Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2016

Đèo Ghành Đỏ (Sông Cầu-Phú Yên)


Đến du lịch Sông Cầu bạn chắc chắn không thể không đến Vịnh Xuân Đài, danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp cấp Quốc gia, một nơi cảnh sắc như chốn thần tiên. 

< Đèo Gành Đỏ uốn cong quanh làng chài.

Trong khu vực vịnh có một làng tên Gành Đỏ nổi tiếng với nghề đi biển và làm nước mắm. Cư dân ở nơi đây sống khá sung túc bởi nguồn lợi từ vịnh và những chuyến đi biển. Nhưng điều làm Gành Đỏ nổi tiếng hơn chính là phong cảnh tuyệt đẹp!

Mỹ cảnh quê hương

Vịnh yên ả nghiêng mình dưới làn sóng,
Lướt nhẹ qua trong cõi lãng du.
Có ai hay về một cái tên lạ,
Xuân Đài – nghe bình dị đỗi thay.

< Một góc Bãi Sau.

Núi Cổ Ngựa trải dài đến nơi này,
Đảo Xuân Thịnh bao bọc lấy vịnh kia.
Đầu kì lân hiện ra trước mắt,
Biết bao điều mới lạ tại nơi đây.

Cù lao nằm bất động giữa biển khơi,
Cong lên lượn xuống như sấu nằm ăn.
Thuở xưa Long vương tử lạc vào,
Hà Bá thống lĩnh phá núi cứu Người.


< Buổi sáng ở Gành Đỏ.

Hang cá róc khép mình như bẽn lẽn,
Ẩn mình sau Hòn Trọc cao chênh vênh.
Núi biển trời mây sao hữu tình quá,
Làm lòng người xao xuyến đến khôn nguôi.

Có ai về Gành Đỏ mà xem,
Lòng người mến khách bước đi không đành.
Dù vạn dặm muôn trùng cách trở,
Xin hãy một lần ghé lại quê tôi.


< Trên vịnh Xuân Đài.
Dulichgo
Một vài dòng thơ đã phần nào nói lên được một địa điểm tuy không mới mẻ đối với người dân xứ Nẫu – Phú Yên, nhưng chắc chắn sẽ là một cái tên xa lạ đối với nhiều người tại miền Trung cũng như hai miền còn lại của đất nước, đó chính là Vịnh Xuân Đài.

Nhìn từ đèo Gành Đỏ, bạn sẽ thấy được vẻ đẹp hoang sơ được kết hợp từ mùi nắng rát của gió và của biển, màu nước biển trong vắt đến nỗi thấy được cá đang bơi lội tung tăng, và nổi bật hơn hết chính là dáng nằm thư thả của Cù Lao Ông Xá.


< Làng chài yên bình ở Gành Đỏ.
Dulichgo
Thuở xa xưa có một truyền thuyết nói rằng từ núi Gành Đỏ ra mỏm đuôi của hòn cù lao Ông Xá có một dãi đất tựa như một cái bờ chắn ngang mặt vũng. Lúc bấy giờ có một con cá vược khổng lồ từ biển khơi lạc vào đấy, bị cản trở đường đi, cá vược tức giận đập đuôi quẫy nước, nước văng bắn lên cao, sóng réo ầm ầm, bờ chắn bị sụt lở gần hết, chỉ còn lại ở hai mỏm núi, người ta gọi đấy là bờ ngăn Cá Vược. Rồi từ đó cá quay ra biển Đông, không bao giờ trở lại vũng này nữa.

Tạị nơi đây, cuộc sống của người dân hầu hết gắn liền với biển, trẻ em đã quen với việc bơi lội hàng ngày dưới những làn nước xanh ngắt và mát lạnh. Người dân ở đây có một cuộc sống khá bình dị , thư thả và thoải mái.


< Nếu buổi sáng là khoảng khắc bình minh trong lành nhất.

Vào mỗi buổi chiều, những người mẹ, người chị tất bật chuẩn bị bữa ăn xế và bữa tối cho đàn ông. Cứ như thế, khi mặt trời đã lặn dần, những chiếc thúng chai đầy ắp những can dầu, thức ăn và nước uống nhanh chóng được đưa ra ghe bằng những đôi tay vạm vỡ, đầy sức mạnh của các anh thanh niên miền biển.

Và khi ánh đèn vụt lên, hình ảnh những chiếc thuyền nối đuôi nhau chạy ra ngoài khơi chất chứa bao niềm hi vọng về một chuyến ghe đầy ắp cá vào tối khuya hoặc sáng hôm sau. Ngày lại tiếp nối ngày, truyền thống ấy vẫn còn mãi đến ngày hôm nay.


< Thì chiều về hoàng hôn buông màu lãng mạn.

Khi bạn bước chân đến đây, mọi phiền muộn lo âu về cuộc sống sẽ lập tức tan biến mất và thay vào đó là một tâm hồn yêu biển, yêu thiên nhiên và yêu ẩm thực sẽ trỗi dậy trong bạn.
Dulichgo
Và thật vậy, bạn hãy hòa mình vào cái mát lạnh của biển, cái nóng rát của gió và trải nghiệm những điều bạn đã chưa từng làm, điều đó có nghĩa bạn đã sống thật ý nghĩa và biết tận hưởng cuộc sống này.

Hãy đặt chân đến nơi đây một lần, các bạn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp chân chất và mộc mạc nhưng rất giàu tình cảm hệt như chính con người nơi đây vậy.

Theo Mạnh Quân - Kim Trần (Xoay24h.com)
Du lịch, GO!

Thác Đắk Mai(Bình Phước)


Giáp ranh với nam Tây Nguyên, xã Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập) còn nhiều cảnh quan thiên nhiên hoang sơ huyền bí. Một trong những cảnh quan rất tuyệt ấy là danh thắng thác Đắk Mai. Đến đây, du khách có thể hòa mình với thiên nhiên, hít thở không khí trong lành, giao lưu tìm hiểu bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc bản địa trong những buôn sóc gần kề. 

Từ thị xã Đồng Xoài đến xã Bù Gia Mập khoảng 100km. Với các phượt thủ, đây cũng là một con đường có thể trải nghiệm cảm giác “phiêu” thót tim khi đi qua những khúc cua tay áo. Mùa này, những rẫy điều đang thay áo mới non xanh mơn mởn, các trụ tiêu thẳng tắp trong các khu vườn. Du khách có thể cảm nhận không khí bình yên, mát lạnh, trong lành trên suốt chặng đường đi.



“Phượt” là tuyệt!

< Thác Đắk Mai 1 vào mùa nước nhiều, trông xa như một chiếc khăn lụa trắng mềm mại, bọt tung trắng xóa.
Dulichgo
Từ ngã ba chợ Bù Gia Mập rẽ trái khoảng 5km vào thôn Bù Nga là đoạn đường tương đối thuận lợi, dễ dàng cho việc di chuyển. Phượt thủ có thể vừa đi vừa cảm nhận thiên nhiên xung quanh. Hương thơm của hoa cỏ ven đường như đưa du khách rời xa thực tế, và xả stress. Những dãy núi mờ sương của Tây Nguyên hùng vĩ hiện ra trước mắt. Gần tới thác khoảng 1km là cung đường vàng dành cho các tay lái lụa. Đường khó đi, cảm giác hứng thú và muốn chinh phục ngay lập tức ngập tràn.



Chinh phục hết cung đường rừng gập ghềnh, phần thưởng cho các phượt thủ là một thác nước tuyệt vời hiện ra trước mắt. Thác Đắk Mai rộng khoảng 45m, nằm trải dài trên suối Đắk Mai. Mùa mưa, lưu lượng nước đổ về rất lớn, tạo nên vẻ đẹp hùng vĩ. Dòng nước trên thác chảy dữ dội, bọt tung trắng xóa. Mùa khô, lượng nước ít hơn nhưng thác Đắk Mai vẫn tuôn chảy, tĩnh lặng và hiền hòa. Hơi nước mỏng li ti như những giọt sương giăng mờ, bao phủ dưới mặt nước tạo nên khung cảnh thơ mộng.

Đi trên mặt thác, du khách có cảm giác lạc vào một thế giới lãng du. Bàn chân bước trên những phiến đá cuội tròn vo, trơn trượt. Đi trên bãi đá trơn, phải dò dẫm nên có cảm giác khá “căng”. Tuy nhiên, phần thưởng dành cho du khách là được dòng nước mát lạnh vỗ về đôi chân trần. Ở đây, du khách có thể ngắm nhìn những phiến đá hàng ngàn năm bị nước bào mòn, tạo nên những hình thù rất lạ.



Đến với thác Đắk Mai, du khách cũng có thể khám phá “giếng trời” rất tuyệt. Hai giếng trời được hình thành bởi lực xoáy của dòng nước. Phía hạ nguồn của thác là những tảng đá dài. Hai bên bờ thác là những khóm lồ ô, tre, nứa xanh ngút ngàn. Căng bạt, dựng lều trại, du ngoạn và hòa mình vào thiên nhiên trên thác Đắk Mai là một trải nghiệm thú vị của du khách và các phượt thủ!

Lưu dấu đắk mai
Dulichgo
Quần thể Vườn quốc gia Bù Gia Mập có rất nhiều thác nước tự nhiên như thác Đắk Sam, Đắk Đo, Đắk Pô... Mỗi thác nước thường gắn với những câu chuyện, những huyền thoại riêng về lịch sử của đồng bào bản địa Mơnông, Xêtiêng. Tuy nhiên, thác Đắk Mai lại lưu giữ những câu chuyện lịch sử của cha ông về một thời đấu tranh thống nhất đất nước.



< Cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, không khí trong lành, mát mẻ, thác Đắk Mai 1 được nhiều người tìm đến tham quan, vui chơi 

Năm 1962, khu vực suối Đắk Mai là căn cứ của Ban an ninh khu 10 - tiền thân của lực lượng công an Bình Phước. Sau chiến thắng Phước Long - Đồng Xoài năm 1965, đế quốc Mỹ chuyển hướng sang chiến lược “Chiến tranh Cục bộ”. Lượng lớn quân viễn chinh, chư hầu và quân đội Việt Nam Cộng hòa đã được điều động để chống phá cách mạng. Ban an ninh khu 10 đã chọn khu vực thác Đắk Mai làm căn cứ - căn cứ Cầu Dây. Tại đây, ban đã tham mưu và trở thành nòng cốt trong phát động toàn dân nâng cao tinh thần cảnh giác, nhận thức âm mưu, đập tan các thủ đoạn của địch, bảo vệ tuyệt đối an toàn cho Trung ương Cục và Khu ủy.

Chiến tranh đã đi qua, thác Đắk Mai hôm nay trở về với vẻ đẹp yên bình vốn có. Đắk Mai lại mở rộng lòng mình đón những du khách gần xa đến với vẻ đẹp yên bình của Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Thanh thiếu niên Bình Phước đã trở về với thác, hòa mình với thiên nhiên hoang sơ, nghe lại lịch sử cha ông trên mảnh đất quê hương một thời khói lửa.

< Giếng trời trên thác Đắk Mai.
Dulichgo
Những phượt thủ từ thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và các tỉnh liền kề cũng đã tìm đến nơi đây. Họ hân hoan muốn được khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn của núi rừng mà thiên nhiên đã ban tặng và thỏa niềm đam mê khi được đặt chân xuống dòng suối Đắk Mai, nghe thác Đắk Mai ca bài ca trường tồn.

Ngày 6-8-2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1679/QĐ-UBND xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh thác Đắk Mai 1. Việc công nhận thác Đắk Mai 1 là di tích cấp tỉnh nhằm bảo vệ di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh vườn quốc gia Bù Gia Mập; đồng thời phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, tuyên truyền bảo vệ môi trường và phát triển du lịch sinh thái toàn khu sau này. 

Theo N.Linh (Báo Bình Phước)
Du lịch, GO!

Thác Đắk Bô (Bù Gia Mập-Bình Phước)


Vườn Quốc Gia Bù Gia Mập là khu vực chuyển tiếp từ Tây Nguyên xuống vùng đồng bằng Đông nam bộ, với độ cao dưới 1000m so với mặt nước biển. 

< Thác Đắk Bô 2. 

Trong vườn có khoảng 20 con suối lớn nhỏ với nhiều thác nước đẹp như: Đắk Mai, Đắk bô, Đắk ca, Đắk Rốt, Lưu ly, Đắk Sam... và một trong những thác nước rất đẹp mà mỗi du khách khi đến đây thì không thể bỏ qua đó là thác Đắk Bô.



< Theo đường tuần tra biên giới để đến thác.

Thác Đắk Bô nằm ở phía Đông Bắc của Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Thác có 3 tầng, mỗi tầng là một bãi tắm rất đẹp có thể chứa được hàng trăm người. Đặc biệt xung quanh thác là những sinh cảnh rừng nguyên sinh bát ngát và thơ mộng đem đến sự bình yên, những cảm giác, và những kỷ niệm không bao giờ quên mỗi khi du khách đặt chân đến nơi này.



< Hành trình chuẩn bị vào khu vực Giếng Trời - VQg Bù Gia Mập.
Dulichgo
Tuy vậy, những từ ngữ này không thể lột tả hết vẻ đẹp của thác, những kỷ niệm của chuyến đi, mà chỉ khi chúng ta đặt chân tới đó, hòa mình vào dòng thác trắng xóa, tham gia trò mát xa bằng nước... thì mới thấy được cảm nhận thực sự như thế nào.



< Một số hình ảnh khu vực Giếng Trời.

Cung bậc cảm xúc luôn phải thay đổi, sững sờ luôn phải thốt lên tiếng 'Ồ', 'Oa – đẹp quá', 'Oh my God'… cảm giác thích thú khi được “tắm tiên”, hòa mình vào dòng nước mát lạnh, được hành quân giã ngoại trèo đèo lội suối tựa như các chiến sỹ bộ đội Cụ Hồ, được hòa mình với thiên nhiên được trải nghiệm cuộc sống hoang dã với những món ăn mới lạ…

Đó là những điều lý thú mà du khách có thể cảm nhận qua chuyến thăm quan tuyến Giếng Trời – Thác Đắc Bô.



< Khám phá Hang Dơi trên đường vào thác.



< Hành trình vượt thác Đắk Bô 1 để lên thác 2.
Dulichgo
Để khám phá được thác Đắk Bô, du khách sẽ vượt qua quãng đường trên 50 km đi bằng xe máy trên tuyến đường tuần tra biên giới tuyệt đẹp men theo con sông Đắk huýt là ranh giới giữa Việt Nam và Cambodia. Tuyến đường Tuần tra biên giới này cũng sẽ chạy xuyên rừng Vườn Quốc Gia Bù Gia Mập với những dốc đèo uốn lượn bên trên là những tán rừng xanh mát sẽ thật thú vị khi chính bạn là người cầm lái chinh phục tuyến đường này. 



Trên tuyến đi Giếng Trời – Thác Đắk Bô du khách còn được ghé Hang Dơi – Hang Trung đoàn. Hang dơi hay hang Trung đoàn cách đường TTBG khoảng 02 km trên đường đi du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của sinh cảnh rừng Lồ ô xen cây gỗ, rừng Nứa, Le thuần loài tựa như những rừng Trúc trong phim “Thập diện mai phục”.



< Du khách tắm thác.

Hang dơi – Hang Trung đoàn có miệng hang rộng chừng 25m cao chừng 10m đến 15m trong hang rộng chừng 5000m2, trong thời kỳ kháng chiến đã từng có 1 trung đoàn đóng quân tại đây. Bên trên hang dơi là một suối nước vào mùa mưa Hang dơi tựa như “Hoa quả sơn” của “ Tôn ngộ không”.
Dulichgo
Cuối cùng, sau khi đi qua khu vực Giếng Trời và đi bộ khoảng 4 km băng rừng, lội suối... bạn sẽ đến thác.



Khu vực Giếng Trời là bãi đá bằng phẳng rộng khoảng 200m², bên cạnh đó là dòng suối Đắk Bô kéo dài đến thác với 2 dòng nước chảy tựa như hai hồ tắm thủy lực cùng một bãi nước rộng 100m² tựa như một hồ bơi nhân tạo.

Sở dĩ nơi đây được gọi là Giếng Trời vì trên bãi đá rộng bằng phẳng này là một khoảng không rộng nơi mà ánh mặt trời, ánh trăng thường xuyên chiếu xuống 24/24 giờ trong khi các chỗ khác lại bị che phủ bởi rừng già. Đặc biệt hơn khu vực “Hồ tắm thủy lực” có một hố tròn có đường kính khoảng 2m sâu 1,5m nằm giữa trời quanh năm có nước chảy qua kể cả khi các con suối khác đã cạn kiệt.



< Lửa trại, cẩn thận để tránh cháy rừng nhé.

Ngoài ra trong hành trình khám phá thác du khách sẽ được tham gia trò chơi bắt cá suối, thưởng thức những món ăn truyền thống của người dân địa phương như: Cơm nấu bằng ống lồ ô, canh thục, canh chua nấu với cá suối, măng rừng kho thịt...
Dulichgo
Chắc chắn rằng, chuyến hành trình thăm thác Đắc Bô sẽ là là những kỷ niệm khó phải nhòa về một vùng đất đẹp còn rất hoang dã.

Lưu ý: Thác này có đến 2 thác cùng trên một dòng chảy, đó là Thác Đắk Bô 1 và Thác Đắk Bô 2 (còn gọi là Thác 3 tầng) - vượt thác 1 để đến thác 2. 

Du lịch, GO! tồng hợp từ web VuonquocgiaBugiamap

Nếu chỉ có 1 ngày ở Bali

Một tuần ở Bali có khi cũng không đủ để khám phá hết, nhưng nếu chỉ có một ngày và một lịch trình phù hợp, bạn vẫn có thể cảm thấy hài lòng.
Nếu bạn chỉ có một ngày ở đảo Bali (Indonesia), có một số nơi và một số việc bạn nhất định không thể bỏ qua. Hãy sẵn sàng cho 24 tiếng và chắc chắn bạn vẫn đủ thời gian để tận hưởng được cả nắng vàng, biển xanh, cát trắng, những khu rừng nhiệt đới, hàng loạt ngôi đền đạo Hindu, thác nước và nhiều điều tuyệt vời khác nữa.

neu-chi-co-1-ngay-o-bali-ivivu-1
Vị trí các điểm tham quan và ăn uống trên bản đồ đảo Bali cho một ngày của bạn.
Để chuẩn bị cho chuyến đi, nên sắp xếp trước với một tài xế hoặc hướng dẫn viên địa phương. Đảo Bali rộng và đường đi lại khó khăn. Nếu chỉ có một ngày, bạn sẽ không đủ thời gian để tự lọ mọ.
Nhớ mang theo tiền địa phương, đồng Rupee Indonesia (viết là IDR, tỷ giá 1 IDR = khoảng 1,8 VND) vì chỗ rút tiền và các quầy đổi tiền không nhiều.
Tiền tip là không bắt buộc, nhưng nếu có thể bạn hãy “boa” một chút ở quán ăn hoặc các dịch vụ khác (phí dao động từ 10 đến 50 nghìn IDR), đặc biệt là những nơi không thu phí dịch vụ (Service charges) của bạn.
Khi vào đền, nên nhớ là đầu gối và vai không được để trần. Nên mang theo sarong (hoặc váy áo che tay), nếu không, có thể mượn (thuê) ở các cửa đền. Khi thấy có nhóm người đang cầu nguyện, nhớ đi phía đằng sau họ.
Người Bali không quan tâm đến việc bạn chụp ảnh họ, dù vậy sẽ thoải mái hơn nếu xin phép họ trước khi chụp.
Giờ thì bạn đã có thể sẵn sàng cho một ngày ở Bali, theo hướng dẫn của Tripadvisor:
Điểm đến đầu tiên: đền Pura Luhur Batukaru (thời gian lưu lại: 1 tiếng)
Nằm dưới chân ngọn núi Batukaru, ngôi đền này rất thiêng liêng đối với người theo đạo Hindu ở Bali. Được xây dựng từ thế kỷ 11, nơi đây là sự giới thiệu lý tưởng nhất cho khách du lịch về văn hóa bản địa. Một số khu vực trong đền sẽ đóng cửa vào các ngày kỷ niệm đặc biệt trong năm của người Hindu.
Điểm thứ hai: Ruộng bậc thang Jatiluwih (gần 1 tiếng)
neu-chi-co-1-ngay-o-bali-ivivu-2
Ruộng bậc thang nổi tiếng ở Bali. Ảnh: Mayong
Ruộng bậc thang này đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới, là nơi tuyệt vời để bạn tận hưởng thiên nhiên với tầm nhìn mở rộng, hoàn toàn thư giãn. Chắc chắn bạn sẽ chụp ảnh lia lịa khi đến đây. Hãy nhớ bảo hướng dẫn viên nói với bạn về “Subak” – một phương thức canh tác nông nghiệp truyền thống của người dân địa phương.
Dùng bữa trưa tại nhà hàng Á J Terrace (khoảng 1-2 tiếng).
Hãy ăn trưa theo kiểu người Bali tại đây, vừa ăn và vừa ngắm cảnh. Nên gọi món “nasi goreng” (cơm rang) hoặc “nasi campur” (cơm trộn).
Điểm đến thứ ba: Chợ Pasar Merta Sari (khoảng 1 tiếng)
Khu chợ địa phương đầy màu sắc này bán rất nhiều loại hoa quả, gia vị, rau, hoa lan… được chính người dân địa phương trồng. Đây là nơi tuyệt vời để có được những món quà lưu niệm có một không hai. Hãy mua một một nải chuối và cho bọn khỉ, mà chắc chắn bạn sẽ gặp trên đường về, ăn nhé!
Điểm đến thứ tư: Thác Gitfit (khoảng 1 đến 2 tiếng)
Còn được gọi là Thác sinh đôi, Gitgit nằm rất gần đường chính và chỉ mất 15 phút đi bộ. Đây là một nơi tuyệt vời để bạn tạm thời “hạ nhiệt” trong những ngày nắng nóng. Một hướng dẫn viên sẽ chỉ cho bạn từng loài hoa và thực vật trên đường đi. Nhớ mang theo quần áo để thay nếu bạn có ý định bơi tại đây.
Điểm đến thứ năm: Đền Ulun Danu (khoảng 1 tiếng)
neu-chi-co-1-ngay-o-bali-ivivu-3
Bạn sẽ không hối hận khi đến Ulun Danu.
Đền Ulun Danu Bratan nằm bên bờ hồ Bratan, trên núi cao, có khí hậu rất dễ chịu. Đây là một trong những ngôi đền được nhiều khách du lịch viếng thăm, nên nếu có quá nhiều người chụp ảnh thì bạn cũng đừng cảm thấy khó chịu. Và đừng quên dành nhiều thời gian tham quanh các khu vực xung quanh, bởi ngoài hồ nước và đền chính, còn rất nhiều thứ thú vị mà bạn có thể khám phá.
Điểm đến thứ sáu: Đền Tanah Lot (khoảng 1-2 tiếng)
Tanah Lot là hình ảnh mà bạn sẽ thấy ở mọi tờ rơi giới thiệu về du lịch Bali. Tanah Lot gồm 6 ngôi đền xung quanh, được coi là những vị thần bảo vệ Bali khỏi những điều xấu. Bạn sẽ có cơ hội cùng người dân địa phương xếp hàng để được nhận ban phước lành. Hãy tính toán thời gian để đến đây khi thủy triều thấp để bạn có thể đi bộ ra đền. Đừng quên mang theo máy ảnh vì đây là một trong những nơi chụp ảnh hoàng hôn tuyệt vời nhất.
Ăn tối ở nhà hàng hải sản Melasti (khoảng 1 tiếng)
Cho dù đây không phải là nhà hàng có tiếng ở Bali, nhưng bù lại, bạn sẽ có chỗ ngắm hoàng hôn lý tưởng. Đó sẽ là đoạn kết cho một ngày hoàn hảo của bạn ở hòn đảo đáng yêu này. Nhà hàng nằm ngay gần đền Tanah Lot.

Nusa Dua – vẻ đẹp một ‘nàng thơ’ (Bali-Indonesia)

Một lần tình cờ đọc trên mạng bài viết nói Kuta không phải là “nàng thơ” của Bali (Indonesia), Kuta thì chắc chắn không phải rồi, nhưng tôi tự hỏi mình vậy ai/cái gì ở Bali mới là cô gái mơ mộng ấy?
Nói đến đảo thiên đường Bali, ngoài đền đài, văn hóa, không thể không nhắc đến bãi biển. Các bãi biển nổi tiếng đều tập trung ở mũi phía Nam, gần thủ phủ Denpasar.

“Nàng thơ” mơ mộng
Nằm cách thủ phủ Bali khoảng 40km và chỉ cách Kuta chừng 20 phút chạy xe, Nusa Dua ví như một cô gái có nhan sắc và hơi kiêu kỳ. Kỳ thực bất kỳ ai cũng tìm được cho riêng mình một con đường mơ mộng để dạo chơi, tắm nắng hay ngồi lơ đãng dưới tán cây trên bờ cát, thả hồn nghe tiếng sóng vỗ vào bờ ì oạp.
Các bãi biển ở Nusa Dua thường vắng vẻ, yên tĩnh và mộc mạc. Nước trong, sóng nhỏ, bơi lội an toàn và phù hợp cho chơi chèo ván thay vì lướt sóng – môn thể thao điển hình được nhiều du khách ưa thích khi đến du lịch Bali.
Trên bản đồ, bờ biển Nusa Dua nằm ở sườn Đông đảo Bali, trải dọc về phía Nam rồi nhô ra biển như thể có hai chiếc càng cua ôm nước vào lòng. Trên hai mỏm càng cua nhô ra đó, cây cối xanh um tùm, mát mắt và hiền hòa.
Trên lối mòn cong cong uốn mình theo bờ biển, người ta chạy bộ, đạp xe, đi ván trượt, chậm chạp tận hưởng cuộc sống qua từng phút giây.
Nusa Dua: nàng thơ xinh đẹp - Ảnh: Thủy Trần
Nusa Dua: nàng thơ xinh đẹp – Ảnh: Thủy Trần
Bán đảo xanh - Ảnh: Thủy Trần
Bán đảo xanh – Ảnh: Thủy Trần
Lối mòn ven biển là nơi thư giãn của nhiều người - Ảnh: Thủy Trần
Lối mòn ven biển là nơi thư giãn của nhiều người – Ảnh: Thủy Trần
Chúng tôi quyết định ghé vào một quán cà phê lớn trên bờ cát. Quán cà phê “thuyền hải tặc” dường như bị mắc cạn được điểm trang xinh xắn, những ngôi nhà bằng tre nứa treo lủng lẳng trên cây như tổ chim, những chiếc lều rơm được bài trí như hội trại, tạo không gian riêng tư và lãng mạn cho khách hàng.
Sau khi ngụp lặn thỏa thuê dưới làn nước xanh trong, mọi người lên bờ uống ly nước dừa, ăn ly kem mát lạnh và thưởng thức vài món ăn địa phương điển hình.
Các bãi biển biển luôn mở rộng cửa
Nếu như Kuta, Leigian ở mạn Tây Nam là bãi biển của quán bar, nhà hàng, cửa hiệu, của ồn ào và náo động thì Sanur với Nusa Dua ở mạn Đông Nam lại hấp dẫn du khách bằng vẻ đẹp dịu dàng và mơ mộng.
Nhiều người đánh giá Nusa Dua là bãi biển đẹp hàng đầu ở Bali có lẽ không sai nếu so sánh với các bãi biển khác đã được khai thác du lịch trên đảo này và xét ở tầm quy mô tương đương.
Đó là một bãi biển xinh đẹp với những bờ cát trắng chạy dài, thoai thoải dưới nền trời xanh và một loạt khu nghỉ dưỡng cao cấp và sang trọng được kiến tạo thân thiện và gần gũi với môi trường. Lần đầu tiên đến đây, chúng tôi đã bị “ngợp” bởi sự tinh tế và cuốn hút của các khu resort ven biển.
 Thỉnh thoảng lại có một lễ rước đi qua - Ảnh: Đức Hùng
Thỉnh thoảng lại có một lễ rước đi qua – Ảnh: Đức Hùng
Ở quán cà phê “thuyền hải tặc” - Ảnh: Thủy Trần
Ở quán cà phê “thuyền hải tặc” – Ảnh: Thủy Trần
Thay vì tham gia các trò chơi như chạy xe máy nước, chơi dù lượn, cưỡi thuyền buồm hay thậm chí học ngay một khóa lướt ván cơ bản, chúng tôi lại chọn một chiếc lều trên cát để nằm đọc sách và nghe nhạc, vu vơ ngắm một Nusa Dua lộng lẫy trong màu xanh dương rạng ngời.
Nusa Dua được quy hoạch toàn diện với một nền tảng cơ sở hạ tầng rất tốt: bờ cát, thảm cỏ, hàng cây, hoa lá, con đường đô thị và lối mòn ven biển cùng vô số khách sạn và nhà hàng, khu dịch vụ được bố trí hợp lý, tạo không gian yên lành và thân thiện cho bãi biển.
Nhưng dù được đầu tư và chăm sóc kỹ lưỡng, các bãi biển không hề bị “đóng cửa” và có sự phân biệt đối tượng sử dụng, bất kỳ người nào cũng có quyền đến đây bơi lội, dạo chơi hay vui đùa. Chính vì thế không chỉ du khách mà dân địa phương đều hưởng lợi.
Nơi sóng biển gặp đá
Rất khó để có thể dịch “water blow” – một từ khá phổ biến chỉ một địa điểm nổi tiếng trên bán đảo Nusa Dua ra tiếng Việt. Trên mỏm càng cua lớn hơn, nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện quốc tế hay triển lãm tầm cỡ thế giới, trên bờ Ấn Độ Dương, sự kỳ diệu của mẹ thiên nhiên đã tặng cho Nusa Dua một danh thắng.
Ghềnh đá nhô ra trên biển có một lỗ hổng lớn, khi nước biển tràn vào đập vào vách đá và phun trào ngược lên cao, tạo nên một hiện tượng tự nhiên độc đáo. Chỉ cần hỏi “water blow”, bất kỳ người địa phương nào ở đây cũng có thể chỉ đường cho bạn một cách dễ dàng.
Chúng tôi ngồi trên ghềnh đá nhìn ra Ấn Độ Dương xanh thẳm. Sóng trắng xóa đánh vào bờ, bắt đầu mạnh dần lên. Nước phun trào ngày càng cao và lớn, bao phủ toàn bộ đoạn ghềnh, phủ kín cả cây cầu tham quan mà chính quyền đã cho xây để phục vụ du khách.
Nhiều người thích thú đứng đợi sóng, ai đó chỉ muốn chụp hình thì bao phen hốt hoảng, thậm chí chạy không kịp khi sóng trào lên, đành chấp nhận ướt sũng với nụ cười sảng khoái.
Quá trình gặp gỡ của sóng biển và đá tạo thành “water blow” - Ảnh: Đức Hùng
Quá trình gặp gỡ của sóng biển và đá tạo thành “water blow” – Ảnh: Đức Hùng
Du khách thích thú đón chờ sóng từ “water blow” - Ảnh: Đức Hùng
Du khách thích thú đón chờ sóng từ “water blow” – Ảnh: Đức Hùng
Tôi đứng mãi phía bên kia của ghềnh đá, dõi nhìn theo những con sóng tấp vào bờ ào ạt. Chúng đang chơi trò đuổi bắt, cùng đâm sầm vào vách đá, chồng lên nhau như những tầng tháp, rồi xô đẩy nhau vươn lên cao đạt đỉnh trước khi hạ xuống, reo vui rút ra biển.
Quy trình ấy cứ lặp đi lặp lại nhưng không theo quy luật cao thấp nào và không ai trong chúng tôi có thể ước tính được độ cao và độ lớn của sóng.
Đôi khi tôi thấy mình hơi chóng mặt nhưng quá là ấn tượng và diệu kỳ. Thì ra nàng thơ xinh đẹp và dịu dàng Nusa Dua cũng có lúc tinh nghịch và đáo để, biết tặng cho du khách thứ cảm xúc nhớ đời nơi sóng biển gặp đá – “water blow”.

Bài đăng phổ biến