Hà Tiên, vùng đất cuối cùng của Tổ quốc về hướng Tây Nam. Nói đến Hà Tiên, chúng ta cần phải nghĩ đó là vùng đất bao gồm thị xã Hà Tiên và huyện Kiên Lương thuộc tỉnh Kiên Giang hiện nay, bởi nó là một phần đất liền và một số đảo, quần đảo gần bờ thuộc tỉnh Hà Tiên xưa.
Từ Tp.Hồ Chí Minh về miền Tây, đi vào quốc lộ 80, qua Tp. Rạch Giá, huyện Hòn Đất, chúng ta sẽ đến vùng đất hiền hòa, thơ mộng, có nhiều cảnh đẹp, non nước hữu tình, từ lâu đã nổi tiếng là xứ thơ văn. Tương truyền rằng ngày xưa nơi đây tiên nữ thường xuất hiện nên có tên gọi là Hà Tiên.
Tiên nữ – Ảnh: Trường Vũ
Hà Tiên có nét độc đáo riêng mà không nơi nào có được, nơi đây thật yên bình lặng lẽ, không ra dáng một phố thị như trong suy nghĩ của mọi người khi chưa đặt chân đến chốn này. Cảnh quan thiên nhiên như còn hoang sơ với biển đảo, núi đồi, hang động, sông hồ… hòa quyện với nét uy nghiêm trầm mặc của các chứng tích lịch sử một thời vàng son oanh liệt vẫn còn in dấu. Suốt chiều dài của công cuộc khai phá, mở mang, bồi đắp và giữ gìn mảnh đất này, kể từ lúc khởi nghiệp của Khai Trấn- Thượng Trụ Quân- Đại Tướng Võ Nghị Công Mạc Cửu cho đến sau thời kỳ chiến tranh vệ quốc, đã gắn kết 3 dân tộc Việt- Hoa- Khmer hình thành sự giao thoa văn hóa đời sống trên nhiều mặt: kiến trúc, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, giao tiếp ứng xử, ẩm thực, tập tục cộng đồng làng xã…, để lại cho ngày nay một kho tàng vô giá những giá trị di sản văn hóa vật thể và cả văn hóa phi vật thể mà đỉnh cao là Tao đàn Chiêu Anh Các do Đại Đô Đốc trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tích chủ xướng và làm Tao đàn Nguyên soái.
Bức tranh xứ Hòn
Trên quan điểm của những người làm công tác du lịch, chúng tôi chỉ xin được trao đổi dưới góc độ là làm thế nào để đưa di sản văn hóa Hà Tiên phục vụ phát triển du lịch bền vững một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Thế nào là di sản văn hóa? Có thể hiểu nôm na là tất cả những thành tựu của mọi hoạt động sáng tạo trong đời sống xã hội bất kể là mang tính vật thể hay phi vật thể, hữu hình hay vô hình được sự sàng lọc, chọn lựa và chấp nhận của thời gian kết tụ lại trở thành di sản văn hóa.
Nghị quyết hội nghị TW lần thứ V khóa VIII chỉ rõ: “ Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Hết sức coi trọng bảo tồn, thừa kế, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (bác học, dân gian) văn hóa cách mạng bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể”.
Di sản văn hóa là vốn quí về nhiều mặt của đất nước, của dân tộc. Di sản văn hóa còn là tiềm lực kinh tế nếu nó được đặt vào đúng vị trí và được xem như là nguồn tài nguyên vô hạn trong việc sản xuất các sản phẩm du lịch tại địa bàn.
Bất cứ ngành kinh tế nào muốn phát triển được đều phải có những nguyên liệu cần thiết phục vụ các hoạt động của nó. Ngành du lịch cũng thế, muốn du lịch phát triển trước hết cần dựa trên nguồn nguyên liệu là di sản văn hóa và cảnh quan thiên nhiên: Đó là những công trình kiến trúc, là những danh lam thắng cảnh, là những bảo tàng lịch sử, văn hóa nghệ thuật, là những phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, những hoạt động văn hóa nghệ thuật độc đáo… cả những phẩm chất của các dân tộc được tích lũy lâu dài như tinh thần hòa bình, hữu nghị, hào hiệp, mến khách v.v…
Bãi sỏi Tiên Hải
Trên thế giới, từ lâu đã không còn xa lạ với vai trò quan trọng của di sản văn hóa trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội nói chung và phát triển du lịch nói riêng. Ngành du lịch Trung Quốc đã khai thác tốt Vạn lý Trường thành, Cổ cung- Thiên An Môn, suối nước Tây Thi giặt lụa, chùa Thiếu Lâm…, Campuchia với Đế Thiên Đế Thích; Thái Lan, Lào với đền đài, lăng tẩm, chùa chiền, các lễ hội tôn giáo; Pháp với tháp Eiffel, Khải Hoàn Môn; Tây Ban Nha với các công trình văn hóa nổi tiếng, các cuộc thi đấu bò tót, Ý với tháp nghiêng Pisa …
Tại Việt Nam, từ khi quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1993; Vịnh Hạ Long được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới năm 1994; tiếp đến năm 1999 Việt Nam có thêm hai di sản văn hóa thế giới là đô thị cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn; Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng được công nhận di sản thiên nhiên thế giới năm 2003; Nhã nhạc cung đình Huế và không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới vào năm 2004 và 2005 thì số lượng khách đến VN đã tăng một cách đột biến, hoạt động du lịch Việt Nam thêm phần khởi sắc thực sự bước vào hành trình phát triển với một diện mạo mới.
Tại một địa phương nghèo như Quảng Nam, do biết cách khai thác tốt các di sản văn hóa đưa vào phục vụ du lịch, tổ chức nhiều lễ hội du lịch với các chủ đề: “Hành trình di sản” hoặc “Một điểm đến hai di sản”; chương trình du lịch “ Con đường di sản miềnTrung” đã thu hút đông đảo lượng khách trong, ngoài nước và ngành du lịch cũng đã trưởng thành một cách nhanh chóng đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế văn hóa xã hội của tỉnh nhà.
Tuy nhiên khai thác tài nguyên di sản văn hóa cần hết sức quan tâm đến các vấn đề bảo vệ môi trường, trước hết là bảo vệ chính các di sản văn hóa đó và cảnh quan thiên nhiên bao quanh, chống lại sự tàn phá và lãng phí của con người đối với sự cân bằng sinh thái sẵn có. Có như thế thì di sản văn hóa mới là nguồn tài nguyên vô giá để phát triển du lịch bền vững.
Từ thực tế của các tỉnh phía Bắc cho chúng ta thấy tầm quan trọng của vấn đề sử dụng giá trị tài nguyên di sản văn hóa trong việc xây dựng sản phẩm du lịch, là một bài học để chúng ta vận dụng một cách có hiệu quả trong việc phát huy vai trò của di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch bền vững tại Hà Tiên.
Như chúng ta đã biết, Hà Tiên là địa phương có tiềm năng du lịch rất lớn, có tài nguyên du lịch là cả hệ thống những di sản thiên nhiên tuyệt vời, kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng thế nhưng hoạt động du lịch tại địa phương còn nhiều hạn chế. Toàn thị xã chỉ có 29 doanh nghiệp du lịch loại vừa và nhỏ, chủ yếu là các cơ sở lưu trú (trong đó chỉ có một khách sạn đạt chuẩn 2 sao) và 2 khu điểm du lịch. Có 246 lao động du lịch, số qua đào tạo chỉ đạt 37,8%. Mặc dù thời gian gần đây ngành du lịch Kiên Giang đã có nhiều quan tâm đến vùng đất xinh đẹp này, đã xây dựng nhiều dự án kêu gọi đầu tư, khai thác các sản phẩm du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch khám phá, du lịch tham quan di tích lịch sử, văn hóa và du lịch vui chơi giải trí, mua sắm; nhưng nhìn chung du lịch Hà Tiên chưa phát huy hết thế mạnh của mình, chưa xứng tầm với sự mong đợi của tỉnh Kiên Giang cũng như của ĐBSCL. Du lịch Hà Tiên ví như nàng công chúa còn ngủ say trong rừng đang chờ một hoàng tử đẹp trai đến đánh thức.
Biển chiều bà Lụa
Nhìn chung, việc khai thác, bảo tồn và sử dụng các giá trị di sản văn hóa để phát triển du lịch tại Hà Tiên tuy đã đạt được kết quả bước đầu nhưng vẫn còn bộc lộ một số yếu điểm:
- Cộng đồng cư dân và một bộ phận người làm công tác quản lý chưa quán triệt quan điểm xem giá trị di sản văn hóa truyền thống là nguồn lực để phát triển du lịch, phát triển KT-XH tại địa phương.
- Di sản văn hóa ở Hà Tiên rất phong phú nhưng chưa được khai thác đúng mức, sự liên kết chưa khoa học và thiếu tính hệ thống, chưa phát huy hết giá trị. Cả khu vực chỉ có vài khu điểm du lịch chủ yếu là khu du lịch Mũi Nai – Núi Đèn và điểm du lịch Núi đá Dựng – Thạch động, Hòn Chông.
- Nguồn vốn đầu tư vào du lịch Hà Tiên còn quá hạn chế, dẫn tới việc không đủ kinh phí cho công tác sưu tầm, tôn tạo, bảo tồn bảo tàng các di sản văn hóa và xây dựng nó thành sản phẩm du lịch.
- Lực lượng nhân sự làm công tác du lịch còn thiếu và yếu. Đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại các điểm du lịch còn rất hạn chế cả về ngoại ngữ lẫn kiến thức về di sản văn hóa.
- Vấn đề bảo vệ tài nguyên môi trường chưa được quan tâm, nhiều di sản tại các điểm du lịch bị du khách xâm hại, nhiều nơi bị ô nhiễm trầm trọng nhất là vào các dịp lễ hội …
- Du lịch Hà Tiên chỉ dừng lại ở phạm vi đơn thuần là sử dụng tài nguyên di sản thiên nhiên với các sản phẩm chủ yếu là biển đảo, hang động, núi non, các danh thắng … mà chưa tập trung đi sâu kết hợp với khai thác đồng bộ các giá trị tài nguyên di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo của địa phương mình một cách hài hòa, khoa học và đúng hướng.
Cảnh đẹp Đông Hồ
Để đưa di sản văn hóa Hà Tiên phục vụ phát triển du lịch bền vững cũng có nghĩa là làm sao để biến giá trị tài nguyên di sản văn hóa này thành các sản phẩm du lịch, đưa những điều kỳ thú còn bí ẩn để du khách tự khám phá .v.v.. thực sự tạo một hấp lực mạnh mẽ cũng như thỏa mãn nhu cầu thụ hưởng của khách du lịch trong và ngoài nước. Trước mắt, theo chúng tôi ngành du lịch Hà Tiên cần thực hiện một số việc cụ thể như sau:
Thứ nhất: Rà soát, xác định và đánh giá một cách toàn diện về giá trị của hệ thống di sản thiên nhiên, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể Hà Tiên. Căn cứ vào quy hoạch của tỉnh Kiên Giang, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Tiên ít nhất là đến năm 2015 và tầm nhìn đến 2025; Từ đó có định hướng phát triển các loại hình du lịch theo vốn tài nguyên có được của từng khu vực trên địa bàn. Gắn kết một cách hợp lý và khoa học giữa việc khai thác các di sản thiên nhiên, di sản văn hóa và các giá trị truyền thống (phong tục tập quán, truyền thuyết, thơ ca, lễ hội…); phục dựng các truyền thuyết, các giai thoại lịch sử, các mẫu chuyện thần thoại mang màu sắc tâm linh, tín ngưỡng có tính giáo dục cao, các phong tục tập quán tốt đẹp, lễ hội truyền thống của ba dân tộc…thành các lễ hội, sự kiện du lịch. Tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm ngày thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các và là “ngày Thơ Văn” của đất Hà Tiên vào dịp tết Nguyên tiêu- rằm tháng Giêng âm lịch hằng năm. Xây dựng các tour, tuyến du lịch chuyên đề tìm hiểu và khám phá lịch sử, văn hóa Hà Tiên.
Chú ý đến sự tương quan, sự liên kết không gian giữa các khu điểm du lịch, giữa các cụm du lịch trên địa bàn Hà Tiên với các địa phương trong tỉnh, với các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL, và Hà Tiên với các nước bạn Campuchia, Thái Lan, Malaysia …
Đua ghe ngo
Thứ hai: Tiếp tục sưu tầm, tập hợp các di sản văn hóa còn tiềm tàng trong cộng đồng tại địa phương; tăng cường đầu tư nâng cấp tôn tạo và bảo vệ các di tích, thắng cảnh …đồng thời với việc xây dựng phát triển hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch như giao thông thủy bộ, cơ sở lưu trú, ẩm thực, siêu thị, ngân hàng, bưu chính viễn thông … Tăng cường giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên du lịch của cộng đồng và khách du lịch, có biện pháp cụ thể để giảm thiểu những tác động tiêu cực ảnh hưởng xấu đến đa dạng sinh học, suy thoái tài nguyên môi trường cả về môi trường tự nhiên lẫn môi trường xã hội nhân văn một yếu tố quan trọng góp phần phát triển du lịch bền vững.
Thứ ba: Nhân tố con người giữ vai trò quyết định tới việc khai thác một cách có hiệu quả các di sản văn hóa cho hoạt động du lịch. Chính vì vậy việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là khâu then chốt trong quá trình đưa di sản văn hóa vào việc xây dựng và kinh doanh sản phẩm du lịch. Ở đây người lao động du lịch không chỉ có nghiệp vụ mà còn phải có kiến thức văn hóa và sự trân trọng các di sản văn hóa. Do đó cần nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch. Có chương trình đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, ngoại ngữ cho những người làm công tác du lịch. Phấn đấu đến năm 2015. Hà Tiên phải đạt tỷ lệ 80% lao động du lịch qua đào tạo.
Thứ tư: Hoạt động du lịch là hoạt động mang tính cộng đồng nên phải cần xã hội hóa. Xây dựng mối quan hệ về nghĩa vụ và quyền lợi giữa các bên liên quan. Lợi nhuận thu được từ hoạt động du lịch nhất thiết phải được chia sẽ hài hòa cho các nhà đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế xã hội và tập thể, cá nhân những người trên địa bàn trực tiếp tham gia.
Tranh thủ nguồn vốn từ ngân sách, từ nhà đầu tư, từ nguồn bảo tồn, bảo tàng của các tổ chức quốc tế và vốn từ cộng đồng nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu xây dựng và phát triển.
Thứ năm: Hiện nay có thể nói nhận thức về kinh doanh du lịch của các doanh nghiệp tại Hà Tiên còn thấp , chưa quan tâm đến chất lượng phục vụ, chưa tạo sức hấp dẫn của các loại hình sản phẩm, chưa có yêu cầu giới thiệu thương hiệu, ngại quảng cáo … từ đó dẫn đến việc quảng bá xúc tiến còn hạn chế, chưa tạo được ấn tượng trên thương trường; cho nên mặc dù Hà Tiên với tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng nhưng ít người biết đến nhất là du khách ngoại quốc. Hướng tới du lịch Hà Tiên cần quan tâm tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, phát thanh truyền hình, trang web, brochure…) tổ chức các đoàn famtrip, tổ chức và tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước (Campuchia, Thái Lan …) đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, xây dựng chiến lược marketing, xây dựng thương hiệu. Tăng cường liên kết hợp tác với các đơn vị du lịch, các công ty lữ hành khu vực ĐBSCL, trong nước và kể cả nước ngoài để ngày càng thu hút đông đảo du khách và nguồn đầu tư góp phần phát triển du lịch Hà Tiên một cách nhanh chóng và bền vững.
Tại diễn đàn này, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cũng xin được phép kiến nghị với các cấp quản lý mấy vấn đề sau:
Một là cần tập trung đầu tư nguồn vốn tạo điều kiện để Hà Tiên phát triển hệ thống giao thông nội vùng, các trục đường dẫn từ Rạch Giá, An Giang về thị xã; xây dựng mới, nâng cấp hạ tầng cơ sở du lịch (nhà hàng, khách sạn hạng sao, khu điểm các loại hình du lịch…), tôn tạo các di tích, các danh thắng đang bị xuống cấp.
Hai là khẩn trương đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, cả về số lượng lẫn chất lượng để kịp thời phục vụ theo nhu cầu phát triển của du lịch.
Ba là có chính sách đặc biệt ưu đãi đầu tư để khuyến khích đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Hà Tiên
Bốn là lập hồ sơ đề nghị xem xét và công nhận Hà Tiên danh hiệu di sản văn hóa quốc gia và thế giới.
Hà Tiên, vùng đất mang dấu ấn thần tiên, có một thời cực thịnh là hải cảng sầm uất luôn có mặt các tàu buôn phương Tây và các nước nam Á, có Tao đàn Chiêu Anh Các với “Hà Tiên thập vịnh” nổi tiếng trong ngoài nước, có tinh hoa văn hóa của ba dân tộc anh em. Hà Tiên đã để lại cho muôn đời sau một kho tàng di sản phong phú, đa dạng. Đây chính là nền tảng vững chắc để đưa du lịch Hà Tiên vươn lên tầm cao mới, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế xã hội và tiến tới trở thành một đô thị “Văn hóa Du lịch” của tỉnh Kiên Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung trong thời gian không xa.
Phạm Phước Như
Chủ tịch MDTA
Xem đầy đủ bài viết tại http://www.metinfo.vn/blog/?p=4438
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét