4. Trứng giả khi đưa lên lắc sẽ nghe tiếng.
5. Lòng đỏ trứng giả sẽ hòa tan vào lòng trắng sau khi được lấy ra khỏi vỏ.
6. Trứng giả khi ngửi sẽ thấy mùi tanh.
7. Khi phơi dưới ánh nắng mặt trời lòng đỏ trứng giả sẽ tan ra.
Ngay như ông phó thủ tướng CSVN là người có quyền, có tiền mà thắc mắc không biết ăn gì cho an toàn, đại đa số người cùng khổ trong xã hội chắc không có cơ hội thắc mắc như ông.".
(Nguoi Viet, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=106978&z=157)
Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/6608661
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét