Thứ Tư, 2 tháng 12, 2009

Người 45 năm "bảo tồn" những thước phim đèn chiếu cổ

Tối nay xem Những sắc màu văn hóa trên VTV1 thấy giới thiệu về bác này hay quá. Lên Google thì ra bài này. Post lên cho anh em cùng xem. Có dịp sẽ ghé thăm bác chơi. :)

Thông tin thêm:
Bác Long biểu diển ở công viên Thủ Lệ, Hà Nội.



Thứ Hai, 07/02/2005, 21:21

Người 45 năm "bảo tồn" những thước phim đèn chiếu cổ

(TPO)

Bác Long đang chiếu một bộ phim hoạt hình phục vụ khán giả
Có thể không ngoa chút nào khi gọi bác Nguyễn Văn Long, ở khối Độc Lập (phường Vạn Phúc, thị xã Hà Đông, Hà Tây) là "nhà bảo tồn" của thể loại phim đèn chiếu cổ dành cho thiếu nhi. Sau 45 năm sưu tầm và lưu giữ, hiện bác Long có gần 200 phim đèn chiếu cổ chủ yếu dành cho thiếu nhi.

Cậu bé say mê điện ảnh

Năm 1952, cậu bé Long (sinh năm 1947) được bố mẹ cho ra Bờ Hồ chơi và được xem bộ phim 16 ly Taczan. Cậu bé Long vẫn nhớ mãi kỷ niệm về chiếc máy chiếu phim: Có một cái hòm, mỗi bên để 3 cái lỗ cho 3 người xem và bộ phim được chiếu nhờ điện từ một chiếc ắc quy.

Về nhà cậu bé Long quyết tâm làm một bộ phim bằng giấy do chính mình sản xuất. Sau nhiều ngày hì hụi ngồi vẽ, sửa trên giấy pơluya, bộ phim đầu tay có tên Taczan của Long ra đời. Cậu đem “chiếu” cho các bạn xem. Đổi lại Long được bạn bè trả công bằng những tờ giấy trắng hoặc giấy pơluya để tiếp tục làm các phim giấy khác. Đây được coi là thành công đầu tiên của cậu bé mê điện ảnh.

Khán giả xem một bô phim nổi do bác Long lưu giữ
Không chỉ dừng ở việc sản xuất ra các bộ phim giấy, Long còn tìm cách sản xuất những bộ phim động có thể chiếu theo đúng nghĩa cho bạn bè xem. Long xin bố một chiếc bóng đèn 200 W rồi tỉ mẩn đục thủng đầu bóng rồi cho nước vào tạo thành lăng kính. Có lăng kính, Long lấy đèn dầu chiếu qua lăng kính tạo thành một màn hình nổi chiếu lên tường cho bạn bè cùng xem.

Năm 1959, Long tham gia đội thiếu nhi rồi Đoàn Thanh niên trước khi trở thành thành viên đội tuyên truyền viên trẻ của xã. Năm 1965, Long mượn được một bộ phim đèn chiếu bằng tiếng Nga đem về chiếu phục vụ bà con trong xã. Do không biết tiếng Nga nên Long ngồi hàng giờ nghiên cứu hình ảnh trong phim và rồi tự bịa ra lời thuyết minh. Buổi chiếu đã thành công hơn cả dự kiến.

Chiếc máy chiếu phim cổ của Nga hiện bác Long vẫn sử dụng
Thành công càng khiến Long say mê hơn với điện ảnh. Qua giới thiệu của một người thân, Long tìm ra Hiệu sách Nhân dân Hà Đông thuê các bộ phim đèn chiếu về nghiên cứu và chiếu phục vụ bà con. Cũng trong thời gian này Long tìm tòi và thu thập được rất nhiều tài liệu liên quan đến lịch sử và sự phát triển của nền điện ảnh thế giới. Năm 1974, bác Long mua được một chiếc máy đèn chiếu đầu tiên cho riêng mình.

Đến năm 1990, bác Long mua thêm một chiếc máy chiếu phim quay tay và một bộ ống xem phim dành cho thiếu nhi của Nga. Bác tìm hiểu và thấy ống xem phim có nhược điểm là người xem chỉ được xem từng ảnh rời lẻ. Người thuyết minh phải rất nhanh tay rút, nhét ảnh liên tục thì bộ phim mới không bị đứt đoạn. Tại sao không thay từng ảnh một bằng việc kéo một loạt các hình ảnh để thành bộ phim liền. Sau nhiều ngày ngồi suy nghĩ bộ phim “Mối tình đầu” 2 tập do bác Long biên tập ra đời.

Trong một lần đi chơi Chùa Thầy cùng các bạn, bác Long mang máy quay ra chiếu cho các bạn cùng xem khi dừng chân nghỉ giữa chừng. Không ngờ bạn bè và khách tham quan xem rất đông. Đến cuối buổi chiều, bác cùng các bạn quay trở về nhà với một số tiền kha khá.

Người "bảo tồn" phim đèn chiếu cổ giữa lòng Hà Nội

Cuốn phim “Đến hẹn lại lên” sản xuất từ năm 1975 vẫn được bác Long lưu giữ cẩn thận
“Mình hoàn toàn có thể kiếm được tiền từ việc chiếu phim phục vụ khán giả” – Bác Long nghĩ. Từ đó bác Long tìm đến phố Lương Văn Can để mua các máy quay, thiết bị rồi đem về nhà tự chế thành một chiếc máy chiếu phim quay tay khá độc đáo. Chiếc máy trở thành người bạn thân của bác Long trong suốt nhiều năm sau đó. Trong thời gian này bác Long chủ yếu tập trung sưu tầm các phim thuộc thể loại hài như: Hề Chaplin, Nhổ răng bằng ô tô tầu hoả và tên lửa...

Tuy nhiên, thời gian đầu do ít kinh nghiệm nên khi quay, phim hay bị đứt. Phải làm sao để cho phim không bị đứt hoặc “cắn” làm mòn bánh xe. Bác Long tháo tung máy ra để nghiên cứu và quyết định làm thêm một chiếc “kim đọc” có tác dụng như má phanh lót giúp giảm độ ma sát làm mòn phim và bánh xe quay. Từ “phát minh” này, các bộ phim về sau của bác Long không còn tình trạng bị đứt hay ăn mòn bánh xe.

Xác định mục tiêu của mình, bác Long lặn lội tìm mua tất cả các loại phim đèn chiếu cổ do những người từng đi nước ngoài mang về. Một số người dễ tính thì cho mượn phim, một số người khác khó tính hơn thì bác phải tìm cách thuyết phục để mua.

Hòm đồ nghề của bác Long

Để tăng thêm tính hấp dẫn của các bộ phim, bác Long phải tìm tòi, tự biên tập nội dung của các bộ phim sao cho hình ảnh và âm thanh của bộ phim khớp nhau khi máy quay. Trong các bộ phim có những nhân vật là chẫu chuộc, lợn, chim...bác Long phải nghĩ cách minh họa hình ảnh bằng khẩu thuật.

Để làm được điều này, bác phải ra các bờ ruộng trong những ngày mưa phùn để lắng nghe rồi bắt chước tiếng kêu của chúng. Để bắt trước tiếng chim kêu, bác Long mua một con chim thật rồi hàng ngày lắng nghe và luyện âm bắt chước cho thật giống. Ngày tháng trôi đi, khả năng bắt chước tiếng kêu của các loài động vật của bác Long càng đạt đến độ hoàn chỉnh.

Bác Long cho biết chẳng hạn như bộ phim “Người cá” bác phải mất rất nhiều thời gian để tự nghĩ lời minh hoạ cho bộ phim bằng những câu thơ mộc mạc nhưng đầy hấp dẫn:

Người cá con gái Thủy Tề

Đến 16 tuổi về quê thăm Người

Ngày sinh nhật cá đến rồi

Hải Vương cho phép con ngoi lên bờ

Bàng hoàng cảnh đẹp nên thơ

Thuyền buồm lộng lẫy lững lờ trôi xuôi

Bỗng nhiên gió bão đen trời…

...

Luôn vì thiếu nhi là tiêu chí hàng đầu của bác Long
Được bạn bè giới thiệu, bác Long còn tìm mua cả những bộ phim làm bằng giấy do Đà Nẵng sản xuất. Tuy nhiên loại phim này chỉ có 50 hình và khi chiếu cho người xem thì cử động và hình ảnh rất nghèo nàn. “Sao không tự kéo dài thời gian xem phim để phục vụ khán giả” – Bác Long băn khoăn.

Bác quyết định photocopy các hình ảnh trong phim giấy dưới các góc độ khác nhau rồi ghép lại thành một bộ phim hoàn chỉnh. Kết quả hình ảnh của bộ phim được cải thiện hòan toàn. Nếu như trong bộ phim gốc con chim chỉ vỗ cánh được 2 lần còn trong phim của bác Long con chim vỗ cánh được 8 lần. Sự gia tăng số lượng hình ảnh giúp cho bộ phim có được những hình ảnh động trung thực hơn. Từ kinh nghiệm này bác Long tìm tòi và sáng chế ra hàng chục bộ phim giấy khác.

Bác Long cũng tìm đến những cửa hàng cho thuê truyện để tìm lời thuyết minh riêng cho bộ phim. Như bộ phim về Nguyễn Trãi, do mất bản thuyết minh, nên bác Long phải đi khắp Hà Tây và các ngõ ngách ở Hà Nội để tìm những tài liệu nói về Nguyễn Trãi. Bác cũng tìm đến xưởng phim đèn chiếu ở số 5 Thi Sách để mua vét tất cả các phim cùng bản thuyết minh đi kèm khi xưởng phim giải thể.

“Kho phim” của bác Long ngày một dày lên với đủ thể loại phim: Phim cử động: Câu chuyện trên biển (13 tập); Phim cử động giấy: Người nhện, Tôn Ngộ Không; Phim chìm: Vò nước cay độc hại (2 tập), Kẻ hủy hoại êm dịu (2 tập), Aladin và cây đèn thần (2 tập), Cóc kiện trời; và Phim nổi: Lớp học của Gấu, Cáo và Rắn, Tây Du ký, Ninja Rùa...

Sau 45 năm sưu tầm và lưu giữ, hiện bác Long có gần 200 phim chiếu bóng chủ yếu dành cho thiếu nhi. Bác Long cho biết bác muốn lưu giữ mãi hình thức nghệ thuật này để phục vụ khán giả yêu thích các bộ phim hoạt hình thuộc thể loại đèn chiếu cổ.

Phạm Tuyên


Copyright (C) 2005 Tien Phong Online

Xem đầy đủ bài viết tại http://nhombuiduong.blogspot.com/2009/12/nguoi-45-nam-bao-ton-nhung-thuoc-phim.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến