Thứ Hai, 28 tháng 12, 2009

Bến xưa nay rực rỡ rồi

Có  lẽ không một đô thị  miền Tây nào lại có được một vị  thế tuyệt vời như  Cần Thơ, nơi có bến Ninh Kiều.


1. Tẩn mẩn ngẫm nghĩ. Cần Thơ, thủ phủ của cả miền châu thổ này có địa danh nào nổi tiếng nhất? Chắc chẳng khó chọn. Đó là bến Ninh Kiều. Chẳng thế mà từ tên một bến sông, qua gần thế kỷ, được nâng lên thành tên của một đơn vị hành chánh, quận Ninh Kiều. Chợ trung tâm thủa trước, quận trung tâm ngày nay. Và tính “trung tâm” của nó vẫn đi suốt theo chiều dài hình thành, phát triển của đô thị này. Cho đến tận bây giờ, các cơ sở công quyền, dịch vụ thương mại, ngân hàng, khách sạn nhà hàng… vẫn nằm “lệch” về hướng này bởi sự “đắc địa” của nó. Bến Ninh Kiều như là “mặt tiền” của Cần Thơ và sẽ luôn như vậy, đến mãi sau này.


benninhkieu_2004


Bến Ninh Kiêu (năm 2004).


Gần 10 năm trước, trong một bài báo, người viết đã mạo muội tự tổng kết “Mười cái nhất của bến Ninh Kiều”. So với các địa danh khác, Ninh Kiều là nơi có số lượng du khách đặt chân đến nhiều nhất. Ai đến Cần Thơ (năm 2008 Cần Thơ đón trên 800 ngàn lượt khách, lượng khách tăng 15-20%/năm) mà không dạo bến Ninh Kiều? Có thời gian “sống” trong một ngày cao nhất; chợ hoa lâu đời nhất; công viên lớn nhất (nay đã trên 7000m2); vào văn thơ nhạc họa nhiều nhất; nhiều công trình cổ tập trung trên một tuyến đường nhất; được bạn bè phương xa nhắc đến nhiều nhất mỗi khi nói tới Cần Thơ, dù có khi họ chưa từng đặt chân đến đây… Nghĩ lại, vẫn thấy thiếu (giá nhà, đất trên tuyến đường Hai Bà Trưng chắc chắn “kịch sàn” trong biểu giá).


DuLich_TS42


Du khách nước ngoài tại bến Ninh Kiều.


Bến Ninh Kiều nằm bên hữu ngạn sông Hậu, nhìn ngay ngã  ba sông Hậu và sông Cần Thơ. Đây là nơi hình thành sự giao lưu, thương mại sầm uất đầu tiên của Cần Thơ với những hàng liễu rũ cùng hàng trăm ghe tàu từ Gia Định và khắp xứ “Lục tỉnh” tụ về, chạy lên Sài Gòn và ngược tận Nam Vang mỗi ngày thủa trước… Cảnh “Trên bến dưới thuyền” là nét đặc trưng nhất, là biểu tượng sung túc đồng thời cũng thể hiện rất rõ nét văn hóa của một vùng đất dọc ngang kênh rạch như châu thổ này.  Ngày xưa, nơi hợp lưu của ngã ba sông thì đầu vàm là nơi thuận lợi để cánh thương hồ đợi chờ con nước, gặp gỡ, giao lưu với bạn hàng. Sau đó là trao đổi, lập trạm trung chuyển, lưu giữ hàng hóa. Phát triển thêm thì cần lập chợ. Đó cũng chính là sự khởi đầu cho một đô thị sung mãn sau này.


2. Cũng cần “Đèn xưa lần dở” cho tỏ ngọn nguồn, độ dày của khu vực “địa linh” bến Ninh Kiều. Thời Pháp cai trị đặt tên “Le quai de Commerce”, nhân dân gọi là bến Hàng Dương, sau là bến Lê Lợi. Năm 1958 bến sông và công viên nằm cạnh con đường Lê lợi được chính thức đặt tên là Ninh Kiều.


payette-71-White-mice-ARVN-&-Civilians-CanTho-1965


Bến Ninh Kiều năm 1965 (chụp bởi Robert Payette)


Từ đầu TK 20, người Pháp đã chú ý tới địa thế này khi xây biệt thự (Bugalo), được coi là xưa nhất trong hệ thống khách sạn ở ĐBSCL, để nghỉ dưỡng ngay đầu vàm sông (nay là khách sạn Ninh Kiều). Nhà lồng chợ Cần Thơ hoàn thành khoảng năm 1908 – 1909, trước cả chợ Bến Thành (1914) và chi nhánh ngân hàng Đông Dương (Ngân hàng Nhà nước nay). Bến dần được chỉnh trang cẩn đá xây gạch dọc theo bờ sông để ngăn sóng thủy triều. Một loạt cơ sở kinh doanh (khách sạn, quán ăn…), chủ yếu của người Hoa xuất hiện. “Quảng Triệu Hội quán” (chùa Ông – xây từ năm 1894) mang đậm phong cách kiến trúc Trung Hoa. Khách sạn Tây Hồ của dòng họ Vương cũng sớm hiện diện tại đây… Cũng tại bến sông này, có một sự kiện quan trọng ít người chú ý. Tháng 10/1945, tại “cầu tàu Lục tỉnh” (bến Ninh Kiều) nhân dân Cần Thơ đã thay mặt cả nước đón đoàn tù chính trị phạm từ Côn Đảo trở về (chuyến tàu thứ hai).


BenNinhKieu052


Bến tàu khách Cần Thơ


Khi mang tên “Phong Dinh”, bến Ninh Kiều sôi động bởi các hoạt động thương mại xung quanh chợ Cần Thơ. Khoảng cuối năm 1974, một thống kê (Nhật báo Đuốc miền Tây) cho thấy nơi đây tập trung đến 19/43 tiệm kim hoàn của toàn thị xã (Phước An, Mỹ Hoàn, Phương Mai, Kim Tân, Mỹ Lệ Lục Phong…); 11/22 tiệm vải; 8/15 xưởng gạch bông; 3 khách sạn (Quốc tế, Tây Hồ, Thống Nhứt); 4 tiệm thuốc Bắc (Tân Tế Hòa, Khai Phước, Xuân Sanh Đường, Vĩnh Thành); rồi các tiệm cầm đồ, giày dép, ảnh viện, bách hóa…


KS_TayHo


Khách sạn Tây Hồ


Bến Ninh Kiều ngày nay mang bộ mặt gần như hoàn toàn mới dù vẫn còn đó nhịp chèo dẻo dai của những thanh nữ xóm Chài bên kia sông. Ðầu tiên là sự xuất hiện của khách sạn Golf Cần Thơ đã làm cho một góc bến Ninh Kiều thay đổi khi chiếm độ cao với 10 tầng lầu. Gofl Cần Thơ có tổng diện tích 4.026m2, cung ứng các dịch vụ: dancing, bar, massage – xông hơi, hồ bơi, dịch vụ làm đẹp và phòng hội nghị có sức chứa trên 300 người. Du thuyền Cần Thơ có sức chứa 450 khách như tòa nhà nổi lung linh trên sóng nước sông Hậu mỗi khi đêm về. Hiện thời tại bến Ninh Kiều có 3 – 4 du thuyền hoạt động, mỗi ngày có hàng trăm lượt du khách tham gia du lịch trên sông, chưa kể những du khách nước ngoài thích thong dong theo vỏ lãi hoặc xuồng máy trên sông. Chợ cổ Cần Thơ đã được chỉnh trang, nâng cấp cùng những khu nhà hàng mới mở của công ty Ninh Kiều, nhà khách số 5 rồi bến tàu cao tốc, cầu tàu du lịch… Tất cả đều khai thác vị trí ven sông, đều xoay quanh tâm điểm là chợ Cần Thơ để gia tăng dịch vụ. Đặc biệt, nơi công viên lộng gió có tượng Bác Hồ bằng đồng nguyên khối mới được phục dựng cùng hệ thống chiếu sáng tự động, nhiều loại kiểng quý trong vùng.




3. Gần đây có hai sự kiện liên quan đến bến sông này được người dân Cần Thơ đặc biệt chú ý.  Thứ nhất là chính quyền dành đến số tiền 575 tỉ đồng cho dự án quy hoạch công trình bờ kè sông Cần Thơ. Công trình có chiều dài trên 10 km, chia làm 2 đoạn: Từ cầu Quang Trung đến cầu Cái Răng, quận Cái Răng (bờ trái) dài 4.781 m; từ bến Ninh Kiều đến cầu Cái Sơn, quận Ninh Kiều (bờ phải) dài 5.490 m. Bờ kè được thiết kế xây dựng dạng tường cừ bê tông, thi công từ 2007 và chỉ còn một năm nữa là kết thúc. Bờ kè sông Cần Thơ là công trình quan trọng, góp phần chỉnh trang mỹ quan đô thị, tăng cường thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với TP Cần Thơ.


DSC_0020


Bến Ninh Kiều – Tết Kỷ Sửu 2009.


Người ta đã bàn đến chuyện chợ đêm trên bến Ninh Kiều nhiều lần. Nhưng mới gần đây “Tuyến phố đi bộ, ẩm thực và chợ đêm” mới chính thức được triển khai ráo riết. Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Địa Cầu, đơn vị chuyên về lĩnh vực ẩm thực, vui chơi, giải trí từng triển khai thành công nhiều dự án tại Cần Thơ (công viên sông Hậu, hệ thống nhà hàng La cà, xe lôi Club…) được địa phương chọn làm chủ đầu tư. Toàn bộ dự án (4,5 tỷ đồng) nằm trên bến Ninh Kiều. Tuyến phố này dài khoảng 200m thuộc đường Hai Bà Trưng chạy dọc công viên Ninh Kiều, đoạn từ khách sạn Quốc Tế đến nhà lồng chợ cổ Cần Thơ. Thời gian hoạt động của phố đi bộ từ 18 giờ ngày hôm trước đến 4 giờ sáng ngày hôm sau của tất cả ngày trong tuần. Cần Thơ, đô thị loại I đầu tiên của vùng châu thổ lại có thêm một điểm nhấn văn hóa du lịch.


Theo dự án, khu ẩm thực bao gồm cơ sở kinh doanh của các đơn vị hiện có và khu vực kinh doanh của nhà đầu tư (600m2 – 20 gian hàng) trên công viên Ninh Kiều đối diện đầu đường Nguyễn Thái Học – Võ Văn Tần. Khu chợ đêm hàng hóa sẽ được đa dạng bằng sự giao lưu sản phẩm với các tỉnh thành khác. Khoảng 500 lao động sẽ có việc làm khi dự án này đi vào hoạt động. Các ki ốt bán hàng được làm bằng vải dù, có thể tháo ráp dễ dàng nên dự án này sẽ nhanh chóng đi vào hoạt động. Đặc biệt, toàn bộ mái vòm trên ba tuyến đường và vòm cửa các nhà dân trong khu vực sẽ được đầu tư mới, đồng bộ để tạo cảnh quan thẩm mỹ và nét riêng cho Cần Thơ.


CauCanTho_OK


Cầu Cần Thơ


Chỉ  mấy tháng nữa thôi, từ bến sông này người ta sẽ được nhìn thấy “cây cầu thế kỷ”, cầu Cần Thơ hoàn thành, vắt ngang sông Hậu rực rỡ về đêm. Và chính nơi đây sẽ chứng kiến rõ nhất một Cần Thơ truyền thống đang song hành với Cần Thơ hiện đại, năng động. Vừa “Tụ” vừa “Mở” là bước đi hướng đến tương lai./.


Vũ  Thống Nhất















Xem đầy đủ bài viết tại http://www.metinfo.vn/blog/?p=4977

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến