Thứ Ba, 20 tháng 10, 2009

Giữ lấy “mùa nước nổi”

Đọc báo thấy baà này đáng chú ý liên hệ tới Việt Nam, quê hương một thời của tôi, xin chép lại để mai mốt đọc lại kỹ hơn.

“Phóng sự của Thiên Thư/ Người Việt

Từ khi khai hoang lập ấp, cư dân vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long đã sống hòa thuận với thiên nhiên, dễ dàng mưu sinh trong mùa nước nổi. Mùa nước nổi là mùa tôm cá và phù sa theo con nước sông Mê Kông tràn về đem lại sự phì nhiêu cho vùng châu thổ sông Cửu Long. Nhưng nay, nguồn lợi của thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, người dân vùng nước nổi kiếm sống khó khăn hơn trước. Trong khi đó, đất trong vùng đê bao thì đang chai bạc theo lúa vụ 3.

Ðã bước sang Tháng Mười Âm lịch, tôi đi một vòng từ Tiền Giang đến Vĩnh Long qua Cần Thơ rồi xuôi qua Ðồng Tháp nhưng chẳng thấy mùa nước nổi của tôi đâu! Ngược dòng sông Hậu qua các huyện Châu Thành, Châu Phú rồi đến Châu Ðốc, An Giang, chỉ thấy lúa và lúa. Hỏi thăm thì bà con nông dân ở đây nuối tiếc: “Giờ mà đi tìm mùa nước nổi thì đỏ con mắt! Hồi trước chỉ có huyện Chợ Mới làm đê bao ngăn lũ để sản xuất lúa vụ 3, bây giờ đâu đâu người ta cũng rộ lên phong trào làm đê bao. Nước làm sao mà vô đồng nổi!”

Năm 1995, huyện Chợ Mới cho xây dựng đê bao ngăn lũ, từ đây phong trào làm đê bao ngăn lũ triệt lan rộng khắp các tỉnh Ðồng Bằng Sông Cửu Long (ÐBSCL). Và trong suốt thời gian đó đến nay, những điều được và mất từ cái đê bao ấy luôn được các nhà khoa học đem ra bàn thảo, cảnh báo. Nhưng với cái lợi trước mắt, nhờ đê bao ngăn lũ nên người dân có điều kiện triệt để đất canh tác, lúa trồng 3 vụ mỗi năm, rau màu trồng 6-7 vụ/năm khiến cho đất đai bị khai thác cạn kiệt, độ màu mỡ không còn do nhiều năm liền không xả lũ, phù sa không thể bồi đắp đồng ruộng, đó là chưa tính đến mức độ nhiễm độc của đất từ việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học liên tục.

Nhưng vì cái lợi trước mắt, vì chạy theo con số “tổng sản lượng lương thực” mà đê bao được đắp nhiều hơn, đất đai bị vắt kiệt. Người nông dân thì nhắm mắt cúi đầu ngậm trái đắng tin rằng mình trồng lúa sẽ được thu mua với giá cao, với cam kết người nông dân sẽ có lời 30-40%. Lợi nhuận nông dân chưa thấy đâu, chỉ thấy điệp khúc “được mùa mất giá” năm nào cũng tái diễn. Trái tai hơn khi ông Nguyễn Thọ Trí, phó chủ tịch Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam phát biểu rằng: “Lợi ích nông dân càng cao càng tốt, nhưng nếu cao quá lại ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng...” Té ra chỉ số giá tiêu dùng tăng không phải do chính sách kích cầu, bơm tiền vào các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, hay chít tiền hồi sinh cho thị trường chứng khoán lúc sắp chạm đáy... mà do nông dân mà ra. Té ra hiệp hội lương thực đã ghìm giá lúa...

Tôi tiếp tục hành trình đi tìm mùa nước nổi như đi tìm ký ức của tuổi thơ, dù chỉ vài năm trôi qua thôi, dù tôi vẫn quanh quẩn nơi đây, nhưng sao mọi thứ bị mất đi nhanh quá! Lướt qua những cánh đồng mà 4 năm trước cũng vào thời điểm này tôi đang tung tăng chèo xuồng cùng mấy đứa em đi hái bông điên điển. Còn bây giờ, cũng ngay cánh đồng này người ta đang xịt thuốc cho đám lúa chưa đầy 20 ngày tuổi.

Nuôi chút hy vọng, tôi men theo con kênh Vĩnh Tế nước trắng ngập đồng. Một biển nước mênh mông hiện ra trước mắt tôi. Trên đồng, dày đặc những đăng, dớn cá, những cọc tre đặt lợp cua. Anh Trần Trọng Nghĩa, một người săn cá linh chuyên nghiệp vui vẻ chỉ cho chúng tôi cái dớn dài hơn 500 mét đặt xuyên qua cánh đồng ngập nước và cho biết: “Nếu đồng êm, trời lặng, cá chạy khá nhiều. Chỉ một lần thăm, kiếm được 15 kg cá, trong đó cũng 12-13kg cá linh”. Với mỗi ký cá linh có giá từ mười tám đến hai mươi ngàn đồng như hiện nay thì mỗi ngày anh Nghĩa kiếm được hơn hai trăm ngàn.

Anh Nghĩa cho biết “So với mấy năm trước, cá linh năm nay giảm rất nhiều. Người đi bắt thì nhiều mà cá ngày càng giảm!”

Không phải ai cũng có vốn mua lưới, thuê ruộng để đặt dớn, giăng lưới như gia đình anh Nghĩa. Nhiều gia đình nghèo chỉ có mỗi chiếc xuồng là tài sản có giá trị đã men theo các bờ ruộng để hái bông điên điển và bông súng, thu nhập mỗi ngày cũng vài chục ngàn đồng. Bông điên điển và bông súng được xem là món quà thiên nhiên ban tặng người dân vùng mùa nước nổi. Chỉ mùa nước nổi dâng lên, những mầm bông mới nhô lên, nước càng lên, thân bông súng càng dài, càng mềm múp mụp. Xưa nó là món của dân nghèo, nay thì trở thành đặc sản. Nghe tôi nói bông điên điển ngoài chợ lớn có giá cao thì bà con ở đây lắc đầu: “Mình hái cực nhưng bán giá thấp lắm! Phần lời thuộc về cánh bạn hàng buôn đi bán lại!”

Xa xa trên cánh đồng, nắng đỏ hực thế mà trời rồi bỗng mưa rào, những chiếc xuồng thả côn vẫn lừ đừ lướt nhẹ trên cánh đồng. Một bác làm nghề thả côn gần chục năm cho biết: “Người thả côn không chỉ tinh mắt, nhanh tay mà con phải thính để nhận biết có con cá lóc không, hay cá gì khác. Cá lóc bơi đụng côn sẽ dội lên âm thanh, nước sủi tăm thì phải nhanh chân lao xuống nước nơm gọn con cá lóc!” Ðội nắng, tắm mưa nhưng bà con làm nghề thả côn chẳng ngại vì theo họ mỗi năm chỉ có một mùa nước nổi.

Chiều xuống, trẻ con vùng nước nổi này kết những cây chuối thành từng bè rồi ôm lội đạp tủm tủm trên ruộng sau một ngày dang nắng trên ruộng giăng lưới, câu cá. Tắm xong, gia đình lại quây quần bên mâm cơm chiều với món canh chua cá linh nấu với bông súng và bông điên điển, càng ăn càng thấy da diết.

“Canh chua điên điển cá linh

Ăn chỉ một mình thì chẳng biết ngon.”


Giờ tôi mới hiểu, vì sao mỗi khi mùa nước lên ngoại đều tranh thủ dịp cuối tuần để dắt tôi về thăm họ hàng ở vùng nước nổi, cho tôi bơi xuồng ra đồng cùng anh chị em giăng câu thả lưới, cho tôi thấy được giá trị của sức lao động, dạy tôi rằng sống phải biết yêu con người và yêu thiên nhiên... Mùa nước nổi không chỉ tắm mát tâm hồn tôi, tắm mát ruộng đồng quê tôi mà nó còn bồi đắp phù sa và biết bao giá trị văn hóa khác. Xin hãy gìn giữ mùa nước nổi quê tôi.”


((Người Việt, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=102917&z=1)

Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/4441435

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến