Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2010

Vấn đề & Sự kiện: Một “nhạc trưởng” cho du lịch đồng bằng

Bài liên quan: Loay hoay du lịch đồng bằng.


hangrong


Vũ Thống Nhất





Sự hoang sơ, độc đáo về sinh thái vùng ven biển Đông, bờ phải sông Hậu, hạ châu thố sông Cửu Long; sự độc đáo về văn hóa các dân tộc với bao di sản dân gian, phong tục tập quán, cách ăn nếp ở, tín ngưỡng…của châu thổ sông Cửu Long chính là nguồn tài nguyên du lịch vô cùng giá trị, khơi gợi, níu chân bạn bè gần xa. Đặc biệt, khác với phía Bắc, miền Trung, ÐBSCL có thể kinh doanh du lịch suốt 12 tháng trong năm, tránh được yếu tố mùa vụ nhờ thiên nhiên ưu đãi, khí hậu ôn hòa.


Ham Ninh 3


Du lịch là một trong những thế mạnh, là ngành kinh tế trọng điểm để phát triển ĐBSCL. Khách du lịch trong và ngoài nước đến ĐBSCL ngày càng nhiều hơn, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 13%/năm. Kết quả đó ngoài sự nỗ lực của chính từng địa phương còn do sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, Bộ VH – TT & DL và Tổng Cục Du lịch cùng nhiều ban ngành liên quan đã có nhiều chủ trương, chính sách cũng như đề án, kế hoạch kích cầu, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các hoạt động du lịch ĐBSCL. Đường hàng không (Hà Nội – Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh – Cần Thơ – Phú Quốc, TP. Hồ Chí Minh – Cà Mau) cùng cầu Cần Thơ, cầu Rạch Miễu, Hàm Luông… khai thông. Trong tương lai, tuyến đường xuyên Á chạy qua TP HCM cũng hình thành và khi đó du lịch ĐBSCL sẽ có những bước phát triển đột phá mới. Việc mở ra tuyến đường thủy tới các quốc gia trong tiểu vùng sông Mê Công cũng là cơ hội cho liên kết phát triển du lịch trong khu vực.


Tuy nhiên, đến nay, du lịch vùng đất này vẫn chưa cất cánh, vẫn là “vùng trũng” của ngành du lịch cả nước. Đây cũng là vấn đề đầy bức xúc, trăn trở của bất kỳ ai còn tâm huyết với du lịch đồng bằng.


Rung tram Tra Su


Vấn đề sống còn của du lịch là phải có những sản phẩm đặc trưng và độc đáo, phù hợp với từng loại đối tượng du khách. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNTWO) sản phẩm du lịch được cấu thành từ kết cấu hạ tầng, tài nguyên du lịch (tự nhiên và nhân văn), cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và dịch vụ cung ứng (nhân lực du lịch là yếu tố quyết định). Thế nhưng, ngay loại hình du lịch sinh thái được coi là thế mạnh của đồng bằng thì sản phẩm du lịch của 13 tỉnh – thành sông nước này đến nay hầu như vẫn chỉ “lên ghe, xuống xuồng, thăm vườn trái cây, nghe đờn ca tài tử” dẫn đến chồng chéo, trùng lắp, nhàm chám, đơn điệu. Chưa kể hiện tượng “nhái” sản phẩm, ý tưởng kinh doanh khiến ngay những người trong ngành cũng ngán ngẩm, buông xuôi. Kinh doanh lữ hành, loại hình thể hiện sự năng động, sáng tạo và chứng tỏ khả năng thu hút khách trực tiếp lại rất yếu qua con số hơn 90% là do ngoài vùng “nối tour”.


So với cả nước, du lịch ĐBSCL đang “độc tôn” khá nhiều điểm yếu như cơ sở hạ tầng dịch vụ (mới có 19 cơ sở lưu trú – 1.248 phòng từ 3 đến 4 sao, đặc biệt, gần 70% tổng số phòng có thể đưa vào phục vụ toàn vùng chưa được xếp hạng); chỉ có 18/629 doanh nghiệp lữ hành quốc tế cả nước (khoảng 2,8%); trong một triệu người tham gia hoạt động du lịch thì có tới 58% không được đào tạo và chỉ có 15% được đào tạo qua các lớp trung, sơ cấp; cả vùng chỉ có 1 trường trung cấp du lịch ở Cần Thơ đào tạo hai năm được 200 người; thu nhập từ du lịch chỉ chiếm 2,75% doanh thu du lịch cả nước với chưa tới 10 triệu lượt khách mỗi năm…


Đã yếu lại thiếu hợp tác, liên kết nội vùng. Tư tưởng “sứ quân”, “không ai hơn ai” dẫn đến bất hợp tác vẫn âm ỉ giữa các đơn vị du lịch trong vùng; thậm chí có nơi có lúc còn cạnh tranh hạ giá tour, giành giật khách…. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến sự trùng lắp, đơn điệu sản phẩm khiến du khách đến rồi không hẹn ngày trở lại. Lãnh đạo một Trung tâm xúc tiến Thương mại – Du lịch nhận định nếu ngành du lịch các tỉnh không nhanh chóng liên kết lại để cùng tồn tại và phát triển thì e rằng trong chục năm tới bộ mặt du lịch của ĐBSCL cũng không khác gì hiện nay?


DSC_00a20


Để du lịch ĐBSCL cất cánh cần nhanh chóng có một “nhạc trưởng” đúng nghĩa thực hiện vai trò điều phối, điều hành. Bên cạnh đó là đầu tư cho nhân lực; xây dựng những sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng riêng biệt; nâng cấp có trọng tâm trọng điểm hạ tầng du lịch… Nhà nước chỉ tạo “sân chơi”, quan trọng là nhận thức của các doanh nghiệp. Người đồng bằng cần thay đổi tư duy cho giải pháp chiến lược: hãy bắt tay nhau, ngồi lại với nhau bàn bạc thấu đáo, phân khúc thị trường rõ ràng (cái nào khai thác bằng nguồn lực tại chỗ, cái nào cần phải liên kết…), chia xẻ quyền lợi hợp lý, thoả đáng theo đúng tiềm năng thế mạnh của mình vì một thương hiệu chung, mái nhà chung: sức quyến rũ của đất chín Rồng.


Xem đầy đủ bài viết tại http://www.metinfo.vn/blog/?p=5949

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến