Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2010

Ngày Hoàng Sa tại Little Saigon

Đọc báo thấy tin này đáng chú ý, liên hệ tới Việt Nam quê hương một thời của tôi, xin chép lại để mai mốt đọc lại kỹ hơn.

" WESTMINSTER (NV) - Dưới bầu trời âm u, Ngày Hoàng Sa do Hội Hải Quân Cửu Long và các cựu quân nhân QLVNCH tổ chức để tưởng niệm các chiến sĩ Hải Quân VNCH đã hy sinh và vinh danh các chiến sĩ đã tham gia trận hải chiến với Hải Quân Trung Quốc vào ngày 19 Tháng Giêng, năm 1974, diễn ra thật trọng thể với cả ngàn người tham dự suốt từ lúc 12 giờ trưa Chủ Nhật cho đến hơn 4 giờ chiều tại hai địa điểm trong khu vực Civic Center thành phố Westminster.

Vào lúc 12 giờ, tại phòng hội của thành phố đã có đến khoảng 500 đồng hương và cựu quân nhân QLVNCH đến tham dự buổi triển lãm các chiến hạm của Hải Quân VNCH trước năm 1975, và buổi thuyết trình về chủ quyền của Việt Nam do Giáo Sư Nguyễn Văn Canh phụ trách. Cuộc triển lãm thu hút nhiều người đến tham dự. Nhiều loại tàu của Hải Quân VNCH đã được trình bày, từ các chiến đỉnh trong sông ngòi cho đến các khu trục hạm, hộ tống hạm, dương vận hạm được thiết trí nhỏ lại và đúng như khi còn hoạt động trong chiến tranh VN. Ðặc biệt, trong phòng thuyết trình còn có chiến hạm HQ.10, hình ảnh anh dũng trong cuộc hải chiến với Hải Quân Trung Quốc của Hải Quân VNCH vào Tháng Giêng 1974.

Trước khi vào buổi thuyết trình, ban tổ chức đã mời Ðề Ðốc Trần Văn Chơn, một trong những cựu tư lệnh Hải Quân VNCH và Giáo Sư Nguyễn Văn Canh trao cờ và gươm báu cho hai đại diện thế hệ trẻ để mong các thế hệ trẻ tiếp nối sự nghiệp giữ nước của cha anh.

Trong phần thuyết trình, Giáo Sư Nguyễn Văn Canh, nguyên giáo sư chính trị học tại các đại học ở miền Nam trước năm 1975, và là thành viên Viện Nghiên Cứu Ðông Nam Á của Ðại Học Stanford sau 1975, chứng minh chủ quyền của VN trên các đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ nhiều thế kỷ trước qua hàng chục các tấm bản đồ cổ của Hòa Lan, Tây Ban Nha, Pháp, Ý và triều Nguyễn. Tất cả những chứng liệu ấy đều không có một dấu chỉ nào về thẩm quyền của Trung Hoa.

Vào lúc 2 giờ chiều, tại Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt Mỹ, một đoàn xe mô tô của Hội Vietnamese Harley Club cùng hơn 10 chiếc xe Jeep của QLVNCH trước đây và một chiếc Truck lớn với biểu ngữ “Hoàng Sa & Trường Sa là của VN, chúng tôi sẽ quyết lấy lại,” bắt đầu xuất phát cuộc hành trình trong các con đường của Little Saigon để nhắc nhở đồng hương về Ngày Hoàng Sa, ngày biểu tượng của tinh thần Diên Hồng chống ngoại xâm gìn giữ đất Tổ.

Khi đoàn xe quay về, buổi lễ được cử hành với sự chủ tọa của Ðề Ðốc Trần Văn Chơn. Dưới làn mưa lấm tấm như những giọt nước mắt tiếc thương đổ xuống, cựu Ðề Ðốc Trần Văn Chơn nhấn mạnh, “Hải Quân VNCH trong 22 năm hiện diện trong cuộc chiến VN đã hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Tuy rằng sự tổ chức Hải Quân VNCH không dự kiến chiến đấu với nước ngoài nhưng kẻ cướp đến nhà là phải tận diệt.” Lời phát biểu của vị cựu tướng lãnh Hải Quân đã được toàn thể người tham dự vỗ tay vang dội.

Sau lời phát biểu của vị chủ tọa, lễ Truy Ðiệu 15 sĩ quan Hải Quân và 47 hạ sĩ quan , thủy thủ được cử hành trọng thể với nghi thức Quân Kỳ Rũ do vị chủ tọa chủ lễ. Tiếp đó là ban Tế của Hội Ðền Hùng cử hành những nghi thức tế lễ cổ truyền với chiêng trống và đọc điếu văn.

Ngay sau lễ Truy Ðiệu, các chiến sĩ Hải Quân còn sống sót sau trận hải chiến đang có mặt tại Little Saigon được ban tổ chức mời lên để vinh danh tất cả bằng những Vòng Hoa Chiến Thắng.

Dưới chân Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt Mỹ, dưới những giọt mưa lâm thâm, ai nấy đều bùi ngùi tưởng nhớ đến sự hy sinh vì nghĩa cả của những người lính VNCH, nên dù trời có mưa nhưng hầu như không có một ai ra về, vẫn đứng gần kín khuôn viên Tự Do trước Tượng Ðài.

Sau những nghi thức trong lễ Truy Ðiệu và Vinh Danh Các Chiến Sĩ Hải Quân trong cuộc hải chiến Hoàng Sa với Hải Quân Trung Cộng, một chương trình văn nghệ đấu tranh đã được ban Tù Ca Xuân Ðiềm cùng với các ca sĩ của Trung Tâm Asia phối hợp trình diễn những bài ca bốc lửa chiến đấu."


(Nguoi Viet, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=107035&z=1)

Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/6616821

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến