KONTUM (TH) - Nhà cầm quyền thành phố Hà Nội chi gần 50 tỉ đồng (khoảng $2,635,600 USD) để lát đá xanh quanh Hồ Gươm trong khi dân một số làng ở tỉnh Kontum không có cầu nên phải đu dây qua sông.
Theo một bài viết trên tờ báo điện tử Vietinfo ngày 27 tháng 5, 2010, người dân các xã Ðăk Nông, Ðăk Dục, Ðăk Ang v.v... thuộc huyện Ngọc Hồi tỉnh Kontum chỉ cần tiền tương đương với tiền 2 phiến đá xanh lát quanh Hồ Gươm là có một cây cầu treo để vượt sông, thay vì phải đu dây.
“Hàng nghìn người dân Kontum chỉ chờ xin... có 2 phiến đá lát Hồ Gươm là đủ!” Báo VIT nói.
Một số cây cầu treo qua sông Pô Kô qua huyện Ngọc Hồi đã bị phá hủy sau trận bão Ketsena hồi tháng 9 năm ngoái. Nhà cầm quyền địa phương không có ngân sách, đã lập dự án xin cấp ngân khoản nhưng đến nay vẫn không thấy động đậy.
Một cây cầu treo tốn khoảng 1.5 tỉ đồng (khoảng $79,000 USD theo hối suất chính thức). Theo bản tin VIT nói trên “từ khi dùng dây cáp đến nay, có ít nhất 5 vụ trượt qua dây cáp, nhiều người bị rơi xuống sông chết.”
Phạm Văn Anh, trưởng phòng Nông Nghiệp của huyện Ngọc Hồi nói: “Biết người dân qua sông trên dây cáp như vậy là quá nguy hiểm, nhưng do kinh phí quá lớn nên việc làm lại cầu treo qua sông ngoài khả năng của huyện.”
Nhiều báo đã viết về sự di chuyển của người dân ở huyện Ngọc Hồi vào lúc Quốc Hội được đệ trình dự án xây dựng đường xe lửa cao tốc Bắc Nam tốn phí $50 tỉ đô la mà kinh tế gia Nguyễn Quang A nói rằng tốn kém có thể lên đến $100 tỉ đô la vì trượt giá và các yếu tố khác.
Ðể làm đẹp thủ đô Hà Nội nhân dịp kỷ niệm “1000 năm Thăng Long,” chế độ Hà Nội đã đổ ra 25 ngàn tỉ đồng (khoảng $1 tỉ 318 triệu USD) cho 39 dự án, theo ước tính từ năm 2008 mà bây giờ có thể còn nhiều hơn nữa.
Dự án đường xe lửa cao tốc mới chỉ đưa Quốc Hội để bàn nhưng đã nghe nhiều ý kiến phản biện chống đối vì cái kiểu nhà nghèo học chơi sang. Nhưng cái chuyện lát vỉa hè quanh Hồ Gươm đã thực hiện từ giữa tháng 4 vừa qua đã phải dừng lại vì nhiều đả kích là lãng phí kiểu vung tay quá trán.
Quanh Hồ Gươm đã được lát gạch mới chỉ có mấy tháng, nay lại được lột lên để thay bằng đá xanh cưa từ đá tảng núi Thanh Hóa, mỗi cục nặng 50 kg, kích cỡ 60x60, thật phí phạm trong một đất nước nghèo có nơi như ở Kontum dân phải đu dây qua sông.
Lát đá quanh hồ Gươm đã phải dừng lại ngày 10 tháng 5, 2010, báo VNExpress nói rằng nhà cầm quyền Hà Nội dừng dự án “để lấy ý kiến người dân.”
Người dân ở xã Ðăk Nông và một số xã khác ở huyện Ngọc Hồi, Kontum, ngày ngày phải qua bên kia sông để mua bán, mang sản phẩm nông nghiệp đi bán, trẻ con đi học. Nhà cầm quyền địa phương không có tiền làm cầu, dân phải tự động quyên góp tiền bạc được hơn 3 triệu đồng để làm hai đường dây cáp song song, đu cáp qua sông, trẻ con cũng như người lớn.
Báo VNExpress ngày 25 tháng 5, 2010 viết: “Hằng ngày Trần Khắc Văn dẫn em gái là Trần Thị Ánh Tuyết, lớp 2B trường tiểu học Ðăk Nông (Kon Tum) ra sông PôKô rồi ‘treo’ em lên dây cáp, thả trượt trên dây vượt sông để đến trường ở phía bên kia bờ. Ðang chờ đến lượt đu mình trên dây cáp để qua sông, em Trần Thị Hương, học sinh lớp 7B, trường THCS Ðăk Nông nhỏ nhẹ nói: “Ngày đầu cháu đi thế này sợ lắm, nhưng riết thành quen, mà không qua sông bằng cách như thế này thì cũng không còn cách nào hơn để đến trường.”
Bề ngang con sông Pô Kô rộng chừng 130 mét, nước chảy siết, đi thuyền lại quá nguy hiểm.
VNExpress kể một câu chuyện cách đây vài tháng: “Anh Chín nhớ lại, chiều hôm ấy, ông A Phin trở về từ trên rẫy, khi trượt dây cáp qua sông còn kẹp theo đứa con. Chạy ra giữa sông, thì cái ròng rọc giở chứng vỡ nát làm cả hai cha con rơi tõm xuống sông. Bị ròng rọc đập mạnh vào đầu, ông A Phin ngất xỉu còn đứa con trôi theo dòng nước xiết. “Ba tôi trông thấy đã lao mình xuống sông, rất may hai cha con đã được đưa đi cấp cứu kịp thời. Con Aphin thì bị gãy tay, còn Aphin thì mặt mày bê bết máu.”
Ngày 27 tháng 5, 2010, báo VNExpress phỏng vấn bà Y Vêng, bí thư tỉnh ủy Kontum mà cũng là đại biểu Quốc Hội. Bà nói: “Ðu dây vượt sông là nguy hiểm, nhưng tỉnh thiếu kinh phí làm cầu.” Vì không có tiền cho nên “đến giờ này thì chưa thể khắc phục được vì Kontum là tỉnh nghèo.”
Bà này còn nói rằng để có thể khắc phục được một cách tương đối, “cần 5-10 năm.”
Ðọc các lời trả lời phỏng vấn của bà Y Vêng trên VNExpress, độc giả Nguyễn Hạnh phản ứng: “Ðọc bài báo này mà tôi ứa nước mắt. Vì buồn và vì giận.Với những người như tôi thì 1.5 tỉ đồng là số tiền trong mơ còn đối với đất nước dù là một nước đang phát triển thì cũng chỉ là con số lẻ.”
Ðộc giả tên Ðức viết: “Vậy mà cũng đòi làm tàu điện cao tốc.” Nơi thì thừa tiền để hoang phí, nơi thì không có cả một cái cầu khỉ.
Ðây là những câu kết luận trong bài viết trên báo VIT ngày Thứ Năm, 27 tháng 5, 2010: “Không biết có ai đó đang có dự tính chuyển giao vùng đất Ðăk Nông, Ðăk Dục, Ðăk Ang... huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum cho nước ngoài, kiểu như giao hơn 300 nghìn heta rừng cho Ðài Loan, Trung Quốc quản lý, để họ xây cầu qua sông cho dân, hay không? Mà nghĩ cho cùng, nếu được như vậy, thì người dân Kon Tum cũng bớt khổ, khỏi phải làm cái kiếp... đu dây.
Lát đá quanh Hồ Gươm là một việc làm tỏ lòng thành kính và có giá trị tâm linh “1 nghìn năm.” Tuy nhiên, đã từ hàng nghìn năm nay người dân Việt Nam vẫn thường tâm niệm:
“Dẫu xây chín bậc phù đồ,
Chẳng bằng làm phúc cứu cho một người.”"
( Nguoi Viet http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=113528&z=157 )
Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/11944692
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét