Làng gốm Bát Tràng, thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Xã có hai thôn đều là thôn truyền thống, thôn Giang Cao và thôn Bát Tràng. Toàn xã chỉ có 164,3ha đất, trong đó 43ha đất thổ cư. 753 hộ gia đình làng Bát Tràng cư trú trên diện tích hẹp 18ha. Có 5,3 ha đất thổ cư thuộc diện làng cổ Bát Tràng.
Nơi mà làng và nghề gắn với nhau suốt gần ngàn năm lịch sử. Ngoài nghề gốm, ngoài đất thổ cư, làng Bát Tràng không có nghề nào khác và không có bất kỳ diện tích đất nào khác. Làng Bát Tràng là làng một nghề: gốm Bát Tràng.
Gốm Bát Tràng là tên gọi kép, phản ánh nghề thủ công: nghề gốm và địa danh, địa chỉ nơi ngành nghề, người thợ thủ công hành nghề đó cư trú: Bát Tràng. Huyện Gia Lâm có nhiều làng nghề thủ công mà tên gọi kép thể hiện những làng có nghề thủ công nổi tiếng: thuốc bắc làng Nành, gốm Bát Tràng, quỳ vàng Kiêu Kỵ.
Làng gốm Bát Tràng đã hình thành, tồn tại, phát triển đến nay đã nhiều trăm lịch sử. Nhưng chưa có một công trình nghiên cứu thật khoa học và đầy đủ nào về làng và nghề gốm. Một điều chắc chắn là nghề gốm có trước làng Bát Tràng. Nghề gốm được tiền nhân người Bát Tràng xưa đưa đến nơi có 72 gò đất trắng -Bạch Thổ Phường, mở lò, lập làng. Tại quê mới, nghề và làng mới gắn với nhau rồi trở thành nổi tiếng: Gốm Bát Tràng.
Theo truyền khẩu từ nhiều thế hệ trước, sau khi nhà Lý thiên đô từ Hoa Lư đến Đại La và đổi tên thành Thăng Long. Được phép vua, thợ thủ công nghề gốm của các làng Vĩnh Ninh Tràng, Bồ Xuyên, Bạch Bát (Thanh Hóa-Ninh Bình) đến Bạch Thổ Phường mở lò, lập làng, sản xuất gốm, gạch cho nhà nước phong kiến. Trải nhiều thế hệ tên Bạch Thổ Phường thành Bát Tràng.
Gia phả nhiều dòng họ ở Bát Tràng còn ghi rõ việc đưa nghề gốm thủ công đến Bạch Thổ Phường. Quá trình chuyển cư từ quê cũ đến quê mới diễn ra trong nhiều thế kỷ, nhiều nhất là vào đời nhà Trần cuối thế kỷ XIV, Lê Sơ và Lê Trung Hưng. Đến lúc này, ở Bát Tràng đã có 20 dòng họ cùng quê cũ, cùng nghề, định cư trên quê mới.
Các công trình kiến trúc của làng như Đình, Đền, Chùa, Văn Chỉ, phản ánh lịch sử làng và lịch sử nghề cùng cuộc chuyển cư từ quê cũ đến Bát Tràng rất rõ: tại Đình làng Bát Tràng nơi còn lưu giữ 44 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam, phong thần cho thành hoàng làng và nhiều câu đối phản ánh cho việc chuyển nghề như:
Lan nhiệt tâm hương bái thánh thần”.
Nghĩa là đưa nghề từ làng Bồ ra, xây dựng đình, miếu. Lòng dân thành kính tựa hương lan dâng lên cúng tạ thánh thần.
Hay: “Bạch Bát chân truyền nê tác bảo
Hồng lô đào chú thổ thành kim”
Nghĩa là: nghề gốm được truyền từ Bạch Bát đến, được hun đúc trong lò lửa, đất hóa nên vững.
Một điều đặc biệt là, trong lục vụ thành hoàng được thờ tại đình Bát Tràng có Thượng đẳng thần - Bạch Mã Đại vương - thành hoàng của kinh thành Thăng Long được thờ tại Đền Bạch Mã (Hàng Buồm) là một trong tứ trấn của Thăng Long - Hà Nội.
Theo chính sử tên Bát Tràng xuất hiện đầu tiên trong cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư” - thời kỳ nhà Trần trị vì quốc gia phong kiến Đại Việt. Như vậy, đến thế kỷ XIV tên làng Bát Tràng đã có trong sử sách của nhà nước phong kiến, đồng thời cũng nổi tiếng về nghề làm gốm. Chắc chắn, trước đó phải trải qua thời gian rất dài để tồn tại và phát triển.
“Bạch Thổ Phường” nghĩa là phường đất trắng được tiền nhân người Bát Tràng ngày nay chọn làm nơi mở lò lập làng, sản xuất gạch gốm cho nhà nước. Vì vậy, làng Bát Tràng có lịch sử nghề và lịch sử làng gắn chặt với nhau.
Sản phẩm làng gốm Bát Tràng rất phong phú, đa dạng tuy cùng chất liệu là đất nung, nổi tiếng hơn cả là gạch và gốm.
Gạch Bát Tràng là thương hiệu nổi tiếng trước gốm. Nhiều ca dao của người Việt đã ghi nhận:
“Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng
Vải tơ Nam Định, lụa làng Hà Đông”
Rồi:
“Ước gì anh lấy được nàng
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây”
Gạch Bát Tràng cùng chiếu Nga Sơn, lụa Vạn Phúc Hà Đông là những nghề và sản phẩm nghề nổi tiếng. Gạch Bát Tràng có kích thước và màu sắc đặc trưng không lẫn với bất cứ loại gạch của một làng nghề nào trong cả nước. Gạch Bát Tràng có màu gan gà, dài 0,30m, rộng 0,30m (0,15m) dày 0,05 - 0,07. Công dụng chính của gạch Bát Tràng là chịu lửa. Gạch được xếp thành hộp chứa sản phẩm gốm cần nung bên trong. Gạch được nung nhiều lần nên khi đưa vào xây dựng tuổi thọ công trình cao và không rêu mốc.
Gạch Bát Tràng còn hiện hữu trong các công trình kiến trúc của hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Đình, Đền, Chùa, Miếu, Hồ, Giếng của các làng xã Việt Nam trong cả nước. Nhiều nhất là tại kinh thành Huế và các lăng tẳm vua nhà Nguyễn.
Vào đầu thế kỷ XIX, khi nhà Nguyễn xây kinh thành Huế từ năm 1805 đến 1832 và 07 lăng tẩm chuẩn bị hậu sự cho các đời vua. Nhà Nguyễn đều huy động dân làng Bát Tràng sản xuất gạch cho các công trình trên. Do có công, vua Tự Đức (1847 - 1883) ban thưởng cho dân làng nghề Bát Tràng bốn chữ đại tự “Hiếu Nghĩa Cấp Công” hiện còn thờ tự tại Đình làng Bát Tràng.
Cùng với gạch Bát Tràng, đồ gốm Bát Tràng cũng nổi tiếng trong cả nước và quốc tế. Gốm bát Tràng có nhiều kiểu dáng, chủng loại, kích thước, phân loại theo chức năng như sau: đồ thờ cúng có lư hương, chân đèn, chân nến, phù hương, nậm rượu, chóe…Đồ gia dụng có bát, đĩa, ấm chén, vò, lọ, chậu…Gốm Bát Tràng được sản xuất bằng tay trên bàn xoay thủ công, kiểu be trạch do đó xương gốm dày. Sau này với kỹ thuật in trên khuôn gỗ và đổ dót vào khuôn thạch cao. Với dòng men cổ như men lam, nâu, rạn đặc trưng cùng các họa tiết trang trí như: hoa, lá, dây, chim muông phù hợp với từng loại sản phẩm. Dòng gốm cổ Bát Tràng được lưu giữ và trưng bày tại nhiều bảo tàng trong nước và quốc tế, được giới chơi đồ cổ sưu tập, sở hữu và rất có giá trên thị trường.
Từ sản xuất thủ công gốm sứ truyền thống, nhiều thế hệ nghệ nhân thợ giỏi được vinh danh. Thời Đông Dương thuộc Pháp có 05 cụ được phong danh hiệu “Nghệ nhân Đông Dương”. Thời kinh tế kế hoạch tập trung của nhà nước, Hà Nội phong tặng 03 nghệ nhân ngành gốm người làng Bát Tràng. Kể từ ngày đổi mới, kinh tế nhiều thành phần, Hà Nội phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội” cho 08 thợ gốm Bát Tràng. Hiệp hội làng nghề Việt Nam cũng phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian Việt Nam” cho 03 thợ gốm. Đặc biệt là có gia đình hai thế hệ cha và con được UBND thành phố phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội” và một gia đình khác hai vợ chồng đều được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân.
Với tiềm năng làng nghề truyền thống tồn tại và phát triển liên tục nhiều trăm năm lịch sử, Làng gốm Bát Tràng ngày nay đã phát triển lên đỉnh cao mới. Gốm sứ Bát Tràng đã chiếm lĩnh được thị trường nội địa. Gốm sứ Bát Tràng đã xuất khẩu sang Châu Âu, Châu Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Hơn 50 công ty và gần 700 hộ gia đình đều tham gia sản xuất kinh doanh gốm sứ. Có doanh nghiệp một năm xuất khẩu doanh thu đạt 1 triệu USD.
Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân làng nghề được cải thiện, Bát Tràng được nhà nước quan tâm định hướng phát triển kinh tế và hạ tầng xã hội. Nhân dân tích cực đóng góp xây dựng làng, xã. Các di tích kiến trúc được trùng tu, tôn tạo, Đình - Đền - Chùa - Văn Chỉ là di tích lịch sử được xếp hạng. Hai di tích cách mạng, di tích kháng chiến được gắn biển. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ ngày 20/02/1959, khi Người về thăm làng gốm Bát Tràng: “ Làng Bát Tràng mới phải làm sao trở thành một trong những làng kiểu mẫu ở nước Việt Nam mới, nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Người dân quê gốm Bát Tràng đang nỗ lực thi đua phát huy truyền thống của nhiều thế hệ ông cha phấn đấu thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành hiện thực tại quê hương làng gốm.
Tour liên quan:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét