Thứ Ba, 2 tháng 12, 2014

Du lịch Malaysia: Penang-Kuala Lumpur-Melaka [phần 1]

Tình cờ quay trở lại Malaysia sau tròn 2 năm, mình muốn viết một post tổng hợp những kinh nghiệm du lịch Malaysia mà mình đã trải qua, một phần là có cớ xem lại những bức ảnh tào lao trước đây, một phần là để giúp các bạn có ý định đi du lịch tự túc Malaysia có thêm thông tin. 


Lịch trình của mình không xuyên suốt từ
Penang - Kuala Lumpur - Melaka theo chiều từ Bắc xuống Nam mà chia làm 2 chặng
- Lần thứ nhất mình di chuyển bằng máy bay từ Hà Nội đến Kuala Lumpur, sau đó đi xe bus từ KL đến Melaka, Singapore. Cuối cùng là từ Singapore bay nối chuyến qua KL lần nữa để về Hà Nội.
- Lần thứ hai mình di chuyển bằng xe bus từ Hat Yai, thành phố biên giới Thái Lan tới Penang. 

Cá nhân mình cho rằng, ngoại trừ thời gian di chuyển, thì dành cho Penang 2 ngày, Melaka 2 ngày và Kuala lumpur 3 ngày là thời gian hợp lý. 
Malaysia là nước nhiệt đới, nhiệt độ thường xuyên là khoảng 29-32 độ, độ ẩm khá cao giống như Hà Nội. Vì vậy các bạn nên mặc đồ thoáng mát nhẹ nhàng thấm mồ hôi. Tuy nhiên, Malaysia lại là nước theo đạo Hồi, nên các khu trung tâm thương mại hoặc các khu dịch vụ công cộng xe bến xe, bến tàu,... thường bật điều hòa rất lạnh để phục vụ những người theo đạo ăn mặc truyền thống, tức là quấn chăn kín mít. Các bạn có thể mang theo khăn hoặc áo khoác mỏng để tránh bị sốc nhiệt.

Khi chọn chỗ nghỉ lại Kuala lumpur, các bạn nên biết một chút về bản đồ của thành phố này. KL có 11 quận, trong đó Bukit bintang là quận trung tâm, dịch vụ và di chuyển thuận tiện nhưng giá cả đắt đỏ hơn một chút. Các bạn có thể tham khảo bản đồ này để chọn các phương án ở hợp lý hơn, rẻ hơn mà không bị xa trung tâm nhé. Phần 2 mình sẽ nói kĩ hơn về accomodation ở Melaka và Penang.


Ở Kuala lumpur, các bạn có thể dễ dàng lựa chọn phương tiện di chuyển công cộng là tàu điện trên không như bản đồ dưới đây









Màu Xanh lá mạ Monorail Line: tuyến đi lại chính trong thành phố.
Màu Đỏ Kelana Jaya Line: tuyến đi tới khu China Town, Nhà thờ Hồi giáo, Cột cờ cao nhất thế giới

Màu Nâu KTM Komuter: tuyến đi động Batu
Màu Xanh biển KTM Komuter: tuyến đi Mid Valley, tổ hợp shopping lớn nhất KL

Màu Xanh ngọc KLIA transit: tuyến tàu chậm từ sân bay KLIA/KLIA2 về thành phố
Màu Tím KLIA Ekpress: tuyến tàu nhanh từ sân bay KLIA/KLIA2 về thành phố
 




Nói qua một chút về sân bay ở Kuala Lumpur, các bạn cần chú ý có 2 sân bay khác nhau là sân bay
KLIA và sân bay KLIA2 trong đó KLIA2 là sân bay giá rẻ vừa khai trương vào tháng 5 vừa qua, thay thế cho LCCT cũ. KLIA2 dành cho các hãng hàng không giá rẻ, trong đó nổi bật nhất là đại diện chủ nhà Air Asia, tiếp đến là Malindo Air, Cebu Pacific Air, Tiger Airways Singapore, Lion Air. Ngoài ra các bạn có thể chọn xe buýt của một số hãng như Skybus, Aerobus để về KL Sentral với giá 10 RM. Nếu muốn đến một số thành phố khác tại Malaysia như cao nguyên Genting, phố cổ Malacca, thành phố biên giới Johor Bahru, bạn cũng có thể mua vé xe buýt ngay tại sân bay KLIA2 với một số hãng như Jetbus, Aerobus, Transnasional, YoYo.

Sân bay quốc tế Kuala Lumpur là một trong những sân bay lớn nhất và hiện đại nhất châu Á. Rộng đến nỗi phải bố trí tàu điện trong sân bay để hành khách di chuyển xuyên suốt sân bay, nếu không chắc chắn là sẽ trễ giờ.
Ở Melaka và Penang, các bạn có thể dễ dàng thuê xe đạp hoặc xe máy để di chuyển tham quan trong thành phố với giá 9RM/xe đạp và 15RM/xe máy. Ở đây, cảnh sát sẽ yêu cầu bạn phải có bằng lái xe mới được điều khiển xe máy nếu không mức phạt sẽ rất nặng, nên nếu bạn nào có bằng lái xe thì mang đi cho yên tâm nhé, không quan trọng là bằng lái quốc tế hay không.Ở Kuala Lumpur thì mình không dám chắc là khách du lịch có thể thuê xe máy tự di chuyển theo ngày được hay không, cái này chắc là phải có thổ địa rồi.

Cách di chuyển đắt đỏ nhất, đương nhiên vẫn là đi taxi. Dù gọi taxi tính theo chặng cố định (Coupon Taxi) hay tính theo đồng hồ (Metered Taxi) thì chi phí cũng phải gấp ba, gấp bốn lần các phương tiện giao thông công cộng.

Đơn vị tiền của Malaysia là đồng Ringit, viết tắt là RM, có tỉ giá bằng 7000vnđ. Mức sống ở Malaysia có thể nói là ngang bằng, thậm chí là thấp hơn ở Việt Nam một chút, trừ Kuala Lumpur. KL đắt đỏ với người khách du lịch và với chính người bản xứ. Bởi lẽ  KL là thủ phủ kinh tế của Malaysia với  mức thu nhập bình quân đầu người khoảng xấp xỉ 1500$, tức là cao hơn mức thu nhập trung bình cả nước 66%. Các bạn sẽ nhận thấy rất rõ sự khác biệt này khi di chuyển giữa 2 thành khố Luala Lumpur và Penang.

Một số hình ảnh tại thành phố Kuala Lumpur

Quầy sách cũ tại nhà ga KL Sentral



Đến Kuala Lumpur các bạn đừng bỏ lỡ cơ hội ngắm nhìn toàn thành phố trên tòa tháp đôi nổi tiếng Petronas. Nằm tại vị trí trung tâm của quận Bukit Bintang, tòa tháp biểu tượng của Malaysia này thu hút hàng trăm lượt tham quan mỗi ngày, t9h sáng tới 9h tối dù giá vé không hề thấp (80Rm có giá trị tương đương 550.000vnđ) Để tiết kiệm thời gian xếp hàng, các bạn có thđặt vé qua website http://www.petronastwintowers.com.my/ 


Putrajaya, hay còn được biết với cái tên New City, là thủ phủ kinh tế mới của Malaysia nằm cách trung tâm KL khoảng 25km. Đây là một dự án của chính phủ nhằm mở rộng thành phố, giãn mật độ dân cư trung tâm, đồng thời kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và đô thị. Dự án được triển khai từ năm 1999.
Một ghi chú nhỏ cuối cùng là các bạn hãy sử dụng Airbnb với các chuyến du lịch bụi vì đây là một mạng lưới homestay hoặc cho thuê lại nhà rất kinh tế. Đăng ký AirBnb khá lâu nên các bạn nên chủ động tìm hiểu và download trước khi đi. Hãy sử dụng code này để được giảm tới 23$ cho lần đặt phòng đầu tiên, www.airbnb.co.uk/c/hoanganhd2?s=8  Ví dụ với một nhóm 4 người, các bạn hãy đăng ký 4 accounts và sử dụng code trên để lần lượt đặt phòng là các bạn đã tiết kiệm được 23$ cho mỗi đêm trong vòng 4 đêm rồi đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến