Chủ Nhật, 15 tháng 8, 2010

Chuyện dài bệnh viện ở Sài Gòn

Đọc báo thấy bài này đáng chú ý, xin chép lại để mai mốt đọc lại kỹ hơn.

"Nguyễn Ðạt/Người Việt

Từ hai, ba năm nay, cũng như mọi người dân ở Sài Gòn, gia đình chúng tôi mua thẻ Bảo Hiểm Y Tế tại phường cư ngụ, chọn “bảo hiểm” trong số bệnh viện, trung tâm y tế ấn định sẵn cho phường.

Chúng tôi chọn bệnh viện Nguyễn Trãi, một trong vài bệnh viện công lâu đời tại Sài Gòn, có trong danh sách bệnh viện, trung tâm y tế được ấn định. Tháng trước chúng tôi đi khám mắt bị viêm kết mạc, bác sĩ tại bệnh viện Nguyễn Trãi cho thuốc nhỏ mắt, nhỏ gần hết thuốc thấy con mắt bị đỏ lừng lên. Ði khám lại, bác sĩ vẫn cho thuốc ấy, nhỏ tiếp mắt càng đỏ thêm.

Chúng tôi tới Bệnh Viện Mắt Thành Phố, nơi mọi người tin tưởng, vì đây là trung tâm chuyên khoa mắt lớn nhất khu vực phía Nam. Bệnh Viện Mắt Thành Phố cũng vẫn cho nhỏ cùng một thứ thuốc như ở bệnh viện Nguyễn Trãi, chúng tôi quyết định không dùng, chỉ mang kính bảo vệ mắt, con mắt đỏ một tuần lễ sau giảm dần và hết.

Ðiều đáng nói không phải là về việc chữa bệnh của bác sĩ, mà là sự thờ ơ của họ. Cả hai bác sĩ ở bệnh viện Nguyễn Trãi và Bệnh Viện Mắt Thành Phố, không ai buồn nghe không ai buồn ngó con mắt bệnh nhân đỏ vì dùng thứ thuốc do bác sĩ ghi. Họ cứ tự động, như cái máy, ghi lại tên thuốc nhỏ mắt lần nữa.

Một bác sĩ là bạn của chúng tôi nói: “Bệnh viện lớn hay nhỏ, chuyên khoa hay không chuyên khoa ở Việt Nam, vẫn có rất nhiều bác sĩ ấm ớ vô tâm như thế. Tại bạn cứ đi tìm ‘lương y như từ mẫu’ nên mới ‘đỏ con mắt’!”

Về chuyện ấm ớ, phải kể thêm việc đi khám mắt tuần trước. Chúng tôi thấy mắt tự dưng mờ quá, lại sinh bệnh gì đây? Nên chúng tôi lại tới khám mắt ở Bệnh Viện Mắt Thành Phố, dù sao cũng là trung tâm chuyên khoa về mắt lớn nhất khu vực phía Nam, vẫn hy vọng khá hơn nơi khác, vả lại ở đây có nhiều bác sĩ hơn hết.

Khám mắt cho chúng tôi là vị nữ bác sĩ rất trẻ, người miền Bắc, không biết tốt nghiệp đại học y khoa ở Hà Nội hay Sài Gòn, hay là “con ông cháu cha,” “nhất thân nhì thế tam ngân...” mà được tuyển chọn làm việc tại Bệnh Viện Mắt Thành Phố. Sau khi khám, nữ bác sĩ nói chúng tôi “chuẩn bị để tuần sau giải phẫu. Bị đục thủy tinh thể!”

Chẳng biết chúng tôi có được chuyển bảo hiểm y tế ở bệnh viện Nguyễn Trãi sang đây không, chứ cuộc giải phẫu này là cầm chắc phải chuẩn bị hàng chục triệu đồng.

Người bạn là bác sĩ nghi ngờ vị nữ bác sĩ chuyên khoa mắt định bệnh ấm ớ, giới thiệu chúng tôi tới khám lại ở phòng khám ngoài giờ của một bác sĩ cũng làm việc tại Bệnh Viện Mắt Thành Phố, “Cô Võ Quang Hồng Ðiểm là dân Sài Gòn, lại từng tu nghiệp chuyên khoa mắt tại Pháp, đáng tin cậy hơn. Vợ con tôi chỉ khám mắt chỗ này thôi.”

Bác Sĩ Võ Quang Hồng Ðiểm khám cho chúng tôi rất kỹ, kết luận mắt rất tốt so với tuổi tác. Còn tình trạng đôi lúc thấy mờ nhòa không phải vì bị đục thủy tinh thể, mà là triệu chứng có thể bị loạn thị. Nếu loạn thị, sẽ đeo kính chứ không phải chữa trị tốn kém như đục thủy tinh thể.

Ðấy là sơ nét về tay nghề, về sự quan tâm tới bệnh nhân của bác sĩ ở bệnh viện. Còn những chuyện bê bối, tệ hại, tiêu cực lớn nhỏ ở bệnh viện, có thể hết ngày kể không hết chuyện.

Chúng tôi cho rằng, đáng sợ nhất là sự xem nhẹ sinh mạng con người. Từ một vài bệnh viện ở Sài Gòn, đã có những bệnh nhân, bệnh nhi ra đi tức tưởi như bị bức tử.

Trong lúc chúng tôi đang ghi nhận chuyện bệnh viện, người lối xóm cho biết, bà cụ già 80 tuổi của gia đình bị xe gắn máy tông vào, ngã xuống đường lúc sáng, người nhà vội đưa vào bệnh viện Trưng Vương ở khu vực quận 10.

Tại bệnh viện, bà cụ chỉ được băng bó những chỗ tay chân bị trầy xước, người nhà thấy bà cụ ói mửa ra từng ngụm máu, báo y sĩ y tá nhưng không ai quan tâm. Mãi tới chiều, khi người nhà đưa bì thư đựng năm trăm ngàn đồng cho một y sĩ y tá nào đó, bà cụ mới được hỏi tới, đưa đi chụp phim. Và bây giờ mới biết bà cụ bị đọng máu bầm trong đầu.

* Chữa bệnh bằng 'Ôxy Cao Áp'

Trong câu chuyện bệnh viện ở Sài Gòn này, chúng tôi muốn ghi nhận một trung tâm chữa bệnh rất hiệu quả, lạ lùng ở chỗ ít người chú ý, biết tới đó là 'Trung Tâm Ðiều Trị Ôxy Cao Áp.'

'Trung Tâm Ðiều Trị Ôxy Cao Áp' ở số 3 đường 3/2, quận 10. Từ vòng xoay Công trường Dân Chủ đi vào đường 3/2, Trung Tâm Ðiều Trị Ôxy Cao Áp nằm phía bên trái, trong khuôn viên của Bộ Quốc Phòng, khu vực phía Nam. Phương pháp chữa bệnh bằng Ôxy Cao Áp đã từ lâu phát triển ở nhiều nước trên thế giới, nhưng mới được thực hiện tại Sài Gòn vào cuối năm 1997.

Chữa trị bằng Ôxy Cao Áp là cho bệnh nhân thở bằng ôxy nguyên chất dưới áp lực cao, làm tăng từ 22-30 lần lượng ôxy trong máu, hoặc cho bệnh nhân thở ôxy trong môi trường áp suất khí trời. Ôxy nguyên chất sẽ khuếch tán, luân chuyển, hòa tan trong máu, xúc tác thúc đẩy sự vận chuyển chất dinh dưỡng tới các tổ chức thiếu ôxy, giúp các tế bào hồi phục nhanh.

Giám đốc Trung Tâm Ðiều Trị Ôxy Cao Áp, Bác Sĩ Nguyễn Kim Phong cho biết: Ôxy cao áp là phương pháp tốt nhất để điều trị cho các bệnh nhân tai biến mạch máu não. Ðiều trị bằng ôxy cao áp, mạch máu não được tái lưu thông, và ngăn ngừa được tai biến trở lại, bệnh nhân hồi phục được những tổn thương ở hệ thần kinh. Các thứ thuốc uống không thể điều trị được như vậy. Phương pháp điều trị bằng ôxy cao áp cũng chữa trị hiệu quả những trường hợp như ngộ độc ôxýt cacbon (CO), nhiễm trùng sinh khí, bệnh giảm áp, viêm tắc động mạch, thiếu máu cơ tim, thiểu năng tuần hoàn não, các bệnh về gan và nhiều bệnh khác.

Bác Sĩ Nguyễn Kim Phong kể lại một trường hợp chữa bệnh của Trung Tâm Ðiều Trị Ôxy Cao Áp, khi trung tâm hoạt động tại Sài Gòn được gần một năm. Ðó là gia đình ông Nguyễn Việt Thanh, gồm 6 người, ở xã Tân Phong thuộc huyện Giá Rai-Bạc Liêu, bị hôn mê sâu do nhà sử dụng máy phát điện mà lại đóng kín cửa. Khí thải không thoát ra được, dẫn tới tình trạng cả nhà bị nhiễm độc ôxýt cacbon. Ðưa đi cấp cứu ở trung tâm y tế Giá Rai và bệnh viện Bạc Liêu, nhưng 2 người bị chết vì nhiễm độc nặng, một người còn hôn mê sâu là em Phượng.

Phượng được đưa đi bệnh viện Chợ Rẫy-Sài Gòn. Bệnh viện Chợ Rẫy cứu chữa em Phượng qua cơn nguy kịch, nhưng sau 2 tháng em Phượng vẫn hôn mê, em được chuyển tới Trung Tâm Ðiều Trị Ôxy Cao Áp. Tại đây, được điều trị bằng ôxy cao áp mỗi ngày 2 giờ, sau mười ngày em Phượng dần tỉnh táo, tới ngày thứ mười sáu em Phượng hoàn toàn bình phục và xuất viện.

Như vậy Trung Tâm Ðiều Trị Ôxy Cao Áp là một trung tâm y tế có phương pháp đặc trị đáng tin cậy. Chúng tôi nhận thấy, ít người chú ý hoặc biết tới, do cơ sở của trung tâm đặt tại địa điểm không thích hợp: trong khuôn viên của Bộ Quốc Phòng, Khu vực phía Nam. Nơi này kín cổng cao tường, có trạm canh gác của quân đội nhân dân. Ảnh chúng tôi ghi nhận là ở phía ngoài, giáp đường phố, chỉ treo biển hiệu của trung tâm mà thôi."


( Nguoi Viet, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=117382&z=1 )

Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/15745902

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến