Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

Lễ hội Đền Lảnh Giang (Hà Nam)

Các màn diễn xướng hầu thánh với sự kết hợp giữa dân gian và đương đại cùng sự tham gia của các nghệ sĩ trình diễn âm nhạc diễn ra tại lễ hội đền Lảnh Giang từ ngày 23 
Đền Lảnh Giang còn gọi là đền Lảnh, tọa lạc bên con sông Hồng thơ mộng thuộc thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, Hà Nam. Hằng năm đền Lảnh Giang tổ chức hai kỳ lễ hội chính vào các ngày từ 18 đến 25 tháng 6 âm lịch và tháng 8 âm lịch. Đền còn là một địa chỉ du  lịch hấp dẫn của tỉnh Hà Nam. Các màn diễn xướng hầu thánh với sự kết hợp giữa dân gian và đương đại cùng sự tham gia của các nghệ sĩ trình diễn âm nhạc diễn ra tại lễ hội đền Lảnh Giang từ ngày 23 đến 26 tháng 7.

Đền Lảnh Giang thờ Tam vị Thủy thần đời Hùng Vương thứ 18 và thờ công chúa Tiên Dung, Chử Đồng Tử. Lễ hội đền Lảnh Giang từ bao đời nay vẫn đựợc tổ chức bằng các sinh hoạt dân gian như lễ cáo yết, lễ rước kiệu, trở thành tín ngưỡng  văn hóa ăn sâu vào đời sống tâm linh của người dân nơi đây.

Với chủ trương phục dựng lại các lễ hội xưa nhằm bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam đã phục dựng thành công nhiếu lễ hội như Lam Kinh, Kiếp Bạc. Nằm trong chuỗi dự án phục dựng đó, năm nay, lễ hội đền Lảnh Giang được Viện Văn hóa Nghệ thuật kết hợp với địa phương phục dựng và nâng cấp.
Trên cơ sở tài liệu các huyền tích do Sở Văn hóa Hà Nam cung cấp,  ý tưởng năm nay của Ban tổ chức là sự kết hợp giữa dân gian và đương đại vào trong một lễ hội truyền thống. Đây là một nét độc đáo khác biệt của lễ hội đền Lảnh Giang, mà theo ông TS Bùi Quang Thắng, tác giả kịch bản, điều đó sẽ làm nên những nét mới mẻ và sáng tạo của các lễ hội.
Nét độc đáo trong lễ hội đền Lảnh Giang năm nay là sự phục dựng lại các diễn xướng dân gian hầu thánh, tái hiện huyền tích các vị thánh đền Lảnh Giang. Đây là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng khá phổ biến ở vùng đồng bằng Bắc Bộ mà theo TS Nguyễn Chí Bền, sắp tới rất có thể Viện Văn hóa dân gian sẽ nghiên cứu đưa vào danh sách đệ trình lên UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

Lễ hội được tổ chức trong toàn bộ diện tích hồ trước đền Lảnh Giang và trong sân đền. Tại hồ phía ngoài phục dựng một sân khấu làm bàn thờ hai tầng trên mặt nước, phía sau là một màn hình lớn vừa làm phông vừa làm màn trình chiếu các hiệu ứng video về "Thủy phủ" của họa sĩ Phạm Văn Trường. Tầng trên là bàn thờ ba vị thánh, tiếp đến là một sân khấu nhỏ, nơi diễn ra các diễn xướng dân gian hầu thánh trong quá trình tổ chức diễn xướng tại hồ.
Huyền tích về các vị thánh đền Lảnh Giang được tái hiện trong ánh sáng và tiếng nhạc lúc kỳ ảo, lúc dồn dập, một bọc trứng lớn xuất hiện nở ra thành các chàng trai vạm vỡ, được vẽ bằng các hoa văn rắn rồng toàn thân (với sự hỗ trợ của 30 họa sĩ đương đại). Một màn hát múa hầu thánh ca ngợi công đức của các vị thánh diễn ra trong suốt sự hiện diện của 3 vị thánh...
Huyền tích được tái hiện trong sự kết hợp giữa âm nhạc của Vũ Nhật Tân, video-art của Phương Vũ Mạnh cùng màn trình diễn Perfomance - art do Phạm Văn Trường hướng dẫn cùng với 20 chàng trai diễn xướng. Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, có sự hỗ trợ đắc lực của âm nhạc điện tử, ánh sáng laze và các kỹ xảo hiện đại khác.
Tuy nhiên, nhiều câu hỏi và thắc mắc cũng được đặt ra, một lễ hội mang đậm chất truyền thống như vậy, nếu đưa vào các yếu tố đương đại, loại nghệ thuật mới chỉ coi là những thử nghiệm của giới nghệ sĩ, còn xa lạ với công chúng, liệu có độ "vênh", và những người dân mộc mạc chất phác sẽ tiếp nhận nó như thế nào khi họ chính là những chủ nhân của lễ hội.
Lý giải điều này, đạo diễn Bùi Quang Thắng cho biết: Muốn mỗi lễ hội có bản sắc riêng của mình, mỗi thời đại phải có sự bổ sung, sáng tạo thêm. Việc đưa những yếu tố đương đại vào lễ hội truyền thống một cách nhuần nhuyễn sẽ tạo nên sức hấp dẫn riêng của lễ hội, đó chính là một cách làm mới, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể của ông cha

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến