Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014

Các món ăn đường phố của Thái Lan - Thailand streetfood.

Bài viết cộng tác với afamily.vn
 

Vâng, trì hoãn đã lâu, mình xin trả nợ các bạn bài viết về các món ăn đường phố của Thái Lan. Cũng giống như ở Việt Nam, việc chọn ra các món ăn vặt đặc trưng là cực kì khó, thậm chí phải nói là không thể, mình ưu tiên các món cá nhân mình hay gặp nhất và phù hợp với khẩu vị của mình nhất. Ngoài ra sẽ có nhiều nhiều món ăn khác mà các bạn sẽ gặp  nhưng mình xin phép không trình bày dưới đây vì mình không hoặc chưa dám thử (cay chẳng hạn). Tuy nhiên, nếu các bạn có bất cứ thắc mắc nào về thành phần nguyên liệu hoặc tên gọi, các bạn có thể chụp ảnh món ăn để mình trả lời hoặc thử khi có dịp được không?

1. Trà sữa Thái : khỏi cần nói nhiều về độ hót, mình xin giới thiệu luôn em nó.


Trà sữa Thái có màu cam do pha trà đỏ/hong cha đặc với sữa. Cái món sữa này gồm 2 loại sữa lận : sữa đặc có đường và non-dairy creamer (cái này không biết dịch ra sao). Các bạn có thể dễ dàng món cha-nom-yan này ở bất cứ đâu, với giá dao động từ 25-30baht, tức là khoảng 14 đến 20k một bịch. Ở Samui nhà quê thì chỉ 30baht 1 bịch to thôi, uống no thì nghỉ. Rồi uống tiếp.

Cho thằng em lên bài luôn khà khà

Ngoài ra, trà Thái (không sữa) cha-yan cũng là một món rất ngon các bạn nên thử. Có 2 loại, loại lemon iced tea tạm dịch là trà chanh thì rất chua, cũng có màu đỏ, cái món có giá 60k trong menu của Thai express ấy, loại thứ hai là loại Thai iced tea tạm dịch là trà đá thì rất ngọt, hai món này cũng có màu cam đậm, giá rẻ hơn trà sữa, chỉ khoảng 10-20baht/bịch. Mình hay uống trà này ở các hàng ăn hơn ở vỉa hè.
Đây là nhãn trà rất nổi tiếng ở Thái, như là cafe Trung Nguyên của Việt Nam vậy. Bạn nào đi Thái nhớ tìm mua loại này nhé. Các sản phẩm bao gồm cả trà lá, trà túi lọc, trà uống liền, trà sữa. Giá khoảng 160k/bịch, đắt hơn trà sữa Nestle 90k
2. Xúc xích nướng : món này viết là /nam/ đọc là ném. Loại xa nhất ăn giống hệt nem chua Thanh Hóa, đậm đà hơn và có nhiều tỏi, loại tiếp theo là xúc xích cà-ri hơi cay, loại thứ 3 là nhân miến, ít hương vị nhất trong số 4 loại, cuối cùng là xúc xích xay.  Có khoảng 6-7 loại kiểu này, mình xin giới thiệu 4 loại có trong hình thôi, thơm ngon nóng hổi rất hợp để uống bia.
Mỗi loại có giá 15baht, cỡ nhỏ hơn là 10baht, tức là 7-10k

3. Nước hoa quả ép hoặc xay với đá hoặc sữa/sữa chua: nước quýt, nước lựu, nước ổi, nước dưa hấu, nước chanh sả, nước nho, nước nha đam .. đóng chai có giá từ 20-40baht, tức là 14 đến 30k. Nói thực là một vài loại không hề ngon hơn ở Việt Nam, hừm hừm ví dụ như ổi, tuy nhiên khá rẻ và tiện lợi. Mình khuyến khích các bạn thử nước quýt, nước dâu tây, nước lựu và nước chanh.


Strawberry sorbet - 35baht
Với những bạn thích vị chua gắt của chanh giấy Đà Nẵng thì nước chanh ở đây chắc chắn sẽ làm bạn hài lòng.
4. Đồ nướng đây!!!! Thịt lợn, thịt gà, mực, bạch tuộc, trứng, lòng mề nướng tuốt. Món khoái khẩu của mình là món thịt lợn nướng này ạ. Miếng thịt dày, to cỡ 2/3 lòng bàn tay, nướng than và quết sốt ngọt lịm có giá 15baht tức là 10k/xiên. 2 xiên này với 1 nắm xôi trắng là đủ bữa sáng rồi :D

Tên món là Moo young, moo là lợn.
Các bạn í có ti tỉ những món nướng như thế này, với các loại sốt khác nhau. Sốt màu vàng như thế này thường là cà-ri hơi cay.

Mực nhìn như trong manga nhỉ :))

Lòng mề gà, cánh gà, đùi gà, cánh gà nướng, có màu như thế này tức là cay ạ. 

Món cá nướng muối này cũng nên thử. Cá bọc trong muối khô nướng nguyên con trên than hoa. Một con cỡ 0.8 đến 1.0kg có giá 140-180 baht, tức là 90-120k, bán kèm rau sống và nước chấm cay. 


 5. Các món nước/trộn của Thái rất không giống đồ nước ở Hà Nội, có thể sẽ hơi giống đồ các bạn miền Nam vì có vị ngọt.
Mì/miến hải sản có giá 50 baht
Hải sản tự chọn, nếu có tôm tươi hoặc hàu sẽ có giá 80baht.
Đây là món nám-tọoc : nước dùng có tiết, ăn cùng bún và thịt lợn/gà

Bún trộn
Một vài lựa chọn cho các món nước/trộn. Giá chung cho các món ăn này là 40-50 baht, tức là 28-35k, có thể mùi và vị không quen nhưng mình khuyến khích thử lắm lắm ạ :) 

6. Pad Thai: món mì xào của Thái, món khoái khẩu nhất hiện nay của mình. Pad Thai có 3 loại sợi mì xào kèm 3 loại thịt : gà, lợn và tôm. Cách làm mình có post lên facebook rồi, bạn nào lười có thể mua gói gia vị xào về xào cùng bánh đa/mì chũ cũng được nhé.
Mình luôn chọn loại dẹt như bánh phở và tôm.


Cuối cùng là một vài món ăn vặt khác, ít gặp hơn, mời các bạn thưởng thức :
Đây là món nem của các bạn Thái, bên cạnh là chickenbreast stick. Độ ngon ở mức trung bình, vì mấy món này ở Việt Nam quá xuất sắc rồi ạ


Sushi tự chọn có giá 5 baht hoặc 10 baht, tùy vị trí của cửa hàng. Mua 10 tặng 1. Nhìn ngon mắt mà ăn cũng vui miệng, tính ra thì cũng bằng mua của các bạn online ở Hà Nội.
Kem dừa : đựng trong nửa quả dừa non, ăn kèm lạc và một vài loại topping. Giá 30-40 baht, tức là 20-27k.

Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

Wedding planner làm công việc gì?



Sau gần 2 tháng làm việc ở đây, trả lời gần trăm email và tham gia on-site khoảng 7 cái đám cưới, thì mình dễ dàng nhận ra lí do vì sao các cô dâu nước ngoài ít áp lực hơn dù họ tổ chức đám cưới từ xa. Lý do thứ nhất, đương nhiên là do tập quán. Ở Việt Nam, cưới (tất nhiên) là cho mình nhưng đám cưới là cho bố mẹ. Vì vậy cô dâu chú rể vừa phải hòa hợp dấu ấn cá nhân với cá tính của các bậc phụ huynh, vừa phải cân đối tài chính cho lượng khách mà người được mời sợ, người đi mời cũng sợ phải gặp nhau


Lí do thứ hai : họ sẵn sàng trả tiền cho wedding planner để thay họ quản lý mọi việc. Các bạn sẽ đặt câu hỏi là ở Việt Nam, một đám cưới trọn gói do nhà cung cấp địa điểm (khách sạn/resort/nhà hàng) trang trí từ đầu đến cuối, lo luôn cả tiệc welcome, thậm chí cả tiệc độc thân bucks and hens giống trong fim Hangover và reception/ăn tối/ăn trưa/buffet, còn make-up và chụp ảnh do nhà cung cấp dịch vụ hình ảnh (stuido/photographer/videographer) lo, ... thế thì có cần wedding planner lắm không? 

Câu trả lời của mình vẫn là CÓ!!! 

WP là người 
  • Thay các bạn liên hệ và khẳng định chất lượng các bên cung cấp dịch vụ, vì thế giải phóng bạn khỏi một mớ câu hỏi : ai, cái gì, bao nhiêu, ngày nào, ở đâu, có đẹp không, có ngon không, đã tốt hay chưa thay vì đi thử, đi hóng ti tỉ reviews từ các forum hoặc bạn bè. Chưa kể, trong một chuỗi các nhà cung cấp dịch vụ thân thiết, các WP sẽ có giá tốt và các điều khoản tốt hơn thay vì cô dâu tự deal.
  • Lên lịch hẹn với các bên đối tác để bạn thử dịch vụ, pick-up đồ và túm các đầu mối dịch vụ lại, cho bạn nhiều thời gian làm những công việc cá nhân khác.
  • Vào ngày cưới, thay vì cắt cử người nhà hoặc nhân viên của khách sạn - những người mà chức năng và chuyên môn của họ không hề liên quan đến cưới - chạy đôn chạy đáo để khớp chương trình và kiếm tra các dịch vụ như DJ, make-up, reception, chụp ảnh, WP sẽ ở đó chịu trách nhiệm về mọi thứ, mọi thành viên trong gia đình chỉ việc xinh đẹp có mặt để tận hưởng ngày vui của họ mà thôi. 
  • Vì WP không cung cấp dịch vụ nào trong đám cưới, họ có thể đứng từ xa quan sát và xử lý mọi vấn đề phát sinh, từ phía nhà cung cấp dịch vụ hay từ phía gia đình của cô dâu chú rể kịp thời và chu đáo.


Nói ra chuyện này một phần để các bạn dễ hình dung kẻo lại so sánh Tây với Ta, một phần vì bức xúc đã lâu mà không có dịp kể. Hồi lâu lâu rồi, trước khi có ý định theo nghề này một cách nghiêm túc, mình được mời ăn cưới mà có việc nên đến hơi muộn, lúc đó mọi người đã vào khán phòng xem hành lễ/ceremony. Bên khách sạn, đương nhiên không thích các dịch vụ từ bên ngoài, nên đã rút vào phía trong phòng cưới mặc kệ sảnh đón tiếp cho phía wedding planner. Lúc đi qua bàn reception, chắc cũng là thời điểm hết hợp đồng với cô dâu chú rể nên các bạn í dỡ một đống thùng các-tông để cất đồ trang trí ra chắn cả lối đi. Nhân viên không mặc đồng phục mải bê đồ ủi cả mông vào người khách mà không buồn quay lại xin lỗi. Mình loay hoay tìm được cửa ngách để vào thì cũng là lúc mọi người ăn uống rào rào rồi, lại hoay hoay tìm bàn trống để ngồi. Mấy bác khách thở dài gẩy gót đĩa thức ăn rồi mau chóng tìm người gửi phong bì và biến mất. Lúc đó mình đã nghĩ nếu không coi đám cưới của người ta như đám cưới của mình, chỉ chăm chăm làm theo hợp đồng, thì theo cái nghề này làm chi cho nó cực.


Thôi, không nói đích danh là các bạn bên Soulmate đâu kẻo bị cho ăn gạch há há


Lý do thứ ba : họ có timeline và checklist để theo dõi công việc và quản lý tài chính một cách cụ thể. Mục này thì xin hẹn post sau. Hiện nay mình đang hoàn thiện một vài nội dung cho website, trong đó có timeline, check list, budget spreadsheet phù hợp với tập quán cưới xin của Việt Nam, tất cả sẽ free download khi mình chuyển sang nhà mới.












Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

Canapé - nhỏ xinh nhưng đẳng cấp.

Hôm qua mình được mời đến một sự kiện do Vodka Absolut tài trợ với tư cách Activity Coordinator của resort cùng với rất nhiều các wedding planners khác trên đảo Samui. Cũng như triển lãm, hội chợ, workshop thì những sự kiện kiểu này là dịp networking tuyệt vời cho dân trong nghề gặp gỡ, giới thiệu và trao đổi công việc nhưng ở một mức độ thưởng thức chọn lọc hơn nhiều. Càng nhiều cái bắt tay rạng rỡ thì sự kiện càng thành công. Vì show thời trang và giải trí có màn nude của các lady boy - người đẹp chuyển giới nên khách mời bị cấm sử dụng các thiết bị ghi hình, đó là điều đáng tiếc nhất. Ở Việt Nam, mình ít khi đi những sự kiện kiểu này, nhưng từ khi sang đây, nó trở thành một phần của công việc. Ưu điểm duy nhất của công việc 'đi dự sự kiện' này là mình được thưởng thức ti tỉ loại Canapé khác nhau.






À, như tên của bài viết, mình sẽ không sa đà vào sự kiện này mà muốn nói đến một khái niệm ngon mắt hơn nhiều : Canapé. Thực chất, canapé chỉ là một (trong số rất nhiều) dạng của hors d'oeuvre - những món mời khách trước khi vào menu chính hoặc dùng thay món khai vị trong một menu 3 món. Hors d'oeuvre có chung đặc điểm là đều là những khẩu phần bé, có cỡ vừa miệng (bite-size) và vì thời điểm phục vụ món ăn là trước bữa ăn hoặc trong các sự kiện mà mọi người phải xã giao nhiều, phải đi qua đi lại gặp hết người nay người kia chào nên không rảnh rỗi để mà ngồi xuống ăn uống (như sự kiện mình vừa nêu trên) nên chúng thường mặn để khuyến khích khách khứa uống nhiều hơn một chút xíu, nán lại lâu lâu chút xíu. Nhưng vì từ Canapé phổ biến và dễ đọc hơn, nên mình sẽ dùng thuật ngữ này trong bài. Chỉ xin đừng nhầm Canapé hay hors d'oeuvre với món khai vị hay tráng miệng. Canapé là một dạng finger-food, dù không phải món finger food nào cũng là canapé. Nhiều thuật ngữ khó nh, chúng mình giải lao bằng hình ảnh cho dễ hiểu nhé :D

Các dạng canapé phổ biến gồm phần đế làm từ tinh bột : bánh giòn, bánh mì và phần top thơm ngon đa dạng : rau củ, thịt cá, phô mai, ...  Tất nhiên là đó là định nghĩa chung chung, còn để đem ra ứng dụng thì mình đã từng thấy có nhiều loại lắm nè.



Đặc điểm chung là canapé cực kì đẹp mắt và sáng tạo trong hương vị. Hôm qua mình ăn một món canapé có đế là bột mì xay nhuyễn cùng với mù tạt và thì là, phần trên là một chút cá hồi và trứng cá, trang trí bằng một cánh hoa butterfly pea/hoa đậu biếc . Có khoảng 6 nguyên liệu trong một miếng cắn và tất cả hòa quyện một cách hoàn hảo với nhau. Với những món ăn nhiều sốt hoặc không có sốt để liên kết, đầu bếp có thể dùng tăm ghim, dùng thìa, đựng vào phễu hoặc vào cốc.


Sở dĩ mình bắt đầu dài dòng như vậy là vì hôm qua mình mới được biết đến tầm quan trọng của việc đưa canapé vào menu và cách ứng dụng nó vào một đám cưới ở Việt Nam. 


Trong các đám cưới phương Tây, canapé được dọn ra vào khoảng thời gian giữa kết thúc của buổi hành lễ và bữa tối. Thông thường đây là thời gian cô dâu chú rể chụp ảnh cưới với nhau, gia đình và bạn bè có thời gian để nói chuyện, uống rượu, kí guestbook....  Tuy Việt Nam không có thói quen này nhưng trong một đám cưới, bao giờ cũng có một khoảng thời gian nhất định khi khách mời đến trước bữa ăn để chào cô dâu chú rể cũng như để bỏ phiếu, dù là những đám cưới buổi trưa cập rập. Thay vì chi bộn tiền cho những món kẹo trang trí hay bánh ngọt ở sảnh (mà khách khứa được không hào hứng vì chẳng ai ăn đồ ngọt trước khi ăn tối cả), cô dâu chú rể có thể nâng budget cho welcome drinks và canapé. Đặc biệt là trong các đám cưới buổi tối, khi mà khách đến sớm thì đã đói và thời gian chờ hành lễ khá dài (trên 30 phút) Khách có thể không trông chờ vào đồ ăn trong menu chính, nhưng 1-3 miếng canapé trong lúc chờ sẽ làm họ ấn tượng về sự chu đáo và thẩm mỹ của cô dâu chú rể.

Và tất nhiên là bạn hoàn toàn có thể dùng canapé ngọt làm đồ trang trí và sau đó dọn ra làm đồ tráng miệng, nghe hợp lý không?

Cuối cùng, mình xin nói một xíu xiu về văn hóa thưởng thức canapé để nếu một ngày đẹp trời nọ, bạn cảm thấy thuyết phục và quyết định dùng món canapé đãi khách, món ăn sẽ thể hiện đẳng cấp của người mời.

Thứ nhứt, vì canapé là món bốc tay, nhân viên bưng bê nên đeo găng tay và sử dụng khay sạch để tạo cảm giác sạch sẽ ngon miệng.

Thứ hai, với văn hóa 'thích của lạ' như ở Việt Nam, những khách mời chưa được thử hoặc không biết món ăn có gì, họ sẽ bốc để ... ngửi và ngắm trước rồi mới quyết định ăn. Vì vậy, nếu có một biển chỉ dẫn nhỏ về nguyên liệu để mọi người sẽ biết rằng họ có nên chọn món ăn đó hay không sẽ rất tuyệt.

Thứ ba, vì phần lớn canapé được phục vụ trong tiệc đứng, khách của bạn sẽ có xu hướng chọn món gần mình nhất, nhân viên cần hết sức linh hoạt trong việc di chuyển để đảm bảo ai cũng có nhiều lựa chọn và sẽ không ăn hết phần của người khác.

Cái món này đích thực là phở cuốn các bác ạ :)

Đọc thêm các bài viết cùng chủ đề Cưới :
http://hatmem.blogspot.com/2014/09/jeanette-cihan.html
http://hatmem.blogspot.com/2014/09/sue-bruce.html
http://hatmem.blogspot.com/2014/09/tie-knot-la-gi.html
http://hatmem.blogspot.com/2014/08/tai-sao-lai-la-wedding-planner-phan-2.html
http://hatmem.blogspot.com/2014/08/canape-nho-xinh-nhung-ang-cap.html
http://hatmem.blogspot.com/2014/08/vi-hanh-phuc-ang-cho-nen-hay-len-uong.html
http://hatmem.blogspot.com/2014/07/wedding-planner-tai-sao-lai-la-wedding.html
http://hatmem.blogspot.com/2013/10/co-400-trieu-ay.html



Nếu thấy hay và mới lạ, các bạn nhớ share bài viết nhé :D
Xin cảm ơn :*


Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

Làm thế nào để luôn vui vẻ? [part 1]

Hay là life hacks của tớ để có một cuộc sống đơn giản, ít nỗi buồn.




#1. Phân biệt bạn và bè : Bạn là những người thực sự quan tâm, tự nguyện dành thời gian, và không gian cho mình, chứ không cần xã giao giữ hòa khí. Dù quen biết rộng và luôn có thể gọi ai đó đi chơi cà phê cà pháo, mình luôn biết ranh giới giữa bạn thật sự và bạn xã giao, để dành thời gian và sự quan tâm thực sự tới những người có thể không bên cạnh mình lúc tỏa sáng rạng rỡ nhất, nhưng chắc chắn sẽ chịu ngồi cạnh mình lúc mình trông như cứt. Điều đó giải thích vì sao con Hương, con Linh với con Giang dù xa nhau cả nửa vòng địa cầu, cả năm không nói chuyện, nhưng lúc nào gặp ra là hoặc ôm nhau khóc tu tu hoặc cười sằng sặc được ngay lập tức.

#2. Chấp nhận cuộc đời không chỉ toàn màu hồng : Đối mặt với khó khăn quả là không dễ dàng, chả ai vững vàng khi bị cả đống thứ ụp vào mặt, ở bất cứ độ tuổi nào. Con người chứ có phải siêu nhân đéo đâu mà nháy mắt giải quyết được cả đống vấn đề. Cũng phải buồn, phải giận, phải lo lắng, va vấp rồi thất bại chứ. Nhưng con người bé mà giỏi hơn con voi ma mút khổng lồ ở chỗ là con người luôn học hỏi, thay đổi, thích nghi và có vấn đề thì giải quyết.

#3. Đừng bao giờ lừa dối bản thân : Có thể nói dối bất cứ ai, nhưng hãy thành thật với bản thân. Điều đó khó khăn và cần sự dũng cảm hơn việc thú nhận bất cứ sự thật nào trên đời.Nếu kém thì hãy chấp nhận là mình kém, dù không cần phải nói ra, để có thể làm tốt hơn vào những lần khác.

#4. Love yourself above all else : Ranh giới để được là chính mình rất mong manh, hãy yêu thương mọi người nhưng hãy yêu mình trước tiên. Ta không có nghĩa vụ làm vui lòng người khác trước khi nghĩ đến hạnh phúc của chính bản thân mình.


#5. Đừng cố trở thành người khác : Hãy phân biệt rõ giữa "trở nên tốt hơn" và "trở thành người khác". Thế nào cũng có những người xinh hơn, thông minh hơn, mặn mà hơn,... nhưng không ai có thể làm những việc bạn đang làm tốt hơn chính bạn. Cho dù công việc chưa ổn định, tình cảm dở dang, tình tình không bình thường :))

#6. Đừng ngại mắc sai lầm : Thà bắt tay vào làm việc mà mắc sai lầm 10 lần còn hơn là ngồi không chả làm gì. Chưa qua thất bại mà đòi thành công thì thật viển vông, ít ra mỗi một thất bại sẽ cho ta biết cách để không thất bại lần tiếp theo. Và rốt cuộc thì, trong 2 thứ nuối tiếc, người ta thường nuối tiếc cái người ta không làm, chứ không phải cái người ta đã làm.

#7. Đừng sống bằng quá khứ, hãy trân trọng nó mà thôi : ai cũng mắc sai lầm, nhưng không ai LÀ một cục sai lầm mãi. Mỗi một sự việc đã xảy ra đều mang một thông điệp rằng Hiện tại đáng trân trọng và sẽ trở thành quá khứ sau mỗi 24 tiếng. Vì vậy hãy sống tốt hàng ngày, từ ngày hôm nay để không phải hối hận.


Để những lời khuyên này không giống như những cuốn self-teach khô khan và nặng tính thuyết giáo, tớ cũng đã mất nhiều thời gian để thực hành. Mỗi khi chuẩn bị làm gì đó, dù có bị cho điên rồ, tớ đều dừng lại một vài tíc tắc, không phải để lên kế hoạch, mà để nghĩ xem mình có thực sự muốn làm điều đó hay không, nếu điều đó mang lại nỗi buồn, mình có thể chấp nhận nỗi buồn đó hay không. Cuộc đời thì ngắn, trí khôn lại đến chậm, cho nên nếu có cơ hội hãy cứ mạnh dạn làm những điều mình muốn, để tìm ra điều mình cần, thì hãy cứ làm :))

Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

Sài Gòn không cần nhập tịch.






Đã nhiều lần tôi ước mình được sinh ra đâu đó ở miền quê, có sông suối núi đồi, vườn cây hoa lá, để lâu lâu về quê có những “đêm buồn tỉnh lẻ”, về Sài Gòn kể chuyện làm quà ra điều lãng mạn.
Sinh ra, lớn lên và sống gần hết đời ở cái đất Sài Gòn này mới thấy nó chán phèo. Hồi nhỏ thì chơi tạt lon, đánh đáo, giựt cô hồn… Thả diều không được, vì sợ vướng dây điện. Lớn hơn chút nữa thì chơi bầu cua, cáttê, xập xám… Mỗi tối mẹ sai tôi xách thùng rác ra gốc me ngoài đường đổ. Tối cúp điện, tôi vừa xách thùng rác vừa nghêu ngao: "Đường về hôm nay tối thui, gập ghềnh em không thấy tôi, em đụng tôi, em nói tôi đui…” Tội nghiệp bản Kiếp nghèo của Lam Phương, tôi chỉ cám cảnh a dua hát theo chứ đâu biết sửa lời.

Hồi 1954, cả trăm ngàn dân di cư mang theo đủ loại kiểu sống bó trong luỹ tre làng đem nhét hết vô mảnh đất nhỏ xíu này, cũng gây xáo trộn cho người ta chứ. Phong tục, tập quán, ở đất người ta mà cứ như là ở đất mình. Nhưng người Sài Gòn chỉ hiếu kỳ một chút, khó chịu một chút, rồi cũng xuề xoà đón nhận.
Ảnh tư liệu : Những người Việt trên con tàu vào Nam hồi 1954


Mà nói thiệt, tôi là dân Bắc kỳ chín nút. Nhưng đó là chuyện của ba má tôi, dù sau này có về thăm quê nội ngoại tôi vẫn thấy hụt hẫng và hờ hững thế nào ấy. Tôi lớn lên ở Sài Gòn, không khí Sài Gòn, cơm gạo Sài Gòn, đầu Sài Gòn, tim Sài Gòn… bao nhiêu thứ buồn vui với nó. Trong tôi cứ bám riết cái Sài Gòn chán phèo này, dù đôi lúc mặc cảm mình không phải là dân Sài Gòn. Hè, tụi bạn về quê, Bến Lức, Vĩnh Long, Kiến Hoà… Cũng chia tay hứa hẹn, tình cảm ra rít: “Tao về quê sẽ mang lên cho mày ổi xá lỵ, xoài tượng…” Tôi ngóng cổ chờ bạn, chờ quà. Thực ra, tôi thèm có quê để về. Tết đến, thầy cô, bạn bè về quê, nhiều người Sài Gòn xôn xao về quê. Tôi ở lại Sài Gòn mà thấy mình vẫn không phải dân Sài Gòn. Vậy như thế nào mới là dân Sài Gòn chính hiệu đây? Chẳng lẽ phải tính từ thời ông Pétrus Ký hay Paulus Của?
 
Sài Gòn trẻ măng, mới chừng hơn 300 tuổi tính từ thời Chúa Nguyễn xác lập chủ quyền ở đây. Sài Gòn khi cắt ra khi nhập vào, to nhỏ tuỳ lúc. To nhất khi nó là huyện Tân Bình, kéo dài đến tận Biên Hoà. Nhỏ nhất là vào thời Pháp mang tên Sài Gòn. Ngay trước 1975, Sài Gòn rộng chừng 70km2, có 11 quận, từ số 1 – 11. Hồi đó Phú Nhuận, Tân Bình, Thủ Đức... còn được xem là nhà quê (tỉnh Gia Định). Bây giờ Sài Gòn rộng tới 2.000km2. Sài Gòn đắc địa, có cảng nối biển, là đầu mối giao thương quốc tế, tiếp cận văn minh Tây phương sớm. Dân Sài Gòn không có địa giới rõ rệt. Nói tới họ có vẻ như là nói tới phong cách của dân miền Nam. Họ là những lưu dân khai phá, hành trang không có bờ rào luỹ tre nên tính tình phóng khoáng, trọng nghĩa khinh tài, nói năng bộc trực… Ai thành đại gia thì cứ là đại gia, ai bán hàng rong thì cứ bán. Tiếp cận văn minh phương Tây sớm, nên dân Sài Gòn có thói quen ngả mũ chào khi gặp đám ma, xe hơi không ép xe máy, xe máy không ép người đi bộ, chạy xe lỡ va quẹt nhau, giơ tay chào ngỏ ý xin lỗi là huề. Những thói quen này giờ đây đang mất dần, nhưng dân Sài Gòn không đổ thừa cho dân nhập cư. Họ cố gắng duy trì (dù hơi tuyệt vọng) để người mới đến bắt chước. Chợ hoa là một chút văn hoá của Sài Gòn, có cả nửa thế kỷ nay rồi, có dân nhập cư nào “yêu” hoa mà ra đó cướp giựt hoa đâu.
Sài Gòn không tự hào mình là người thanh lịch, không khách sáo, không mời lơi. Họ lấy bụng đãi nhau. Ít nơi nào nhiều hội ái hữu, hội tương tế, hội đồng hương như Sài Gòn. Có máu lưu dân trong người, dân Sài Gòn thông cảm đón nhận hết, không ganh tị, không thắc mắc, không kỳ thị. Người ta kỳ thị Sài Gòn, chứ Sài Gòn chẳng kỳ thị ai. Nhiều gia đình người Bắc người Trung ngại dâu ngại rể Sài Gòn, chứ dân Sài Gòn chấp hết, miễn sao ăn ở biết phải quấy là được.
Dân Sài Gòn làm giàu bằng năng lực hơn là quyền lực. Người ta nói “dân chơi Sài Gòn”. Trời đất! Sài Gòn mà “tay chơi” cái nỗi gì. Tay chơi dành cho những đại gia giàu lên đột xuất từ đâu đó đến. Sài Gòn a dua thì có, nhưng a dua biết chọn lọc. Coi vậy chứ dân Sài Gòn đâu đó còn chút máu “kiến nghĩa bất vi vô dõng giả”. Cứ xem dân Sài Gòn làm công tác xã hội thì biết, cứu trợ lũ lụt thấy người ta lạnh quá, cởi áo len đang mặc tặng luôn. Họ làm vì cái bụng nó thế, chứ không phải vì PR, đánh bóng bộ mặt.

Sài Gòn nhỏ tuổi nhiều tên, nhưng dù thế nào Sài Gòn vẫn là Sài Gòn. Nhiều người thành danh từ mảnh đất này, Sài Gòn nhớ không hết, nhưng mấy ai nhớ đến chút tình của Sài Gòn? Mới đây đi trong con hẻm lầy lội ở Khánh Hội, chợt nghe bài Kiếp nghèo vọng ra từ quán cóc ven đường. Tôi ghé vào gọi ly càphê. Giọng Thanh Thuý sao da diết quá: “Thương cho kiếp sống tha hương, thân gầy gò gởi theo gió sương…” Chủ quán, ngoài 60 cầm chồng báo cũ thẩy nhẹ lên bàn “Thầy Hai đọc báo…” Hai tiếng “thầy Hai” nghe quen quen… Tự nhiên tôi thấy Sài Gòn như máu chảy từ tâm, Sài Gòn bao dung. Tôi chợt hiểu ra, mình đã là người Sài Gòn từ thuở bào thai rồi, cần gì xin nhập tịch.

02.02.2014-23:45

Bài viết này tôi đọc đã lâu, về sau khi tìm lại đã không còn thấy bản gốc. Tôi mạn phép sao chép lại, giữ nguyên tên và câu chữ, chỉ sửa vài lỗi chính tả và thêm hình ảnh, mặc dầu vẫn đang day dứt giữa nỗi mặc cảm của kẻ xâm lược và lòng tự tôn với Hà Nội mà tôi vẫn hằng mến thương.

Bài đăng phổ biến